(NÓNG TRONG TUẦN): Châu Á chìm trong thiên tai, ông Trump bị "vây" sau thượng đỉnh Mỹ- Nga
- Nga bất ngờ rút hàng chục chiến đấu cơ khỏi Syria sau thượng đỉnh Putin - Trump
- Trung Quốc chi hơn 100 triệu USD để đối phó với lũ lụt
- Công chiếu phim tài liệu về chiến dịch giải cứu đội bóng Thái Lan
Tổng thống Trump “vất vả” sau thượng đỉnh Nga – Mỹ
Sự kiện đáng được mong chờ nhất diễn ra trong tuần vừa rồi không ngoài việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử lần đầu tiên tại Helsinki, Phần Lan ngày 16-7. Tại đậy, hai nhà lãnh đạo đã cùng nhau trao đổi về cuộc chiến ở Syria, xung đột ở Ukraine, vấn đề cắt giảm vũ khí hạt nhân cùng loạt vấn đề nóng khác.
Ông Trump đang đau đầu vì những lời chỉ trích hậu thượng đỉnh Nga - Mỹ. Ảnh: Politico |
Tuy nhiên, điều khiến người ta nhắc nhiều hơn lại là việc Tổng thống Trump và các trợ lý thân cận phải vất vả xoay sở thế nào để kiềm chế làn sóng phản đối chính trị nhằm vào ông, sau thượng đỉnh với ông Putin.
Ngày 17-7, một ngày sau khi rời Phần Lan về Mỹ, Tổng thống Trump cho biết ông đã “nói nhầm” tại cuộc họp báo ở Helsinki với ông Putin. Ông nhấn mạnh rằng, đúng ra, ông muốn nói ông chấp nhận kết luận của cơ quan tình báo Mỹ rằng Nga có can thiệp bầu cử.
Thông tin trên trái ngược hoàn toàn phát biểu ngày 16-7, khi Tổng thống Trump đã khiến thế giới ngạc nhiên vì từ chối chỉ trích nhà lãnh đạo Nga về cáo buộc can thiệp bầu cử, khiến cho nghị sĩ cả hai đảng ở Mỹ nổi xung. Một số nghị sĩ còn kêu gọi trừng phạt Nga mạnh hơn.
Tuy nhiên, sau lời xoa dịu của ông Trump, cơn bão những lời chỉ trích nhằm vào ông cũng chưa chịu dừng lại. Nhiều người thậm chí còn nói rằng ông đã “yếu đuối” khi đứng trước người đồng cấp Nga. Đáp lại các chỉ trích này, ông Trump nói rằng: “Tôi hoàn toàn không đồng ý. Mọi người cứ nói là bạn phải xông lên trước ông ta, bạn phải hét vào mặt ông ta. Chúng ta đang sống trong thế giới thực, bạn hiểu không?”.
Thiên tai nhấn chìm châu Á
Nỗi ám ảnh mang tên những hiện tượng thời tiết cực đoan tiếp tục hoành hành ở châu Á suốt tuàn qua. Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc đang chịu cái nóng chết người, thì trong khi bão tố và lũ dữ hoành hành ở Việt Nam, Trung Quốc.
Công nhân Nhật Bản xây dựng sân vận động phục vụ Thế vận hội mùa Hè trong cái nóng 43 độ C. Ảnh: Reuters |
Tại Nhật Bản, khoảng 110 triệu người đang chịu tác động của đợt nắng nóng kỷ lục xuất hiện sau trận lụt kinh hoàng trong vòng 2 tuần qua. Nhiệt độ thực tế, tính thêm tác động của độ ẩm, có thể lên đến hơn 40 độ C.
Trong vòng 10 ngày, các bệnh viện Nhật Bản tiếp nhận hơn 12.000 bệnh nhân ngã bệnh, trong khi 11 người đã tử vong vì không thể chịu được nắng nóng. Đỉnh điểm, ngày 21-7, Sở cứu hỏa Tokyo đã 3.091 lần điều động xe cứu thương, kỷ lục của cơ quan này kể từ khi đường dây y tế khẩn cấp được mở vào năm 1936.
Nắng nóng kinh hoàng cũng xuất hiện tại Hàn Quốc. Nhiều địa phương ngày 22-7 mất điện do nhu cầu sử dụng tăng đột biến, theo Tập đoàn điện lực Hàn Quốc (Kepco). Tuy nhiên, tình hình ở đây khả quan hơn bởi người dân Hàn Quốc cũng quen hơn với nắng nóng.
Người Trung Quốc bơi thuyền trên phố vì lũ lụt. Ảnh: ITN |
Trong khi đó, miền Đông Trung Quốc liên tiếp đón nhận các cơn bão nhiệt đới. Hơn 190.000 người ở Thượng Hải đã được di tản trước khi bão Ampil đổ bộ vào trưa 22-7. Tân Hoa Xã nói rằng đó là cơn bão thứ 10 đổ bộ vào Trung Quốc chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm.
Mỹ gây sức ép, Iran mang “mẹ của các loại chiến tranh” ra dọa
Căng thẳng giữa Iran và Mỹ tiếp tục leo thang, khi Reuters ngày 22-7 dẫn một số nguồn tin từ giới chức Mỹ thừa nhận Washington đang đồng thời dùng nhiều biện pháp truyền thông để gây sức ép buộc Iran chấm dứt chương trình hạt nhân cũng như ngừng ủng hộ các nhóm vũ trang Hồi giáo như Hezbollah.
Căng thẳng liên tiếp leo thang trong quan hệ Iran - Mỹ. Ảnh: Skynews |
Vài giờ sau, Tổng thống Iran phát biểu trước các nhà ngoại giao rằng: "Đừng đùa với đuôi sư tử, điều đó chỉ dẫn đến sự hối hận. Mỹ phải hiểu rõ rằng hòa bình với Iran là mẹ của các loại hòa bình, chiến tranh với Iran là mẹ của các loại chiến tranh".
Nhà lãnh đạo Iran cũng nhấn mạnh, các mối đe dọa từ Washington sẽ chỉ khiến người Iran thêm đoàn kết và "chắc chắn sẽ đánh bại Mỹ".
Hiện tại, Iran đang đối diện với áp lực gia tăng từ Mỹ và có thể là các biện pháp trừng phạt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi khỏi thoả thuận hạt nhân ký năm 2015 dưới thời người tiền nhiệm Obama.
Đội bóng nhí Thái Lan hồi phục thần kỳ
Các cầu thủ và huấn luyện viên của đội bóng Lợn hoang đã xuất viện vào ngày 18-7, lần đầu tiên trả lời báo chí sau cuộc giải cứu thần kỳ khỏi hang Tham Luang. Xuất hiện trước truyền thông, các cậu bé cùng huấn luyện viên trông rất khỏe mạnh, với tâm lý ổn định.
Các cầu thủ đội bóng nhí Thái Lan cùng di ảnh của thợ lặn Saman Gunan. Ảnh: Reuters |
Tại buổi họp báo, các thầy trò đội bóng Lợn Hoang đưa ra bức vẽ chân dung Saman Gunan. Trên bức vẽ ghi những lời cảm ơn của 13 thành viên đội bóng. Bức vẽ sẽ được đội bóng nhí mang tặng gia đình người thợ lặn đã thiệt mạng trong lúc cố gắng cứu giúp các cầu thủ nhí.
Buổi họp báo mang tên "Đưa Lợn hoang về nhà" kéo dài trong 45 phút và được phát sóng trực tiếp trên các kênh truyền hình lớn của nước này. Hơn 100 câu hỏi từ hàng chục báo, đài Thái Lan và quốc tế đã được gửi đến ban tổ chức. Mọi câu hỏi đều được bác sĩ tâm lý kiểm duyệt trước buổi họp báo để tránh gây tổn thương cho các cầu thủ trẻ.
Sau gần 3 tuần mắc kẹt trong hang Tham Luang, 12 cầu thủ và 1 huấn luyện viên đội bóng nhí Lợn hoang của Thái Lan đã được giải cứu thành công vào ngày 10-7 trong sự hân hoan của không chỉ người Thái Lan mà cả thế giới.
Tìm thấy tàu đắm chở kho báu 200 tỷ USD
Một chiếc tàu mang tên Dmitrii Donskoy của Hải quân Hoàng gia Nga vừa được tìm thấy nằm dưới đáy biển ngoài khơi Hàn Quốc và sẽ được trục vớt vào cuối năm nay với hy vọng nó thật sự mang theo hàng ngàn thùng vàng và châu báu có tổng giá trị lên đến 200 tỷ USD.
Phần thân tàu Dmitrii Donskoy dưới đáy biển (trái) và hình ảnh của tàu trước khi rời bến vào năm 1904. Ảnh: ITN |
Công ty tìm thấy con tàu, Shinil Group, cho biết họ sẽ chi 10% trong số vàng thu được cho các dự án đầu tư ở đảo Ulleung (địa danh quản lý khu vực con tàu bị đắm) như xây dựng bảo tàng cho con tàu, biến nơi đây thành điểm du lịch. Ngoài ra, Shinil cũng cam kết sẽ dành 10% cho chính phủ Nga. Moscow đã cam kết hỗ trợ Shinil trong công tác trục vớt.
Tuy nhiên, nhiều người Nga dường như chưa hài lòng với đề nghị của Shinil Group. “Nếu con tàu đó của chúng ta, chúng ta xứng đáng nhận một nửa. 200 tỷ USD cơ mà”, một người dùng tên Vovan38rus nói trên mạng xã hội Vkontakte.
Trong khi đó, một người dùng khác lại cho rằng Moscow nên tự mình đi trục vớt con tàu thông qua đàm phán với giới chức nơi con tàu bị đắm. “Những người lính dũng cảm đã đánh đắm con tàu để không phải đầu hàng. Và chắc chắn họ làm thế cũng vì không muốn kho báu rơi vào tay người khác. Chúng ta nên đàm phán và tự trục vớt con tàu”, người này nói.