“Quân bài” TikTok hằn sâu căng thẳng Mỹ-Trung
- Vì sao ông Donald Trump phản ứng mạnh với TikTok?
- Tổng thống Mỹ gia hạn 45 ngày cho thương vụ tỷ đô của TikTok
- Rộ tin Mỹ chính thức cấm TikTok vào ngày 1/8
- Mỹ lo Trung Quốc dùng TikTok để can thiệp bầu cử
Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra hôm 5/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, những nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm mở rộng chương trình “Mạng lưới sạch” sẽ tập trung vào năm lĩnh vực, bao gồm các bước để thanh lọc các ứng dụng không đáng tin cậy của Trung Quốc khỏi mạng kỹ thuật số của Mỹ, cũng như ngăn chặn các công ty viễn thông Trung Quốc truy cập thông tin riêng tư về công dân và doanh nghiệp Mỹ.
“Do có các công ty mẹ có trụ sở tại Trung Quốc, những ứng dụng như TikTok, WeChat và các ứng dụng khác là mối đe dọa đáng kể đối với dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ”, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh. Ông Pompeo cũng cho biết thêm, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ làm việc với các cơ quan chính phủ khác để bảo vệ dữ liệu của công dân Mỹ và tài sản trí tuệ của Mỹ, bao gồm cả việc nghiên cứu vaccine COVID-19.
Biện pháp Mỹ áp dụng là ngăn chặn truy cập từ các hệ thống đám mây do các công ty như: Alibaba, Baidu, China Mobile, China Telecom và Tencent điều hành. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đang làm việc để đảm bảo Trung Quốc không thể làm tổn hại thông tin được vận chuyển bằng các đường cáp dưới biển kết nối Mỹ với Internet toàn cầu, theo Reuters.
Tuyên bố này được đưa ra chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ứng dụng TikTok của Trung Quốc sẽ "không được kinh doanh" ở Mỹ nếu không bán chi nhánh tại nước này vào giữa tháng 9 tới.
TikTok đang được coi là quân bài tiếp theo trong cuộc chiến tranh bền bỉ trên nhiều lĩnh vực giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Theo Tổng thống Trump, hoạt động của TikTok tại Mỹ sẽ phải chấm dứt vào ngày 15-9, trừ khi được Microsoft hoặc một công ty nào khác mua lại. Tuyên bố mới nhất của Tổng thống Mỹ đã gia tăng thêm áp lực đối với công ty mẹ của TikTok là ByteDance, rằng phải đạt được một thỏa thuận nếu không muốn bị “thanh trừng”.
Những tuyên bố này cũng khiến truyền thông liên tưởng tới vụ việc Huawei xảy ra cách đây một năm, khi Mỹ coi tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh quốc gia và ban hành một loạt lệnh cấm giao thương nhằm vào tập đoàn này. Tuy nhiên, với TikTok, Tổng thống Trump cũng đưa ra một điều kiện bất ngờ mới. Đó là bất kì thỏa thuận bán chi nhánh tại Mỹ của TikTok nào cũng đều phải nộp một khoản tiền cho Bộ Tài chính Mỹ, do cơ quan này đã giúp thương vụ được hiện thực hóa.
Hôm 2/8, Microsoft đã chính thức tuyên bố quan tâm đến việc mua lại chi nhánh tại Mỹ của TikTok. Thương vụ tiềm tàng này sẽ cho Microsoft cơ hội hiếm hoi để trở thành đối thủ cạnh tranh lớn với các mạng xã hội khổng lồ khác như Facebook hay Snap.
Theo TIME, các nhà lập pháp và chính quyền Mỹ đã liên tục chỉ trích TikTok vì lo ngại Trung Quốc sẽ lợi dụng ứng dụng này để tác động vào cuộc bầu cử Mỹ sắp tới. Song, giới quan sát lại cho rằng, những nỗ lực của chính phủ Mỹ là nhằm ngăn chặn “gã khổng lồ Internet” Trung Quốc thống trị thị trường quốc tế, và khẳng định sức mạnh của nước Mỹ trên địa hạt này.
Phản ứng trước những động thái từ phía Mỹ, cũng trong ngày 5/8, Tân Hoa xã đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong một cuộc họp báo đã lên tiếng đề nghị Trung Quốc và Mỹ nên ngừng các ý định đối đầu, thúc đẩy quan hệ thông qua hợp tác và gia tăng trách nhiệm của mình đối với thế giới.
Theo ông Vương Nghị, hai nước đã hưởng lợi rất nhiều từ hợp tác đôi bên cùng có lợi trong nhiều năm qua, trở thành một cộng đồng chia sẻ lợi ích chung. Ông dẫn chứng rằng Trung Quốc đã đạt tăng trưởng nhanh chóng, một phần nhờ sự cởi mở và hợp tác với các nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, đồng thời sự tăng trưởng liên tục của Trung Quốc cũng tạo ra những lực đẩy cho tăng trưởng bền vững và một thị trường khổng lồ đối với Mỹ và nhiều nước khác.
Từ đó, ông cho rằng, các vấn đề do toàn cầu hóa và thương mại tự do gây ra có thể được xử lý thông qua cải cách từ bên trong. Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc cũng nhấn mạnh trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động mạnh đến toàn cầu, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này nên phối hợp cùng có lợi trên cơ sở bình đẳng.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Mỹ “không có quyền” thiết lập “Mạng lưới sạch” và gọi các hành động của Washington là “một dạng bắt nạt điển hình”. Trước đó, Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân từng lên tiếng kêu gọi phía Mỹ “ngừng chính trị hóa” các vấn đề kinh tế và cung cấp một môi trường cởi mở, công bằng và không phân biệt đối xử đối với các công ty nước ngoài đầu tư vào Mỹ.
Trên thực tế, từ những gì đã xảy ra với tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei và giờ đây là với ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến TikTok, Mỹ dường như sẽ không từ bỏ nỗ lực tẩy chay các công ty công nghệ Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác “chung tay” vào nỗ lực này. Rất có thể, Trung Quốc sẽ lại phải tính đến nước cờ “ăn miếng trả miếng” trong địa hạt này, sau cuộc chiến kéo dài bền bỉ với nhiều đòn đáp trả song phương giữa hai bên kéo dài những năm qua.