Quốc tế đau lòng trước thực trạng bạo lực tại Myanmar
- (NÓNG TUẦN QUA) “Bộ Tứ kim cương” tập hợp; Myanmar lún sâu vào khủng hoảng
- Thêm nhiều người biểu tình ở Myanmar bị bắn chết
- Hàn Quốc ngừng trao đổi quốc phòng với Myanmar
Đặc phái viên Liên hợp quốc gọi tình trạng bạo lực đẫm máu tại Myanmar là sự việc "đau lòng". Ảnh: Reuters |
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato hôm 15/3 cho biết chính phủ nước này đang theo dõi sát sao tình hình Myanmar. "Trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ xem xét cách ứng phó với tình hình ở Myanmar cả về hợp tác và chính sách kinh tế bằng cách theo dõi diễn biến của tình hình, đồng thời cân nhắc phản ứng của các quốc gia liên quan", ông Kato nói.
Nhận định này được đưa ra sau khi Hàn Quốc hồi tuần trước cho biết họ sẽ đình chỉ trao đổi quốc phòng với Myanmar và cấm xuất khẩu vũ khí sang nước này sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng trước và hành vi đàn áp bạo lực các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ.
Những tuyên bố mới nhất này được đưa ra trong bối cảnh, theo The Guardian, động thái trấn áp người biểu tình của quân đội Myanmar hôm 14/3 đã biến đây trở thành một trong những ngày đẫm máu nhất kể từ khi đảo chính xảy ra tại quốc gia này, với 39 người biểu tình thiệt mạng.
Thống kê của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho thấy, cho đến nay, số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình tại Myanmar đã tăng lên 138 người. Hãng tin Myanmar Now cho biết, một bệnh viện ở ngoại ô thành phố Yangon đã tiếp nhận 34 thi thể và 40 người bị thương chỉ trong 24 giờ qua.
Phần lớn các nạn nhân thiệt mạng trong ngày 14/3 được cho là đã tham gia các cuộc biểu tình ở hai thị trấn công nghiệp ở Yangon - Hlaing Tharyar và Shwepyitha - nơi các nhà máy may mặc bị nhóm đối tượng không rõ danh tính phóng hỏa.
Con số thương vong trong các cuộc biểu tình tại Myanmar tiếp tục tăng. Ảnh: Reuters |
Đại sứ quán Trung Quốc trong một tuyên bố cho biết, các nhà máy do người Trung Quốc làm chủ cũng nằm trong số các tòa nhà bị đốt cháy, nhiều nhân viên Trung Quốc bị thương hoặc bị mắc kẹt. Đại sứ quán Trung Quốc kêu gọi Myanmar ngăn chặn mọi hành vi bạo lực, trừng trị thủ phạm theo luật định, đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Trong một nỗ lực được cho là để kiểm soát tình hình, Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar rạng sáng 15/3 đã ủy quyền cho chỉ huy khu vực Yangon được áp đặt thiết quân luật tại Hlaingthaya và Shwe Pyi Thar.
Mặc dù vậy, Reuters đưa tin, các nhà hoạt động tại Myanmar vẫn tiếp tục lên kế hoạch biểu tình trong ngày 15/3. Nhà hoạt động Myat Thu cho biết, các cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch tại thành phố Mandalay, trong khi tại Yangon, các cuộc biểu tình dự kiến sẽ diễn ra ở hai khu vực của thành phố.
Nhiều quốc gia đã đưa ra phản ứng với các hành vi bạo lực của quân đội Myanmar. Ảnh: Reuters |
Trước đó, phản ứng trước diễn biến mới tại Myanmar, Đại sứ Anh tại Myanmar Dan Chugg bày tỏ cảm giác “kinh hoàng trước việc lực lượng an ninh sử dụng vũ lực chết người đối với những người vô tội” và kêu gọi chính quyền trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân sự được bầu cử một cách dân chủ.
Trong khi đó, Đặc phái viên Liên hợp quốc Christine Schraner Burgener trong một tuyên bố đã lên án mạnh mẽ cuộc đổ máu, gọi đây là sự việc "đau lòng", đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế, “bao gồm các thành viên trong khu vực, phải đoàn kết với người dân Myanmar và khát vọng dân chủ của họ”.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc Tom Andrews cũng đã lên tiếng bày tỏ sự phẫn nộ trước các hành vi trấn áp bạo lực hôm 14/3 và kêu gọi các quốc gia ngừng cung cấp tiền mặt và vũ khí cho chính quyền quân sự Myanmar, Reuters đưa tin.