Sắp diễn ra Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba?
- Hàn Quốc úp mở thời điểm tổ chức Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3
- ASEAN+3 ghi nhận diễn biến tích cực sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội
- Hậu Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên: Ngáng trở bởi những nguyên tắc
Cũng theo nguồn tin trên, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có khả năng cũng sẽ đến Trung Quốc để tổ chức cuộc gặp thứ năm với Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình trước khi tổ chức bất kỳ cuộc gặp thượng đỉnh nào với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Phát biểu hôm 23-9 trước khi bắt đầu hội đàm với người đồng cấp Mỹ bên lề Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bày tỏ hy vọng vào khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Theo đánh giá của Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Donald Trump đã có những đóng góp cho tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Ông cho biết Mỹ và Triều Tiên dự kiến nối lại đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa ở cấp độ chuyên viên, vốn có thể là động thái mở đường cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 giữa hai nước. Về phần mình, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định ông có mối quan hệ tốt đẹp với ông Kim Jong-un.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un. Ảnh: Reuters |
Theo nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên không vi phạm cam kết trong thỏa thuận giữa hai nước, bất chấp chất các vụ phóng thử tên lửa tầm ngắn và những vật thể chưa được xác định của Bình Nhưỡng trong thời gian qua.
Tổng thống Donald Trump cho biết: “Chúng tôi không thảo luận vấn đề đó với Triều Tiên. Chúng tôi chỉ thảo luận về các vụ thử hạt nhân và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giữ đúng cam kết”.
Trước đó, phát biểu với phóng viên khi chuẩn bị tham dự cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã trả lời câu hỏi về khả năng Washington tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 với Bình Nhưỡng.
Ông nói: “Giờ đây, mọi người trông đợi điều đó diễn ra. Tuy nhiên, chúng tôi còn nhiều điều cần làm trước khi một hội nghị như vậy được tổ chức”.
Hồi cuối tuần trước, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ sẵn sàng tìm kiếm một “phương pháp mới” trong các cuộc đối thoại với Triều Tiên. Ông cho rằng, ý tưởng của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton về một mô hình Libya áp dụng cho Triều Tiên khiến mọi thứ tồi tệ hơn, trong khi các nỗ lực ngoại giao của ông với Bình Nhưỡng đang đạt được kết quả, với việc không có các vụ thử hạt nhân và Triều Tiên trả lại hài cốt các binh lính Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Tổng thống Donald Trump cũng luôn nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp với Chủ tịch Kim Jong-un: “Mỹ và Triều Tiên đã đối đầu trong 50 năm qua và chúng ta chả đạt được gì. Bây giờ chúng ta đã có mối quan hệ. Mỹ và Triều Tiên chưa bao giờ có mối quan hệ tốt như hiện nay”.
Tuyên bố này của Tổng thống Mỹ ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh từ phía Triều Tiên. Trong một thông báo đăng trên Hãng thông tấn chính thức KCNA của Triều Tiên, Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong Gil ca ngợi quyết định chính trị khôn khoan của Tổng thống Donald Trump, nhằm tìm kiếm cách tiếp cận mới với các cuộc đàm phán đang bị đình trệ, mà không có sự can dự của “người gây rắc rối trong chính quyền Mỹ. Đây là lời ám chỉ của ông Kim Myong Gil nhằm ông John Bolton.
Trước bối cảnh Mỹ và Triều Tiên đang chuẩn bị nối lại đàm phán, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul ngày 23-9 cho rằng việc thu hẹp khoảng cách giữa Washington và Bình Nhưỡng trong các cuộc đàm phán hạt nhân song phương sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin để thúc đẩy các cuộc đàm phán đang bị đình trệ.
Phát biểu tại một hội nghị ở Seoul, Bộ trưởng Kim Yeon-chul nhận định: “Nếu các cuộc đàm phán diễn ra, đó sẽ là một cơ hội tốt để đánh giá hướng đàm phán phi hạt nhân hóa”. Tuy nhiên, ông nêu rõ không dễ gì thu hẹp khác biệt về lập trường mà hai bên đã khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng Hai vừa qua. Ông Kim Yeon-chul nhấn mạnh: “Hai bên cần khôi phục lòng tin lẫn nhau. Rất khó xây dựng lòng tin trong khi vẫn duy trì chính sách thù địch”.
Ông Kim Yeon-chul khẳng định Chính phủ Hàn Quốc sẽ làm những gì có thể và phối hợp chặt chẽ để các cuộc đàm phán cấp chuyên viên Triều-Mỹ có kết quả tốt. Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc cũng cam kết nối lại quan hệ liên Triều, nhấn mạnh vai trò của hai miền Triều Tiên trong việc xây dựng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Ngày 20-9 vừa qua, các phái viên hàng đầu của Mỹ và Hàn Quốc đã gặp nhau tại thủ đô Washington để thảo luận về lập trường hai bên trước khi đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều Tiên có thể được nối lại.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên mới đây đã đề cập một cuộc gặp với Mỹ có thể diễn ra vào cuối tháng 9 này song nhấn mạnh Washington cần đưa ra một đề xuất mà Bình Nhưỡng có thể chấp nhận được.
Cho đến nay, Triều Tiên vẫn duy trì lập trường phải nới lỏng trừng phạt và đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng trước khi có bất cứ cuộc thảo luận nào về phi hạt nhân hóa. Song, theo đặc phái viên Hàn Quốc, gần đây Triều Tiên đã chuyển trọng tâm từ yêu cầu nới lỏng trừng phạt sang những đảm bảo an ninh, do đó Hàn Quốc và Mỹ đang thảo luận và nghiên cứu các cách thức giải quyết vấn đề trong tình hình mới.
Các nỗ lực ngoại giao song phương và đa phương đang được thúc đẩy, với mong muốn các cuộc đàm phán Mỹ - Triều sẽ đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên điều quan trọng là việc Washington và Bình Nhưỡng cần bước vào vòng đàm phán với thiện chí thỏa hiệp và nhượng bộ lẫn nhau.
Giới chuyên gia nhận định, mặc dù việc ông Bolton ra đi có thể tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán Mỹ-Triều, nhưng việc loại bỏ một cố vấn an ninh cũng sẽ không thay đổi đáng kể chính sách của Mỹ.
Chính quyền Mỹ vẫn luôn khẳng định trừng phạt và gia tăng sức ép sẽ vẫn được duy trì, cho đến khi Triều Tiên đưa ra các bước đi cụ thể hướng đến việc từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của mình.