Tại sao Nga quyết định rút khỏi ICC?

09:07 18/11/2016
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16-11 (giờ địa phương) đã ký sắc lệnh để Moskva chính thức rút khỏi Quy chế Rome, tức quy chế thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) - tổ chức thường trực chịu trách nhiệm xét xử tội phạm chiến tranh đầu tiên trên thế giới vì cho rằng, tòa án này đã không đáp ứng được những kỳ vọng của cộng đồng quốc tế.


Tổng thống Putin cũng đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao Nga gửi thông báo tới Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) về việc Nga chính thức rút khỏi Quy chế Rome.

Giải thích về quyết định trên, trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, ICC không thực sự “độc lập”, đồng thời vận hành “theo hướng một chiều và không hiệu quả” khi chỉ ra được 4 phán quyết trong 14 năm tồn tại và tiêu tốn hơn 1 tỷ USD. 

Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Moskva vốn muốn những tội phạm quốc tế nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm như trong nội dung của Quy chế Rome, vì vậy nước này mới đồng ý ký tham gia quy chế đó vào năm 2000. 

“Nhưng không may là toà (ICC) đã không đáp ứng được kỳ vọng và cũng không trở thành một thiết chế pháp lý quốc tế độc lập và được tôn trọng”, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh và bày tỏ sự thất vọng về hoạt động của ICC thời gian qua. 

Trụ sở Toà án Hình sự Quốc tế (ICC) tại The Hague, Hà Lan. Ảnh: AP

Bên cạnh đó, Moskva cho biết nước này không hài lòng phán quyết của ICC về cuộc chiến tranh ngắn ngày giữa Nga và Gruzia hồi năm 2008. Nga cho rằng ICC đã phớt lờ hành động xâm chiếm làm hại dân thường của Tbilisi ở Nam Ossetia - khu vực ly khai khỏi Gruzia. 

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov lý giải việc rút khỏi Quy chế Rome phù hợp với lợi ích quốc gia Nga, đồng thời nhấn mạnh quyết định của Tổng thống Putin ngày 16-11 chỉ là vấn đề hình thức vì Nga chưa bao giờ phê duyệt quy chế đó. 

Sắc lệnh trên của Tổng thống Putin đưa ra chỉ một ngày sau khi Ủy ban nhân quyền của Đại hội đồng LHQ thông qua một nghị quyết trong đó cáo buộc Nga “chiếm đóng tạm thời Crimea”, đồng thời cáo buộc Nga phân biệt đối xử với người dân Crimea. 

Trước đó, ngày 15-11, ICC công bố báo cáo sơ bộ trong đó mô tả những gì đang xảy ra ở Crimea là “một cuộc xung đột vũ trang quốc tế giữa Ukraine và Nga”. 

“Theo thông tin mà chúng tôi nhận được, tình hình ở Crimea và Sevastopol là tương đương với một cuộc xung đột vũ trang quốc tế giữa Ukraine và Liên bang Nga. Liên bang Nga đã dùng quân đội của mình để giành quyền kiểm soát một phần lãnh thổ Ukraine mà không có sự đồng ý của chính phủ Ukraine”, báo cáo sơ bộ từ Trưởng công tố ICC Fatou Bensouda của ICC nêu. 

Thế nhưng, báo cáo sơ bộ của ICC cũng ghi nhận là “Nga nhận được quyền quản lý Crimea không tốn một viên đạn” và các quân nhân Nga đã lợi dùng tình hình “để thiết lập sự kiểm soát với lãnh thổ, nơi có căn cứ quân sự và các tòa nhà của chính phủ Ukraine”. 

Về phía Nga, người phát ngôn Peskov đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc mà ICC đưa ra đối với vấn đề Crimea, khẳng định Crimea sáp nhập vào Nga sau cuộc bỏ phiếu chính đáng và hợp lệ vào năm 2014.

Chỉ một ngày sau quyết định rút khỏi ICC của Nga, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố ông có thể học theo quyết định của người đồng cấp Nga Putin rút khỏi tòa án này vì những chỉ trích của phương Tây đối với các biện pháp truy quét tội phạm ma túy trong nước. 

Hồi tháng 10 vừa qua, Thượng nghị sỹ Philippines, bà Leila de Lima đã kêu gọi ICC điều tra Tổng thống Duterte vì chiến dịch truy quét ma túy đẫm máu ở nước này. Đáp lại, Trưởng công tố ICC cho biết cơ quan này đang theo dõi sát sao diễn biến ở Philippines để đánh giá liệu có mở một cuộc điều tra sơ bộ hay không. 

Không chỉ Nga, gần đây Nam Phi, Burundi và Gambia cũng đã chính thức gửi công văn tới Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon thông báo về việc sẽ rút ra khỏi ICC vì cho rằng, tòa án này tập trung xử lý quá nhiều nhân vật ở châu Phi. 

Gần đây nhất, hôm 15-11, người phát ngôn LHQ Farhan Haq cho biết, Gambia là quốc gia châu Phi thứ 3 gửi thông báo chính thức tới LHQ về việc rút khỏi ICC. 

Phát biểu trước báo giới, ông Farhan Haq cho biết LHQ đã nhận được văn bản thông báo chính thức của Gambia và hiện văn bản này đang được xử lý. Quyết định trên của Gambia sẽ có hiệu lực sau một năm kể từ ngày LHQ nhận được bản thông báo chính thức hôm 4-11 vừa qua. 

Ông Haq cũng cho biết, Nam Phi và Burundi cũng đã bỏ qua lời kêu gọi của Tổng thư kí Ban Ki-moon và đã gửi thông báo khẳng định rằng các nước này sẽ rời bỏ ICC. Trước đó, Bộ trưởng Thông tin Gambia Sheriff Bojang đã cáo buộc ICC là tòa án được sử dụng để “truy tố người châu Phi và đặc biệt là các nhà lãnh đạo châu Phi” trong khi phớt lờ các tội ác gây ra bởi phương Tây. 

Hiện Kenya, Namibia, Uganda và một số nước châu Phi khác cũng ám chỉ việc các nước này cũng đang cân nhắc rút khỏi Quy chế Rome, tức quy chế thành lập ICC.

Quy chế Rome đã được phê chuẩn bởi 123 quốc gia. Mỹ trước đó cũng ký hiệp ước này nhưng chính quyền Tổng thống George W. Bush khẳng định với LHQ năm 2002 rằng Mỹ sẽ không phê chuẩn nó. 

Có trụ sở tại The Hague - Hà Lan, ICC bao gồm 124 quốc gia khắp nơi trên thế giới. Đây là thiết chế pháp lý đặc biệt, chuyên xét xử các tội phạm chiến tranh, diệt chủng và chống lại loài người. 

ICC ra đời vào năm 2002 khi Quy chế Rome về Toà hình sự quốc tế có hiệu lực.

Khổng Hà (tổng hợp)

Ngày 12/4, Mỹ và Iran bắt đầu các cuộc trao đổi cấp cao tại Oman nhằm thúc đẩy đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran, trong bối cảnh Mỹ đe dọa sẽ có hành động quân sự nếu không có thỏa thuận.

Chiều 12/4, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, sau khi nắm thông tin về vụ việc 2 cháu nhỏ bị bạo hành tại Nhóm trẻ C.C, trong sáng cùng ngày đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện phối hợp UBND xã Quế Mỹ đến thăm, động viên gia đình và nắm tình hình sức khỏe của 2 cháu; đồng thời chỉ đạo UBND xã Quế Mỹ ra thông báo tạm dừng hoạt động của nhóm trẻ này.

Liên quan đến hiện tượng bùn nước từ lòng đất phun trào trên bề mặt tại một thửa đất ở Phú Yên như Báo CAND đã thông tin, ngày 12/4, Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&TN) tỉnh Phú Yên cho biết, vừa nhận được văn bản báo cáo kết quả khảo sát của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra (QH&ĐT) Tài nguyên nước miền Trung thuộc Trung tâm QH&ĐT Tài nguyên nước quốc gia.

Xem người yêu như món đồ vật thuộc sở hữu riêng của mình nên khi chia tay, hắn không chịu buông tha cho cô gái, mà liên tục tìm cách gặp mặt để không cho bất cứ người đàn ông nào khác có thể tiếp cận. 

Đòn thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến thị trường tài chính toàn cầu rung chuyển: vàng tăng vọt, dầu thô phục hồi mạnh, USD suy yếu. Trong khi hơn 75 quốc gia được tạm hoãn áp thuế 90 ngày, Trung Quốc bị áp mức thuế kỷ lục 125% và lập tức đáp trả bằng thuế 84%, báo hiệu một vòng xoáy căng thẳng thương mại chưa có hồi kết.

Nằm sâu trong cánh rừng già tại xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, Di tích Căn cứ Sở Nhỏ – Ban An ninh Bình Phước là một địa chỉ đỏ của vùng đất Đông Nam Bộ. Đây từng là một trong những căn cứ trọng yếu của Công an tỉnh Bình Phước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gắn liền với biết bao chiến công oanh liệt, thể hiện tinh thần bất khuất, kiên cường và sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ ngành Công an.

Sáng 12/4, UBND xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, đã giao Công an xã vào cuộc xác minh, làm rõ nội dung phản ánh một giáo viên mầm non có hành vi đánh đập trẻ nhỏ đang lan truyền trên mạng xã hội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文