Tại sao Nga quyết định rút khỏi ICC?

09:07 18/11/2016
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16-11 (giờ địa phương) đã ký sắc lệnh để Moskva chính thức rút khỏi Quy chế Rome, tức quy chế thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) - tổ chức thường trực chịu trách nhiệm xét xử tội phạm chiến tranh đầu tiên trên thế giới vì cho rằng, tòa án này đã không đáp ứng được những kỳ vọng của cộng đồng quốc tế.


Tổng thống Putin cũng đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao Nga gửi thông báo tới Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) về việc Nga chính thức rút khỏi Quy chế Rome.

Giải thích về quyết định trên, trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, ICC không thực sự “độc lập”, đồng thời vận hành “theo hướng một chiều và không hiệu quả” khi chỉ ra được 4 phán quyết trong 14 năm tồn tại và tiêu tốn hơn 1 tỷ USD. 

Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Moskva vốn muốn những tội phạm quốc tế nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm như trong nội dung của Quy chế Rome, vì vậy nước này mới đồng ý ký tham gia quy chế đó vào năm 2000. 

“Nhưng không may là toà (ICC) đã không đáp ứng được kỳ vọng và cũng không trở thành một thiết chế pháp lý quốc tế độc lập và được tôn trọng”, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh và bày tỏ sự thất vọng về hoạt động của ICC thời gian qua. 

Trụ sở Toà án Hình sự Quốc tế (ICC) tại The Hague, Hà Lan. Ảnh: AP

Bên cạnh đó, Moskva cho biết nước này không hài lòng phán quyết của ICC về cuộc chiến tranh ngắn ngày giữa Nga và Gruzia hồi năm 2008. Nga cho rằng ICC đã phớt lờ hành động xâm chiếm làm hại dân thường của Tbilisi ở Nam Ossetia - khu vực ly khai khỏi Gruzia. 

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov lý giải việc rút khỏi Quy chế Rome phù hợp với lợi ích quốc gia Nga, đồng thời nhấn mạnh quyết định của Tổng thống Putin ngày 16-11 chỉ là vấn đề hình thức vì Nga chưa bao giờ phê duyệt quy chế đó. 

Sắc lệnh trên của Tổng thống Putin đưa ra chỉ một ngày sau khi Ủy ban nhân quyền của Đại hội đồng LHQ thông qua một nghị quyết trong đó cáo buộc Nga “chiếm đóng tạm thời Crimea”, đồng thời cáo buộc Nga phân biệt đối xử với người dân Crimea. 

Trước đó, ngày 15-11, ICC công bố báo cáo sơ bộ trong đó mô tả những gì đang xảy ra ở Crimea là “một cuộc xung đột vũ trang quốc tế giữa Ukraine và Nga”. 

“Theo thông tin mà chúng tôi nhận được, tình hình ở Crimea và Sevastopol là tương đương với một cuộc xung đột vũ trang quốc tế giữa Ukraine và Liên bang Nga. Liên bang Nga đã dùng quân đội của mình để giành quyền kiểm soát một phần lãnh thổ Ukraine mà không có sự đồng ý của chính phủ Ukraine”, báo cáo sơ bộ từ Trưởng công tố ICC Fatou Bensouda của ICC nêu. 

Thế nhưng, báo cáo sơ bộ của ICC cũng ghi nhận là “Nga nhận được quyền quản lý Crimea không tốn một viên đạn” và các quân nhân Nga đã lợi dùng tình hình “để thiết lập sự kiểm soát với lãnh thổ, nơi có căn cứ quân sự và các tòa nhà của chính phủ Ukraine”. 

Về phía Nga, người phát ngôn Peskov đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc mà ICC đưa ra đối với vấn đề Crimea, khẳng định Crimea sáp nhập vào Nga sau cuộc bỏ phiếu chính đáng và hợp lệ vào năm 2014.

Chỉ một ngày sau quyết định rút khỏi ICC của Nga, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố ông có thể học theo quyết định của người đồng cấp Nga Putin rút khỏi tòa án này vì những chỉ trích của phương Tây đối với các biện pháp truy quét tội phạm ma túy trong nước. 

Hồi tháng 10 vừa qua, Thượng nghị sỹ Philippines, bà Leila de Lima đã kêu gọi ICC điều tra Tổng thống Duterte vì chiến dịch truy quét ma túy đẫm máu ở nước này. Đáp lại, Trưởng công tố ICC cho biết cơ quan này đang theo dõi sát sao diễn biến ở Philippines để đánh giá liệu có mở một cuộc điều tra sơ bộ hay không. 

Không chỉ Nga, gần đây Nam Phi, Burundi và Gambia cũng đã chính thức gửi công văn tới Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon thông báo về việc sẽ rút ra khỏi ICC vì cho rằng, tòa án này tập trung xử lý quá nhiều nhân vật ở châu Phi. 

Gần đây nhất, hôm 15-11, người phát ngôn LHQ Farhan Haq cho biết, Gambia là quốc gia châu Phi thứ 3 gửi thông báo chính thức tới LHQ về việc rút khỏi ICC. 

Phát biểu trước báo giới, ông Farhan Haq cho biết LHQ đã nhận được văn bản thông báo chính thức của Gambia và hiện văn bản này đang được xử lý. Quyết định trên của Gambia sẽ có hiệu lực sau một năm kể từ ngày LHQ nhận được bản thông báo chính thức hôm 4-11 vừa qua. 

Ông Haq cũng cho biết, Nam Phi và Burundi cũng đã bỏ qua lời kêu gọi của Tổng thư kí Ban Ki-moon và đã gửi thông báo khẳng định rằng các nước này sẽ rời bỏ ICC. Trước đó, Bộ trưởng Thông tin Gambia Sheriff Bojang đã cáo buộc ICC là tòa án được sử dụng để “truy tố người châu Phi và đặc biệt là các nhà lãnh đạo châu Phi” trong khi phớt lờ các tội ác gây ra bởi phương Tây. 

Hiện Kenya, Namibia, Uganda và một số nước châu Phi khác cũng ám chỉ việc các nước này cũng đang cân nhắc rút khỏi Quy chế Rome, tức quy chế thành lập ICC.

Quy chế Rome đã được phê chuẩn bởi 123 quốc gia. Mỹ trước đó cũng ký hiệp ước này nhưng chính quyền Tổng thống George W. Bush khẳng định với LHQ năm 2002 rằng Mỹ sẽ không phê chuẩn nó. 

Có trụ sở tại The Hague - Hà Lan, ICC bao gồm 124 quốc gia khắp nơi trên thế giới. Đây là thiết chế pháp lý đặc biệt, chuyên xét xử các tội phạm chiến tranh, diệt chủng và chống lại loài người. 

ICC ra đời vào năm 2002 khi Quy chế Rome về Toà hình sự quốc tế có hiệu lực.

Khổng Hà (tổng hợp)

Chiều 8/5, một phụ huynh của Trường Mầm non Việt Úc (đường Trần Việt Châu, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) dẫn con đến Văn phòng Thường trú Báo CAND khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trình bày về việc con mình bị cô giáo chủ nhiệm đánh. Đáng chú ý, sau khi phụ huynh phản ánh vụ việc đến cơ quan chức năng, thì có 2 người đàn ông lạ mặt, xăm trổ tìm đến nhà đề nghị gia đình rút đơn.

Với nghĩa cử cao đẹp “giọt máu cho đi – cuộc đời ở lại”, Thượng úy Biện Thanh Sơn, cán bộ Đội CSGT trật tự Công an TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) góp phần làm đẹp hơn hình ảnh người cán bộ CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Một trong những yêu cầu mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đặt ra đối với các Phòng GD&ĐT là rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. 

Ngày 8/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét nơi ở đối với Hoàng Thị Nga (SN 1975, trú khóm Vĩnh Thành, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Công an phường Gia Hội (TP Huế) đã nhanh chóng xác minh, làm rõ người chuyển nhầm là anh Trần Đức Minh (SN 1991, trú phường Gia Hội). Ngay sau khi xác minh làm rõ, Công an phường Gia Hội đã mời anh Minh đến trụ sở và tiến hành các thủ tục trao trả lại số tiền 160 triệu đồng…

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Hoàng Văn Đức và Hà Thúc Nhật đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 1,578 tỷ đồng, trong đó 6 gói thầu thiệt hại trên 100 triệu đồng với tổng giá trị 1,477 tỷ đồng… Sau khi thanh lý hợp đồng, các nhà thầu trích lại 2-3% giá trị hợp đồng và Đức đã giao Nhật quản lý số tiền trên.

Ngày 8/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Chu Vũ Nam (SN 1986, cựu Phó trưởng Phòng vật tư, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Nam được xác định đã làm trái quy định gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文