Tân Ngoại trưởng Mỹ phản đối yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông
- Mỹ triển khai nhóm tàu sân bay tới Biển Đông
- Mỹ cam kết cùng các nước Đông Nam Á bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông
- Đại sứ EU tại Trung Quốc: Biển Đông là vấn đề của quốc tế
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Reuters |
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27/1 (giờ Mỹ) ra thông cáo cho biết, phát biểu được Ngoại trưởng Blinken đưa ra trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin, không lâu sau khi ông được Thượng viện Mỹ phê chuẩn đề cử để trở thành người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden.
"Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh rằng Mỹ bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông trong phạm vi vượt quá các vùng biển mà Trung Quốc được phép yêu sách theo theo luật pháp quốc tế, được phản ánh trong Công ước (Liên Hợp Quốc) về Luật Biển năm 1982", Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Theo thông cáo, Ngoại trưởng Blinken cũng cam kết sát cánh cùng các quốc gia Đông Nam Á trong nỗ lực bảo vệ quyền và lợi ích chủ quyền hợp pháp của họ ở Biển Đông.
Đây được cho là phát ngôn đầu tiên tái khẳng định lập trường của Mỹ về Biển Đông do tân Ngoại trưởng Mỹ đưa ra. Gần một tuần trước khi rời nhiệm sở, người tiền nhiệm của ông Blinken là ông Mike Pompeo ngày 15/1 đã khẳng định Mỹ sẽ sát cánh cùng các quốc gia Đông Nam Á trong nỗ lực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp ở Biển Đông.
Khi đó, ông Pompeo nhấn mạnh, tất cả các nước, dù có sức mạnh quân sự và kinh tế ra sao, cũng đều xứng đáng hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, như đã được nêu trong Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982, mà không sợ bị ức hiếp.
Ông Pompeo cho hay, Washington gần đây đang thực thi một loạt hành động bổ sung để bảo vệ các quyền tự do ở Biển Đông, trong đó Mỹ sẽ hạn chế thị thực đối với các cá nhân Trung Quốc, bao gồm lãnh đạo các công ty và quan chức chịu trách nhiệm hoặc liên quan đến việc cải tạo quy mô lớn, xây dựng hoặc quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông.
Ông Pompeo cũng nhắc đến việc Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) vào danh sách đen kinh tế vì cho rằng CNOOC có vai trò trong chiến dịch của Trung Quốc hòng cưỡng chế các nước ven Biển Đông tiếp cận nguồn tài nguyên dầu khí trị giá ước tính 2.500 tỷ USD.
Trong thông điệp của mình, ông Pompeo một lần nữa nêu rõ, Mỹ thống nhất quan điểm với phán quyết vào năm 2016 của Tòa trọng tài (PCA) được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982, trong đó tòa đã bác bỏ các yêu sách hàng hải phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.