Tàu sân bay Mỹ bất ngờ nã pháo về phía tàu chiến Iran
- Tổng thống Iran Hassan Rouhani gặp rắc rối sau vụ em trai bị giam
- Tàu chiến Mỹ bất ngờ nã đạn về phía tàu Iran trên vịnh Ba Tư
- Máy bay Iran hạ cánh khẩn cấp vì cháy động cơ
- Mỹ-Iran suýt đụng độ ở eo biển Hormuz
Hãng thông tấn Iran IRNA ngày 29-7 dẫn thông báo từ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cho biết tàu sân bay lớp Nimitz cùng một tàu chiến của Hải quân Mỹ đã bắn pháo kích cảnh cáo về phía tàu chiến Iran trên vịnh Ba Tư vào chiều 28-7.
"Chỉ vài ngày sau khi một tàu Hải quân Mỹ bắn khiêu khích một tàu chiến Iran ở phía Bắc vịnh Ba Tư, hôm qua, 28-7, các tàu chiến Mỹ lại một lần nữa thực hiện hành động tương tự ngay tại trung tâm vịnh", Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cho biết trong một tuyên bố.
Một tàu sân bay lớp Nimitz của Hải quân Mỹ. Ảnh: AP |
Theo thông báo từ Iran, tàu sân bay cùng một tàu tuần tra của Mỹ đã tiến sát vào giàn khoan Resalat của Iran trên vịnh Ba Tư. Cùng lúc đó, một chiếc trực thăng Mỹ đã xuất kích và bay thẳng về phía tàu chiến của Iran trong khu vực.
Bất chấp việc tàu Iran hoàn toàn không có hành động nào, 2 tàu chiến của Hải quân Mỹ đã nã pháo liên tiếp về phía tàu Iran, với lý do mà họ cho là tàu chiến của Tehran đã tiếp cận nguy hiểm. Đây là hành vi khiêu khích và thiếu chuyên nghiệp, IRNA thông tin.
Ngay sau vụ việc, các tàu của Hải quân Mỹ đã rời khỏi khu vực. Hiện Lầu Năm Góc chưa đưa ra bình luận nào liên quan đến vụ đụng độ.
Đây là lần thứ 2 tàu chiến Mỹ, Iran chạm mặt nguy hiểm trên vịnh Ba Tư.
Trước đó, hôm 25-7, tàu tuần tra USS Thunderbolt của Mỹ đã dùng súng máy bắn cảnh cáo về phía một tàu Iran gần phía Bắc vịnh Ba Tư sau khi nó tiến gần tàu Mỹ trong khoảng 150m. Tàu chiến Mỹ khẳng định đã cố gắng liên lạc qua radio và tiếng còi báo hiệu nhưng bị tàu Iran phớt lờ, Reuters đưa tin.
Iran và Mỹ thường có các cuộc đối đầu hải quân căng thẳng trên vịnh Ba Tư, đặc biệt tại eo Hozmuz. Theo Lầu Năm Góc, tàu chiến Mỹ và Iran đã chạm mặt không dưới 60 lần kể từ năm 2015.
Eo Hormuz trên vịnh Ba Tư được coi là con bài chiến lược của Iran trong khu vực. Ảnh: ITN |
Eo biển Hormuz được coi là “át” chủ bài của Iran bởi vị trí chiến lược độc đáo của eo biển này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và chính trị toàn cầu với khoảng 40% tàu chở dầu trên thế giới và 90% kim ngạch xuất khẩu dầu của các nước vùng Vịnh đi qua khu vực này mỗi năm.
Hiềm khích nhiều năm được xoa dịu khi Washington và Tehran tìm được tiếng nói chung trong việc dỡ bỏ phần lớn các lệnh bao vây cấm vận, một phần trong thoả thuận nhằm xử lý tham vọng hạt nhân Iran.
Tuy nhiên, mọi việc đã trở nên căng thẳng hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng tuyên bố bắn hạ mọi tàu chiến của Iran trên eo biển Hormuz, nhậm chức hồi tháng 1-2017.