Thất thế ở LHQ, Mỹ vẫn được Nga mời họp về vấn đề Iran
- Iran và câu chuyện cấm vận vũ khí
- Tổng thống Trump hứa có thỏa thuận với Triều Tiên và Iran nếu… thắng cử
- Nga công bố thời điểm tiêm chủng vaccine COVID-19 hàng loạt
Reuters cho biết cuộc điện đàm được hai quan chức ngoại giao hàng đầu của Nga-Mỹ tiến hành ngày 16/8, hai ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) phủ quyết yêu cầu của Mỹ về việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Iran.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Ảnh: ITN |
Theo thông báo của phía Nga, nội dung cuộc điện đàm trên liên quan tới đề xuất của Tổng thống Putin về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp qua video giữa 5 nước Hội đồng Bảo an, Đức và Iran để thảo luận về vấn đề Iran.
Ngoại trưởng Nga Lavrov nhấn mạnh Moscow tiếp tục ủng hộ Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an về việc áp dụng các chế tài quốc tế với Iran theo đúng thoả thuận hạt nhân kí năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc; đồng thời đề cao thoả thuận hạt nhân này.
Mỹ chưa đưa ra bình luận về cuộc điện đàm và chưa xác nhận liệu nước này có tham gia hay không. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cho biết ông có thể sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về Iran do Tổng thống Nga đề xuất.
Tổng thống Trump cũng cho hay ông sẽ tìm cách áp đặt trở lại lệnh trừng phạt của LHQ nhằm vào Iran. Các động thái mới sẽ được Mỹ đưa ra trong tuần này.
Trong cuộc bỏ phiếu về đề nghị của Mỹ gia hạn lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Iran tại Hội đồng Bảo an ngày 14/8, chỉ có đại diện của Mỹ và Dominica bỏ phiếu thuận, trong khi các đồng minh châu Âu của Washington đều bỏ phiếu trắng. Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống.
Lệnh cấm vận nói trên sẽ hết hiệu lực vào ngày 18/10 tới, theo Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an. Washington đã phê phán các đồng minh vì không ủng hộ mình, nhưng tỏ ra không bất ngờ. Thất bại này cho thấy Mỹ tiếp tục đơn độc trong nỗ lực cô lập Iran sau khi rút khỏi thoả thuận hạt nhân vào năm 2018.
Trước đó, Mỹ cho rằng lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Iran phải được gia hạn do nước này vi phạm thoả thuận hạt nhân. Tuy nhiên, Nga, Trung Quốc cho rằng Mỹ không còn là một bên của thỏa thuận nên không có quyền yêu cầu gia hạn lệnh cấm vận. Hai nước này lo ngại các biện pháp gây sức ép theo kiểu "dồn Iran vào chân tường" sẽ khiến thoả thuận hạt nhân sụp đổ toàn diện.