Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa yên bình
- Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục cơn bão "bắt bớ" sau đảo chính
- Thổ Nhĩ Kỳ ồ ạt tuyển phi công sau đảo chính
- Thổ Nhĩ Kỳ: Tiếp tục truy tìm hơn 200 quân nhân tham gia đảo chính
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, Tổng thống Erdogan vẫn chưa nhận được thông báo về trường hợp cụ thể nào từ Thủ tướng Binali Yildirim.
Kể từ sau cuộc đảo chính quân sự bất thành hôm 15-7 cho tới nay, tổng cộng khoảng 80.000 người trong các ngành dân sự, tư pháp, cảnh sát và tòa án đã bị sa thải hoặc đình chỉ công tác. Trong số này, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải khoảng 8.000 nhân viên an ninh, trong đó có 7.669 cảnh sát và 323 thành viên lực lượng hiến binh. Ngoài ra, hơn 35.000 người khác cũng đã bị tạm giữ để thẩm vấn.
Đây là đợt thanh trừng lớn nhất những người bị tình nghi dính líu đến các kẻ âm mưu đảo chính.
Trước đó, trong bài phát biểu tại Phủ Tổng thống hôm 1-9, ông Erdogan đã cam kết tăng cường hệ thống tư pháp sau chiến dịch “thanh lọc” bộ máy nhà nước, đồng thời khẳng định việc gần 3.500 thẩm phán và công tố viên nước này bị bắt giữ “sẽ không làm suy yếu hệ thống tư pháp” mà ngược lại sẽ giúp thực thi công lý chính nghĩa.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ áp giải binh sĩ bị tình nghi liên quan đến cuộc đảo chính hôm 15-7. |
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã sa thải 820 quân nhân thuộc các lực lượng lục quân và hải quân, phần lớn trong số đó hiện đang bị giam giữ.
Về mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), phát biểu tại cuộc họp báo chung với Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz đang ở thăm Thổ Nhĩ Kỳ hôm 1-9, Thủ tướng Yildirim tuyên bố Ankara không thể sửa đổi các đạo luật chống khủng bố - vốn là một yêu cầu để EU dỡ bỏ thị thực cho công dân nước này - trong hoàn cảnh hiện nay, bởi “đó là vấn đề sống còn đối với chúng tôi”.
Ông đồng thời viện dẫn một loạt vụ tấn công khủng bố đã làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ trong năm qua để giải thích cho lập trường cứng rắn này.
“Chúng tôi đã không hoàn tất những cam kết của mình và phía EU cũng vậy. Tuy nhiên, hiện có một khả năng để hoàn thành những cam kết này. Đó là việc loại bỏ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi luật chống khủng bố”, Thủ tướng Yildirim nói.
Về phần mình, ông Schulz bày tỏ EU muốn thấy những thay đổi trong các luật chống khủng bố vốn bị Brussels coi là quá hà khắc của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời hối thúc Ankara phải bảo vệ các quyền cơ bản. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý những khác biệt giữa hai bên trong vấn đề này không có nghĩa là thỏa thuận về miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu sẽ đổ vỡ.
Trước đó các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo rằng Ankara có thể ngừng giúp ngăn chặn dòng người nhập cư và tị nạn tràn vào châu Âu, nếu EU không nới lỏng các quy định về nhập cảnh đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 10-2016 như đã cam kết trong thỏa thuận mà hai bên đạt được hồi tháng 3-2016.
Trong một diễn biến liên quan, hồi đầu tuần này, Tổng thống Erdogan đã ký một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel. Trước đó, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn thỏa thuận bình thường hóa trên vào ngày 20-8.
Theo thông cáo do Văn phòng báo chí của Thổ Nhĩ Kỳ công bố, ông Erdogan đã phê chuẩn thỏa thuận mang tính thủ tục về bồi thường giữa hai bên. Theo thỏa thuận này, Israel sẽ bồi thường 20 triệu USD cho gia đình các nạn nhân trong vụ binh sỹ Israel tấn công con tàu Mavi Marmara chở hàng cứu trợ tới Dải Gaza hồi tháng 5-2010, khiến 10 công dân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.
Trước đó, cuối tháng 6 vừa qua, nội các Israel cũng đã thông qua thỏa thuận trên. Dự kiến, thỏa thuận này sẽ sớm khôi phục quan hệ ngoại giao 2 nước, theo đó hai bên sẽ tiến hành trao đổi các đại sứ trong những tuần tới.
Cùng với đó, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga và Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thổ Nhĩ Kỳ vừa nhất trí cho phép tái khởi động dự án đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” càng sớm càng tốt.
Theo đó, các cuộc đàm phán thương mại về những điều khoản cung cấp khí đốt của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được nối lại. Đây là kết quả cuộc họp giữa Giám đốc điều hành Gazprom Alexey Miller và Bộ trưởng Năng lượng và Tài Nguyên Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak hôm 31-8 ở Istanbul.