Tìm giải pháp cho cuộc xung đột Israel – Palestine

08:58 18/05/2021
Tình hình căng thẳng tại Dải Gaza vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt bất chấp các nỗ lực ngoại giao đang được triển khai. Trong động thái mới nhất, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 16/5 (giờ địa phương) đã tiếp tục nhóm họp để thảo luận về cuộc đối đầu giữa người Israel và người Palestine, nhưng chưa đưa ra tuyên bố chung nào về tình hình.


Xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas tại Gaza gia tăng nhanh chóng từ đầu tuần qua, đẩy hai bên vào vòng xoáy bạo lực tồi tệ nhất trong vài năm trở lại đây. Trong diễn biến mới nhất, đêm 16, rạng sáng 17/5, chiến đấu cơ Israel tiếp tục một đợt không kích khác ở Dải Gaza, nhắm hỏa lực vào một tuyến phố lớn, các cơ sở an ninh và hệ thống đường dây cấp điện cho phía Nam Gaza, theo AP. Các cuộc tấn công này kéo dài hơn, với hậu quả để lại nặng nề hơn. 

AlJazeera sáng 17/5 dẫn thông báo từ cơ quan y tế của người Palestine cho biết, ít nhất 192 người Palestine đã chết trong các cuộc không kích của Israel, trong đó có 58 trẻ em và gần 1.000 người khác bị thương. Ở chiều ngược lại, Israel ghi nhận 10 trường hợp thiệt mạng do hoả lực rocket của Hamas, gồm hai trẻ em. Quân đội Israel khẳng định Hamas đã phóng 3.000 quả rocket vào lãnh thổ nước này, song đã bị các hệ thống phòng thủ đánh chặn đa số.

Dải Gaza chìm trong khói lửa bởi các cuộc không kích giữa Israel và phong trào Hamas, Palestine trong nhiều ngày qua. Ảnh: Reuters

Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến hôm 16/5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres gọi cuộc xung đột giữa Israel và Palestine là “cực kỳ kinh hoàng”, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng nếu không sớm đạt được lệnh ngừng bắn, bạo lực sẽ tiếp tục và tình hình sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát. “Những hành động thù địch hiện nay chỉ làm kéo dài vòng xoáy chết chóc, hủy diệt và tuyệt vọng. Cuộc giao tranh phải dừng lại ngay lập tức. Tôi kêu gọi tất cả các bên ngừng bắn ngay lập tức”, ông Guterres nói. 

Tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về căng thẳng leo thang giữa người Israel và người Palestine với số lượng thương vong ngày càng lớn, khẳng định Việt Nam lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và các cơ sở hạ tầng dân sự. Đại sứ Việt Nam nhấn mạnh trong khi tìm kiếm giải pháp cho các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, điều cần thực hiện ngay lập tức là chấm dứt bạo lực. 

Đại sứ kêu gọi tất cả các bên ngay lập tức chấm dứt mọi hành động bạo lực và kiềm chế không làm phức tạp thêm tình hình. Việt Nam đề nghị các bên, đặc biệt là Israel, tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và thực hiện kiềm chế tối đa để giảm thiểu thiệt hại và tránh thương vong cho dân thường cũng như tránh gây thiệt hại cho các hạ tầng cơ sở thiết yếu theo Nghị quyết 2573 của Hội đồng Bảo an. Việt Nam cũng kêu gọi Israel ngừng ngay lập tức sử dụng vũ lực quá mức cần thiết và mọi hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình. 

Đại sứ Đặng Đình Quý cũng nhấn mạnh về tình trạng nhân đạo đang xấu đi nhanh tại Dải Gaza, do điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cùng với tác động của đại dịch COVID-19. Đại sứ cũng đặc biệt lo ngại về việc cạn kiệt nhiên liệu cho nhà máy điện có thể gây khủng hoảng nghiêm trọng cho ngành Y tế và cung cấp nước sạch. Đại sứ đánh giá cao các nỗ lực của các nhân viên cứu trợ trong bối cảnh hiện nay. 

Về các giải pháp và nỗ lực của cộng đồng quốc tế, Trưởng Phái đoàn Việt Nam kêu gọi tất cả các thành viên cộng đồng quốc tế và khu vực có ảnh hưởng với các bên gia tăng các nỗ lực để tránh nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh như năm 2014. 

Việt Nam nhấn mạnh cần giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, và về lâu dài, con đường duy nhất bền vững cho vấn đề hoà bình Trung Đông là thực hiện giải pháp hai nhà nước, trong đó thành lập Nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô cùng tồn tại hòa bình với Nhà nước Israel, với các đường biên giới được quốc tế công nhận trên cơ sở ranh giới trước năm 1967 và thoả thuận do thương lượng, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và các nghị quyết của Liên hợp quốc có liên quan. Đại sứ cũng nhấn mạnh Hội đồng Bảo an cần có tiếng nói mạnh mẽ và thống nhất trong vấn đề này.

Về phần mình, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết, Washington sẵn sàng hỗ trợ nếu Israel và Palestine nhất trí ngừng bắn để chấm dứt tình trạng bạo lực ở Dải Gaza. 

“Mỹ đã làm việc không mệt mỏi thông qua các kênh ngoại giao để cố gắng chấm dứt cuộc xung đột này, bởi Mỹ tin rằng người Israel và người Palestine đều có quyền được sống trong hòa bình”, bà Thomas-Greenfield nhấn mạnh. 

Đồng thời khẳng định trong những cuộc tiếp xúc với các quan chức Israel, Palestine và cả đối tác trong khu vực Trung Đông, Mỹ đã tuyên bố rõ ràng rằng sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất về địa điểm nếu các bên mong muốn tìm kiếm giải pháp ngừng chiến. 

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nhấn mạnh, giải pháp hai nhà nước vẫn là lựa chọn khả thi duy nhất để chấm dứt tình trạng căng thẳng hiện nay. Kể từ đầu tuần trước, Ai Cập đã đứng ra làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn giữa quân đội Israel và các lực lượng tại Dải Gaza, dù đề xuất tới nay vẫn chưa được các bên chấp nhận. 

Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) ngày 16/5 đã tổ chức hội nghị ngoại trưởng trực tuyến khẩn cấp và lên án các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động buộc Israel phải chấm dứt các hành động bạo lực đối với dân thường Palestine. 

Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã đề xuất ý tưởng ba bước nhằm “tháo ngòi nổ” cuộc xung đột đang diễn biến căng thẳng giữa Israel và Palestine. Lộ trình 3 bước nhằm giảm leo thang gồm: Ngừng tấn công bằng tên lửa; chấm dứt bạo lực và trở lại đàm phán về các bước cụ thể nhằm xây dựng lòng tin giữa Israel-Palestine và về giải pháp hai nhà nước. 

Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu dự kiến sẽ nhóm họp khẩn trực tuyến vào ngày 18/5 để bàn về tình hình hiện nay, cũng như những biện pháp mà khối này có thể làm nhằm góp phần chấm dứt bạo lực.

Có thể nói, trong những ngày qua nhiều nỗ lực ngoại giao đã được các bên tích cực triển khai, song đều chưa mang lại kết quả. Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc diễn ra hôm 16/5 vừa qua cũng đã không thể thông qua một tuyên bố chung hay bất kỳ đề xuất nào nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Tuy vậy, cộng đồng quốc tế vẫn đạt được nhận thức chung rằng, những căng thẳng hiện nay cần phải chấm dứt để tạo điều kiện cho ngoại giao.

Hồ Thiên (Tổng hợp)

Để thu hút cá nhân và doanh nghiệp, Hồ Quốc Thân (SN 1992, quê quán xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) giới thiệu rằng anh ta đã được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn từ "Tổng bộ Hồ Chí Minh"; đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam… Tham gia vào "hệ sinh thái" doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Vì thế, cho đến khi cơ quan Công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Đêm 24/12, các tổ công an 141 Công an TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ trên địa bàn toàn thành phố đảm bảo ANTT, phòng chống đua xe đêm Noel qua đó đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp "quái xế" ngổ ngáo có hành vi nẹt pô, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Ngày 24/12, tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mai Sơn và Đội Quản lý thị trường (khu vực Mai Sơn, Yên Châu) đã kiểm tra, phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Châu Sơn La sản xuất, kinh doanh bánh mỳ tươi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xu hướng tiêu dùng thay đổi, thay vì thuê cửa hàng truyền thống với chi phí cao, nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh thu hẹp và đóng cửa nhiều cửa hàng và chuyển dần sang bán hàng online qua các kênh, nền tảng thương mại điện tử, nhất là trong dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Châu Âu đang đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị nghiêm trọng có thể làm xói mòn nền tảng thịnh vượng đã xây dựng suốt hàng thập niên qua. Sự trở lại của ông Donald Trump, cùng với căng thẳng thương mại gia tăng và sự suy thoái trong đổi mới, đang đẩy Liên minh châu Âu (EU) đối diện với bài toán sống còn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文