Trung Đông "dậy sóng" sau quyết định bỏ rơi người Kurd của Mỹ
- Mỹ "bỏ rơi" đồng minh người Kurd vào tay Thổ Nhĩ Kỳ
- Thổ Nhĩ Kỳ dọa dồn quân sang Syria tấn công người Kurd
- Khủng bố IS chui ra khỏi hầm, đầu hàng dân quân người Kurd
"Mỹ thề thốt không để Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các chiến dịch quân sự ở Bắc Syria. Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đã tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận về cơ chế an ninh ở biên giới. Tuyên bố của Mỹ rất bất ngờ, đó là hành vi đâm sau lưng", phát ngôn viên SDF Kino Gabriel ngày 7-10 nói với báo giới Jordan, theo RT.
Xe quân sự của Mỹ rời khu vực do người Kurd kiểm soát. Ảnh: ITN |
SDF, với nòng cốt là Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG), được coi là đồng minh thân cận của Mỹ và sát cánh cùng nhau trong cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kéo dài từ năm 2014 trên đất Syria.
Tuy vậy, YPG bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Ankara liệt vào danh sách khủng bố. Ankara lâu nay dọa tấn công vào Bắc Syria chống lại lực lượng này nếu Mỹ không thiết lập được vùng đệm an toàn và hối thúc YPG di chuyển 30km ra khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 6-10, Nhà Trắng bất ngờ thông báo Mỹ không tham gia nhưng cũng không phản đối kế hoạch tấn công người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng ngày, truyền thông Trung Đông cho hay Mỹ đã rút chuyên gia khỏi khu vực, còn Thổ Nhĩ Kỳ thì đã sẵn sàng cho chiến dịch trên đất Syria.
Năm ngoái, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố IS bị đánh bại và quyết định rút quân khỏi Syria, YPG từng tỏ ra thất vọng, cảm thấy bị bỏ rơi, khiến họ muốn đàm phán với Chính phủ Syria để cho phép lực lượng của Damascus cùng kiểm soát miền Bắc. Tuy nhiên, họ cũng chấp thuận phá dỡ nhiều hầm hào, công trình quân sự và rút khỏi khu vực sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để tránh nguy cơ bị tấn công.
Cùng ngày, lý giải về quyết định bất ngờ, ông Trump khẳng định: "Người Kurd chiến đấu cùng chúng ta, nhưng được trả khoản tiền khổng lồ và nhiều trang bị để làm vậy. Họ đã đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ suốt hàng chục năm. Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu, Syria, Iran, Iraq, Nga và người Kurd sẽ phải tự tìm cách giải quyết vấn đề".
Bước đi của Mỹ cũng khiến nhiều đồng minh khó hiểu. Báo Haaretz của Israel cho biết quyết định của Tổng thống Trump về việc rút quân Mỹ khỏi Syria, qua đó bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch quân sự tại khu vực Đông Bắc Syria do người Kurd kiểm soát khiến Tel Aviv giật mình và phải điều chỉnh nhiều chính sách.
Pháp, quốc gia có hiện diện quân sự ở Syria, cũng tỏ ra không hài lòng, đồng thời kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tránh bất kỳ hành động nào có thể gây phương hại cho cuộc chiến của liên quân chống IS sau khi Mỹ rời đi.