Trung Quốc hoan nghênh WHO đến điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19
- Tại sao WHO vẫn chưa cử được nhóm điều tra nguồn gốc COVID-19 tới Trung Quốc?
- Trung Quốc xác nhận chuyên gia WHO tới Bắc Kinh điều tra nguồn gốc COVID-19
- Tình báo Đức nghi ngờ cáo buộc nguồn gốc COVID-19 xuất phát từ Vũ Hán
Trước đó, Trung Quốc đã bác bỏ những lời chỉ trích về việc nước này xử lý không tốt đại dịch COVID-19 trong giai đoạn đầu kể từ khi ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận ở thành phố Vũ Hán vào cuối năm 2019. Hôm 4/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết nước này sẽ hoan nghênh nhóm của WHO tới điều tra nguồn gốc dịch bệnh.
Một triển lãm về cuộc chiến chống lại sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 tại Trung tâm Hội nghị Vũ Hán Parlour hôm 31/12/2020. (Ảnh: Reuters) |
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị âm ỉ, các chuyên gia cho rằng các nhà điều tra khó có thể được phép xem xét kỹ lưỡng một số khía cạnh nhạy cảm hơn về dịch. Theo Reuters, Bắc Kinh dường như đã nỗ lực để không bị đổ lỗi liên quan tới loại virus đã khiến hơn 1,8 triệu người trên toàn cầu thiệt mạng.
"Ngay cả trước cuộc điều tra này, các quan chức hàng đầu của cả hai bên đã rất phân cực trong quan điểm về nguồn gốc của sự bùng phát", Yanzhong Huang, thành viên cấp cao của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Mỹ cho biết.
Hôm 2/1, Ngoại trưởng Vương Nghị ca ngợi những nỗ lực chống đại dịch của Trung Quốc, nói rằng nước này không chỉ hạn chế lây nhiễm trong nước mà còn “đi đầu trong việc xây dựng một lực lượng phòng chống dịch toàn cầu” bằng cách cung cấp viện trợ cho hơn 150 quốc gia.
Thế nhưng, liên quan đến những lời chỉ trích mà Trung Quốc phải đối mặt trên toàn thế giới, ông Vương cũng cho rằng có "ngày càng nhiều nghiên cứu" cho thấy COVID-19 xuất hiện ở nhiều khu vực trong giai đoạn đầu.
Trung Quốc cũng là quốc gia duy nhất tuyên bố COVID-19 có thể lây truyền qua đường nhập khẩu hàng hóa. Họ cho rằng các cụm dịch ở một số địa phương là do mầm bệnh nằm trên bao bì thực phẩm đông lạnh. Về phần mình, WHO cho rằng chưa có bằng chứng cụ thể để có thể đưa ra kết luận như Trung Quốc.
Trước đó, Trung Quốc đã bị cáo buộc có hành vi giấu dịch khiến virus lây lan nhanh chóng. Theo Reuters, chủ đề này được xem là vẫn còn nhạy cảm ở Trung Quốc khi chỉ có một số nghiên cứu về nguồn gốc COVID-19 được công bố rộng rãi.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, Trung Quốc lại chia sẻ thông tin có thể mâu thuẫn với số liệu chính thức. Tuần trước, một nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc chỉ ra rằng mẫu máu của 4,43% dân số Vũ Hán chứa kháng thể COVID-19, cho thấy tỷ lệ lây nhiễm trong thành phố cao hơn nhiều so với ghi nhận ban đầu.
Một nghiên cứu của Italia cho thấy COVID-19 có thể đã ở châu Âu vài tháng trước khi chính thức ghi nhận ca nhiễm đầu tiên tại Vũ Hán. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã sử dụng thông tin này để ủng hộ giả thuyết rằng COVID-19 có nguồn gốc từ nước ngoài và vào Trung Quốc thông qua thực phẩm đông lạnh, hoặc thông qua các vận động viên nước ngoài thi đấu tại Thế vận hội Quân sự Thế giới ở Vũ Hán vào tháng 10/2019.
Raina MacIntyre, người đứng đầu Chương trình Nghiên cứu An ninh Sinh học của Viện Kirby ở Australia, cho biết cuộc điều tra cần phải vẽ ra được “một bức tranh toàn cầu về các manh mối dịch tễ học”, bao gồm mọi bằng chứng COVID-19 hiện diện bên ngoài Trung Quốc trước thời điểm tháng 12/2019.