Truyền thông Mỹ cảnh báo về “vũ khí mới” của Trung Quốc ở Biển Đông
- Việt Nam lên tiếng về việc hoạt động của tàu khu trục Mỹ USS Decatur ở Biển Đông
- ASEAN – EU nhấn mạnh việc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông
- Thủ phạm làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông
Tờ The Diplomat đã đăng tải bài viết của chuyên gia Adam Bartley đang theo học chương trình Tiến sĩ ở Đại học RMIT Melbourne, đồng thời là thành viên của Trung tâm nghiên cứu toàn cầu, trong đó khẳng định, bí mật của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông là các tàu cá.
Bài viết có đoạn: “Với ít cá gần bờ biển riêng của mình, Trung Quốc đã buộc ngành công nghiệp đánh bắt hải sản phải đi xa hơn và dùng cách thức này để dần dần thôn tính các vùng biển tranh chấp. Chính vì thế mà xung đột đã gia tăng”.
Theo nhận định của học giả Adam Bartley, đây là một cách mới, bởi lẽ nếu khi tàu cá Trung Quốc đánh bắt tại vùng biển tranh chấp hoặc vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia khác mà không bị ngăn cản thì dần dần, Bắc Kinh sẽ sử dụng thêm nhiều “chiêu” khác để quy vùng biển đó thuộc chủ quyền của mình.
Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi tại sao mỗi lần đưa ra một chiến dịch đánh bắt hải sản, Trung Quốc thường huy động tới hàng ngàn tàu cá và đi theo bảo vệ các tàu cá đánh bắt ở những vùng biển thuộc quốc gia khác đều có tàu hải cảnh hoặc hải giám của Trung Quốc.
Thời gian gần đây, các tàu cá của Trung Quốc thường xuyên đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển các nước láng giềng. Ảnh: Shinzhao |
Và cũng vì hoạt động “đánh bắt cá trộm” mà Trung Quốc thực hiện diễn ra quá nhiều, quá thường xuyên nên thời gian gần đây, từ Indonesia, Philippines đến Malaysia… đều có những phản ứng khá mạnh mẽ, thậm chí là sử dụng các biện pháp mạnh đối với những tàu cá này.
Một vấn đề khác cũng đã được nhắc đến nhiều, nay lại được đài RFI nói lại, đó là những ảnh hưởng xấu về môi trường mà Trung Quốc tạo ra khi liên tục có hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng các công trình kiên cố như sân bay tại khu vực đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Nhà nghiên cứu John McManus thuộc Đại học Miami của Mỹ thống kê rằng, các hoạt động xây dựng của Trung Quốc đã tàn phá khoảng 40km2 san hô tại khu vực này. Trong khi đó, hãng RFI báo cáo của Ủy ban đánh giá về kinh tế và an ninh Mỹ-Trung của Quốc hội Mỹ thì khẳng định, kể từ tháng 12-2013, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố đã mở rộng diện tích các đảo nhân tạo tại Biển Đông thêm 13km2.
Tại nhiều khu vực chiếm đóng tại Biển Đông, Trung Quốc còn tuyên bố lập thành các đặc khu (một quy chế hoàn toàn không có cơ sở pháp lý) và tổ chức nhiều cuộc tập trận rầm rộ, đặc biệt là cuộc tập trận hồi tháng 6 vừa qua.
Cũng theo cơ quan này, Bắc Kinh đã vi phạm nhiều Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà nước này và các nước ASEAN đã ký kết năm 2002, “yêu cầu các bên kiềm chế” trong các đòi hỏi chủ quyền tại những vùng lãnh thổ tranh chấp, cũng như không chấp nhận phán quyền về vấn đề Biển Đông mà tòa trọng tài thường trực thuộc Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) đưa ra hồi tháng 7.
Thậm chí, Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung (USCC) còn cảnh báo, sự tăng cường quân sự của Trung Quốc có thể là nhằm sử dụng vũ lực để theo đuổi các lợi ích của mình. Vì thế, ủy ban này cho rằng, Quốc hội Mỹ cần ủng hộ việc tiến hành thường xuyên hơn nữa hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông.
Nhiều quốc gia khác cũng đã thể hiện sự lo ngại của mình trong vấn đề Biển Đông. Chẳng hạn như Tổng thống Đức Joachim Gauck trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 14-11 tại Phủ Thủ tướng Nhật tại Tokyo cho biết, ông đang theo dõi và quan ngại tình hình trên Biển Đông cũng như biển Hoa Đông và sẽ “không công nhận những động thái nhằm làm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”.
Còn Thủ tướng Malaysia Najib Razajk thì khẳng định: “Tất cả các nước liên quan cần kiềm chế và giải quyết tranh chấp hàng hải một cách hòa bình, theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS”. Còn Indonesia vẫn mong muốn trở thành một kênh quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác, xây dựng lòng tin ở khu vực Biển Đông.
Tại cuộc hội thảo “Quản lý xung đột tiềm tàng ở khu vực Biển Đông lần thứ 26” diễn ra tại thành phố Bandung, các đại biểu, học giả đến từ nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã đề xuất nhiều dự án hợp tác mới cũng như cách thức quản lý xung đột, duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông.
Trước đó, tại cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 8 được tổ chức tại thành phố Nha Trang của Việt Nam, các học giả cũng cho rằng, để đảm bảo an ninh và ổn định ở Biển Đông, các bên cần thực thi chính sách tự kiềm chế, giữ nguyên trạng, không thực hiện các hành động đơn phương trên Biển Đông như quân sự hóa các điểm chiếm đóng hoặc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
Về khía cạnh pháp lý, theo các học giả, cục diện pháp lý trên Biển Đông đã bước sang giai đoạn mới sau phán quyết của Tòa án quốc tế trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông. Cho dù luật quốc tế hiện nay không có cơ chế thực thi bắt buộc, phán quyết này có tác động chính trị và pháp lý to lớn và lâu dài.
Phán quyết không chỉ làm sáng tỏ và thu hẹp phạm vi các vùng biển thực sự có tranh chấp tại Biển Đông, mà còn đánh giá nhiều hành động trên Biển Đông trong thời gian qua là không phù hợp với quy định của UNCLOS. Phán quyết cũng gián tiếp nhấn mạnh quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trong phần lớn vùng biển của Biển Đông và kết luận của phán quyết mở ra cơ hội thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực lợi ích chung như nghề cá, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường.