Tương lai đầy trắc trở của Hy Lạp hậu khủng hoảng nợ công

08:56 22/08/2018
Ngày 20-8 đánh dấu một bước ngoặt đối với Hy Lạp cũng như khu vực Eurozone khi sau ngót một thập kỷ thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” để đổi lại những gói cứu trợ, Athens đã chính thức bước ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ nhất trong lịch sử, từng có nguy cơ đẩy đất nước vùng Địa Trung Hải này đến bờ vực phá sản.


Chủ tịch Ủy ban điều hành Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) Mario Centeno ngày 20-8 cho biết, Hy Lạp chính thức thoát khỏi gói cứu trợ thứ 3 trị giá 62,9 tỷ euro (tương đương 70,8 tỷ USD), cũng là gói cứu trợ cuối cùng kéo dài 3 năm, bắt đầu từ tháng 8-2015. 

“Đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm 2010, Hy Lạp có thể tự đứng vững trên chính đôi chân của mình. Điều này có thể xảy ra là nhờ những nỗ lực phi thường của người dân Hy Lạp cũng như sự hợp tác hiệu quả của chính phủ với sự hỗ trợ của các đối tác châu Âu thông qua các khoản vay và giảm nợ”, ông Mario Centeno cho biết. 

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis cũng hoan nghênh bước chuyển lớn này tại Hy Lạp: “Ngày hôm nay, chúng ta ăn mừng sự kết thúc của một hành trình rất dài và gian khó. Vấn đề cần tập trung hiện nay là phát triển thành công này bằng cách duy trì các chính sách tài khóa và kinh tế phù hợp”. 

Hy Lạp đứng trước nhiều thách thức lớn sau khi bước ra khỏi thời kỳ khủng hoảng nợ công. Ảnh Reuters.

Trước đó, để thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ nhất trong lịch sử, từ năm 2010 đến nay, Hy Lạp đã được các chủ nợ châu Âu (gồm Liên minh châu Âu - EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB và Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF) cấp cho khoảng 289 tỷ euro (tương đương 330 tỷ USD) vốn vay, lần lượt được bố trí trong các năm 2010, 2012 và 2015. 

Những khoản tiền được bộ ba chủ nợ bơm vào nền kinh tế Athens kèm theo những yêu cầu về cải cách kinh tế đã giúp tình trạng nợ công và thất nghiệp của Hy Lạp từ mức cao nhất trong lịch sử xuống mức an toàn. 

Cụ thể, trong vòng 8 năm, 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hy Lạp đã “bốc hơi”, song từ năm ngoái, GDP của nước này tăng trở lại. Tỷ lệ thất nghiệp cũng từ mức cao hơn 27%, giảm xuống còn dưới 20% vào đầu tháng này. 

Như vậy, chính thức kể từ ngày 20-8, Hy Lạp đã không còn cần đến các khoản hỗ trợ cũng như chịu sự ràng buộc từ các chủ nợ nữa, mà sẽ trở lại là một quốc gia chủ động tài chính. Bất cứ khi nào cần thiết, Hy Lạp có thể phát hành trái phiếu để vay nợ theo lãi suất thị trường.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng “thành công mang tính bước ngoặt” này chỉ dừng lại ở một ý nghĩa tượng trưng, và nhiều chuyên gia cũng đặt một dấu hỏi lớn cho tương lai của nền kinh tế Hy Lạp dù đang có một vài dấu hiệu tích cực nhưng đã bị tổn thương nặng nề trong một thời gian dài. 

Theo dự báo, Athens sẽ phải mất nhiều thập kỷ để trả xong khối nợ khổng lồ như vậy, do đó Chính phủ Hy Lạp sẽ tiếp tục phải theo đuổi các chính sách “thắt lưng buộc bụng”. 

Ủy viên EU phụ trách kinh tế Pierre Moscovici cũng cảnh báo việc kết thúc chương trình cứu trợ không có nghĩa là Hy Lạp có thể chấm dứt các biện pháp cải cách khắc khổ, đồng thời cho rằng tình hình thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. 

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras cũng thừa nhận rằng Hy Lạp còn một chặng đường dài phải vượt qua, mà chỉ cần đi chệch hướng là mọi công sức có thể “đổ xuống sông xuống biển”. 

Trong khi đó, IMF cũng cho rằng khả năng thanh toán nợ của Hy Lạp trong dài hạn là không chắc chắn. IMF cảnh báo mục tiêu mà Hy Lạp cam kết với các chủ nợ, duy trì thặng dư ngân sách, không bao gồm các khoản trả nợ, ở mức 3,5% tới năm 2022, và 2,2% tới năm 2060, là một thách thức lớn đối với Athens bởi cuộc khủng hoảng nợ ở nước này vẫn để lại nhiều rủi ro đáng kể. Hy Lạp hiện còn nợ IMF khoảng 10 tỷ euro và dự kiến sẽ thanh toán đầy đủ trước năm 2024. 

Theo giáo sư Charles Wyplosz chuyên về vấn đề kinh tế quốc tế tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển tại Geneva (Thụy Sỹ), cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp trên thực tế đã không hề được giải quyết dứt điểm mà chỉ đơn thuần là bị trì hoãn. 

Giáo sư Wyplosz cho hay, Athens thậm chí sẽ không bắt đầu trả phần lớn trong khoản nợ khổng lồ của nước này cho đến năm 2032 đồng thời đưa ra cảnh báo cuộc khủng hoảng sẽ trở lại với Hy Lạp vào trước năm 2032 nếu tình trạng hiện thời không được tháo gỡ.

Theo số liệu của IMF, ở thời điểm hiện tại, quy mô nền kinh tế Hy Lạp vẫn còn thấp hơn 25% so với thời điểm cuộc khủng hoảng bắt đầu. Trong vòng 1 thập kỷ qua, chỉ có 4 quốc gia chịu sự suy giảm quy mô nền kinh tế tương đương hoặc lớn hơn Hy Lạp, bao gồm Yemen, Libya, Venezuela và Guinea Xích đạo. 

Khủng hoảng nợ công châu Âu, bùng nổ đầu tiên ở Hy Lạp, tiếp đó là ở một loạt nước khác trong Liên minh châu Âu (EU), đã nổ ra vào năm 2010, giữa lúc nền kinh tế châu Âu còn đang cố gượng mình đứng dậy sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Cuộc khủng hoảng sau đó đã lan sang Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và tiếp theo là Italia trong khu vực đồng euro. 

Vào thời điểm tồi tệ nhất, cuộc khủng hoảng nợ công đã đe dọa sự tồn tại của đồng tiền euro, gây ảnh hưởng nền tài chính toàn cầu, khiến cho Thủ tướng Hy Lạp và Thủ tướng Italia đương thời phải từ chức. 

Sự kiện này cũng là nguồn cơn thổi bùng phong trào “chia tay” EU trên toàn châu lục và là một trong những yếu tố thúc đẩy người dân Anh lựa chọn đưa “đảo quốc sương mù” quyết tâm dứt áo rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit. 

Trong thời gian khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp có lúc lên mức 28%, khiến khoảng 300.000 người Hy Lạp phải di cư ra nước ngoài để tìm việc làm.

Giờ đây, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã giảm về 19,5%. Dù đã chính thức bước ra khỏi tình trạng khủng hoảng tồi tệ, tuy nhiên, tương lai của nền kinh tế Hy Lạp vẫn còn nhiều trắc trở và khó đoán định.

Duy Tiến (Tổng hợp)

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文