WHO muốn tham gia điều tra COVID-19 cùng Trung Quốc
- Cuộc tranh giành ảnh hưởng tại WHO
- WHO hối thúc châu Âu duy trì biện pháp mạnh chống COVID-19
- Không chỉ cắt viện trợ, Mỹ có thể 'đại tu' WHO
- Trung Quốc tài trợ thêm 30 triệu USD cho WHO chống dịch
WHO mong muốn tham gia điều tra về COVID-19. Ảnh: WHO |
"WHO sẽ sẵn sàng hợp tác với các đối tác quốc tế theo lời mời của chính phủ Trung Quốc nhằm tham gia vào cuộc điều tra về nguồn gốc động vật", phát ngôn viên WHO Tarik Jasarevic ngày 1/5 cho biết qua email.
Theo ông, WHO nắm được rằng nhiều cuộc điều tra đang được tiến hành tại Trung Quốc "để hiểu rõ hơn về nguồn gốc của dịch COVID-19", nhưng cho biết "WHO hiện đang chưa tham gia vào các cuộc điều tra tại Trung Quốc".
Trước đó, trong một diễn biến bất ngờ, ngày 30/4, Sky News đưa tin, đại diện WHO tại Trung Quốc Gauden Galea khẳng định Trung Quốc đã nhiều lần từ chối yêu cầu của WHO về việc tham gia điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2.
Ông cũng nói rằng tổ chức này không thể điều tra các tài liệu từ hai phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán - nơi dịch bệnh bùng phát. Song dựa trên các bằng chứng có sẵn, WHO cho rằng virus này có nguồn gốc từ tự nhiên chứ không phải do con người tạo ra.
Tuyên bố của người phát ngôn WHO cũng được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump một ngày trước đó tuyên bố có bằng chứng với độ tin cậy cao về việc COVID-19 có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm tại Vũ Hán, nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết.
Chính phủ Australia thời gian qua cũng đề nghị tổ chức một cuộc điều tra độc lập với sự tham gia của tất cả thành viên WHO về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, đồng thời yêu cầu Trung Quốc cung cấp số liệu xác thực về dịch bệnh tại nước này.
Cho đến nay, Trung Quốc liên tục bác bỏ những cáo buộc này, nhấn mạnh tính minh bạch và tính trách nhiệm trong các chính sách của nhà nước khi dịch bệnh bùng phát. Bắc Kinh cũng kêu gọi Washington tập trung vào phản ứng toàn cầu nhằm đối phó với COVID-19 thay vì đưa ra các cáo buộc chống lại Trung Quốc.
Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố COVID-19 bùng phát thành đại dịch vào ngày 11/3 vừa qua. Cho đến nay, hơn 3,2 triệu người đã bị mắc COVID-19 trên toàn thế giới, với hơn 233.000 người tử vong, theo Đại học Johns Hopkins.