40 năm ẩn dật như "người rừng"

15:00 20/01/2015
Ngôi nhà nhỏ nằm ẩn khuất sau lùm cây tăm tối, ẩm choẹt. Nó chỉ cách thành phố Vinh (Nghệ An) chừng 4km về phía tây nam, ấy vậy mà ít ai ngờ được rằng ở đó lại là nơi trú ngụ của cặp vợ chồng già suốt 40 năm qua với cuộc sống như “người rừng” ở gần thành phố khi không điện, không nước, không giao lưu với thế giới bên ngoài…

Cuộc sống như  "người rừng" ở thời hiện đại

Nhìn từ phía xa, nhiều người chỉ nghĩ đó đơn giản là một lùm cây mọc rậm rạp ở cánh đồng mênh mông thuộc địa phận xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), thế nhưng ẩn khuất sau những rặng tre già đó lại là ngôi nhà "ổ chuột" của cặp vợ chồng ông Lê Viết Đức (80 tuổi) và bà Trương Thị Quy (57 tuổi) đã sinh sống suốt 40 năm qua.

Để vào được căn chòi của hai vợ chồng, phải đi bộ khoảng 200m trên bờ ruộng trơn trượt. Người tới thăm buộc phải gửi phương tiện lại ở bên ngoài. Dù là lần đầu tiên hay đã quen lối, bất cứ ai bước chân vào lùm cây tăm tối phía trước đều mang cảm giác rùng rợn.

Bước qua chiếc cầu tre chừng 2m bắc ngang mương nước, chúng tôi gọi to tên chủ nhà vì không đủ can đảm bước vào. Thấy sự xuất hiện đường đột của những vị khách lạ, ông bà đều tỏ vẻ ngỡ ngàng, vì theo lời ông thì "chẳng biết mấy năm rồi không có người nào lui tới nơi đây". Ngôi nhà ẩm tối dần hiện ra trước mắt. Nó được dựng lên bằng những tấm phên nứa cũ mục và thủng lỗ. Mái ngôi nhà là những tấm phrôximăng tận dụng phủ đầy lá cây khô. Cánh cửa xiêu vẹo không cao quá đầu người nếu nhỡ may ai bước vào không để ý. Đặt trên nền đất thiếu bằng phẳng là một chiếc bàn nhựa và hai chiếc ghế chỏng chơ, cùng những đồ lặt vặt mà bà nhặt về hay đi xin được.

Vợ chồng ông Đức bên ngôi nhà ẩm tối.

Các vật dụng trong gia đình ông bà một phần vì không có điện, một phần vì không có tiền sắm sửa nên hết sức thô sơ. Quạt điện, nồi cơm điện, bếp gas - những đồ dùng tối thiểu cho một cuộc sống gia đình hiện nay cũng không hề có mặt trong ngôi nhà này.

Nơi đây ông bà không có hàng xóm, sống biệt lập với thế giới bên ngoài hoàn toàn. Ông bà chỉ làm bạn với lũ chim trời, chuột, dơi, muỗi và thậm chí cả rắn. Trời nắng nhìn qua mái nhà cũng thấy mặt trời; trời mưa nước dột tứ bề.

Sau một lúc chuyện trò, ông Đức mới kể cho chúng tôi nghe: Hơn 60 năm về trước, sau khi bố mẹ qua đời, ông và chị gái của mình từ xã Hưng Thủy (nay là phường Bến Thủy - thành phố Vinh) bỏ ra khai hóa mảnh đất trũng này. Sau khi chị gái mất, ông vẫn bám trụ ở mảnh đất này mà không muốn chuyển ra ngoài sinh sống.

Thương hoàn cảnh ông một mình lủi thủi sớm hôm, năm 1994, bà Trương Thị Quy nhận lời làm vợ trong điều kiện hết sức khó khăn. Lấy nhau được 3 năm thì chị Lê Thị Xuân Sinh (SN 1997) chào đời.

Bà Quy cũng cho hay: ông bà không có sổ hộ khẩu, cũng chẳng biết thuộc địa bàn thành phố Vinh hay huyện Hưng Nguyên. Bà chỉ biết rằng bà xã Hưng Thịnh lấy ông ở phường Bến Thủy, rồi về đây sống đã hơn 40 năm, ít tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Kể từ ngày "cắm dùi" tới nay, gia đình chưa hề biết mặt một ngọn điện là như thế nào.

40 năm sống trong cảnh không điện, không nước sạch

Để thắp sáng cho căn nhà tối om, bà Quy lất lửa từ hai hòn đá đập vào nhau, rồi thắp sáng ngọn nến đã cháy dở. Những vệt lửa le lói từ ngọn nến chẳng làm sáng lên không gian tối tăm ấy là bao mà hình như chỉ góp phần làm cho không gian trở nên mờ ảo hơn. Gia đình bà trước nay chưa hề biết cái màu của ánh điện là như thế nào. Ông bà chỉ biết dùng đèn dầu, đèn cầy và nến để thắp sáng. Nhưng đêm tối mới dám thắp vì phải dùng tiết kiệm. Những thứ đó đều do bà đi xin từ khu đền cách đó vài cây số về để dùng.

Ông Lê Viết Đức bệnh nằm liệt giường sau khi bị ngã.

Không có điện đã đành, nguồn nước để ông bà ăn uống hằng ngày cũng phải đi xin từ cách đó mấy cây số, nhưng đó là khoảng hơn 1 năm nay, còn trước đó, nước sinh hoạt được lấy từ cái hố sâu trong vườn nhà. Hằng ngày với những chai nước nhỏ, bà bắt đầu công việc đi xin nước về để sinh hoạt, bà lại tìm đến ngôi đền để xin sự bố thí của những người đến viếng. Đó có thể là chút tiền lẻ, gói kẹo hay bất cứ thứ gì có thể ăn được. Coi như có thứ để ông bà ăn tạm sống qua ngày.

Dù cuộc sống tạm bợ như vậy, nhưng mỗi lần bà Quy bàn với chồng việc di chuyển chỗ ở, như (về quê Hưng Nguyên chẳng hạn), ông Đức đều không chịu. Ông bảo: "Ở đây quen rồi, giờ không muốn đi đâu hết". Thế nên bà Quy cũng đành chiều chồng mà ở lại cho tới bây giờ. Riêng cô con gái của ông bà, vì không muốn ở một nơi thiếu thốn đủ bề như vậy nên phải tá túc tại nhà một người quen bên ngoại ở xã Hưng Thịnh huyện Hưng Nguyên, rồi đi làm thuê ở thành phố Vinh, dăm bữa nửa tháng lại về thăm ông bà một lần.

Bên chiếc giường mục nát, gần như xiêu vẹo, ông Đức nằm co mình một chỗ. Những năm gần đây, sức khỏe của ông đã yếu đi nhiều, có lúc ngồi nói lẩn thẩn như người mất hồn. Nguyên do là cách đây ba năm, do một lần leo lên mái để sửa nhà sau trận bão, ông chẳng may té xuống nền đá nên què tay từ đó tới nay, tâm trí ông cũng bắt đầu có vấn đề.

Bà Quy có phần tỉnh táo hơn, vừa lo chăm sóc chồng vừa đi xin ăn, nước uống rồi vật lộn hằng ngày với ba sào ruộng khoán kiếm gạo nuôi chồng. Với ông bà đó dường như là tài sản lớn  nhất, nhưng làm ruộng như đánh bạc với trời, mùa được mùa mất nên việc thiếu ăn vẫn diễn ra thường xuyên. 

Mỗi ngày bà Quy phải lặn lội đi xin từng chai nước mang về dùng.

Nhà nằm giữa cánh đồng trong thời hiện đại, những chiếc máy tuốt lúa liên hoàn công suất lớn nổ ầm ầm quanh nhà mỗi mùa thu hoạch, nhưng với gia đình bà Quy, lúa gặt về, bà phải đạp bằng chân và trải lên phơi trên một tấm bạt. Bởi vì nền đất quanh năm trơn trượt, ướt át như vậy thì hỏi làm sao mà phơi thóc? Sự sống, sinh hoạt và sản xuất của gia đình ông Đức chẳng khác gì thời kỳ xưa - lạc hậu, tối mực và thiếu thốn trăm bề.

Trao đổi với chính quyền địa phương, ông Trịnh Quốc Khế - Chủ tịch UBND xã Hưng Lợi, cho biết, ông Lê Viết Đức từng định cư ở thành phố Vinh trước khi chuyển đến sinh sống tại địa bàn xã này.

"Xã nhiều lần mời ông Đức về làm thủ tục nhập hộ tịch, hộ khẩu nhưng ông Đức không đến. Không hiểu vì lý do gì mà ông Đức như vậy, vì không có giấy tờ gì nên mọi quyền lợi của ông bà đều không được hưởng". Ông Khế khẳng định, ông Đức đã tự tách cuộc sống của gia đình mình ra khỏi cộng đồng. "Sống như vậy là không ai quản lý. Chúng tôi muốn ông Đức nhập về xã nhưng ông ấy không đến làm việc nên cũng đành chịu", ông Khế cho biết.

Đức Chung

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文