"Dị nhân" trồng rừng trên đảo Tò Vò

16:09 14/07/2016
Hơn 25 năm trước, khi khu vực hồ Núi Cốc vẫn còn là một vùng đất hoang sơ, không có người sinh sống, rừng phòng hộ bị tàn phá nghiêm trọng bởi lâm tặc, thì lão là người duy nhất tìm đến vùng hồ này sinh sống, trồng rừng và bảo vệ rừng. Lão bảo, muốn sống tách biệt với thế giới bên ngoài, tự do, tự tại với những thú vui chẳng ai có được.


Hỏi đường vào nhà "chúa đảo" Tô Tiến Sâm không ai là không biết. Ở quanh cái khu vực hồ Núi Cốc này, tuy các thôn xóm cách nhau hàng chục cây số đường rừng, nhà dân thưa thớt nhưng lão Sâm nổi tiếng bởi cuộc sống chẳng khác gì một Rôbinxơn trên đảo hoang. 

Nhưng có điều khác, "giang sơn" của lão lại là nơi nhiều anh em, bạn bè thích tìm đến chơi, uống vài chén rượu nhạt bởi khung cảnh tươi đẹp, thanh bình và chủ nhà lại là người xởi lởi, nhiệt tình. Chẳng ngày nào là lão không có khách đến thăm. Cứ đi câu được mẻ cá, hay nuôi được con gà ngon là lão lại gọi bạn bè đi thuyền vào chiêu đãi, nên người dân quanh vùng này quý lão lắm.

Con đường vào nhà "chúa đảo" quả thật gian nan. Từ trung tâm UBND xã Phúc Tân, huyện Phổ Yên, chúng tôi phải đi hơn chục km đường đất vào sâu trong rừng. Từ đó đi thuyền độc mộc qua 1 nhánh hồ nhỏ rồi luồn gần 1km đường mòn trên núi để tới nhà "chúa đảo". May mà gặp được một anh thanh niên bản địa dẫn đường vào nhà lão, nếu không chúng tôi cũng chẳng biết phải đến nhà lão thế nào.

"Chúa đảo" Tô Tiến Sâm.

Ngôi nhà bằng gỗ của "chúa đảo" do chính tay lão lắp ghép ngự trên đỉnh một đồi chè và cây ăn quả thuộc đảo Tò Vò, nằm ngay thượng nguồn hồ Núi Cốc. Xung quanh là những vạt rừng keo xanh mướt hơn 25 năm tuổi do chính tay lão trồng. Thấy chúng tôi, lão cười khà khà: "Leo núi có mệt không, đi đường vất vả thế mới thú vị chứ nhỉ? Đến nhà người đặc biệt cũng phải đặc biệt một tí chứ?". Quả thật nói chuyện với lão, chúng tôi thấy lão đặc biệt thật.

Ngoài 60 tuổi nhưng nhìn "chúa đảo" khỏe mạnh, rắn chắc với làn da rám nắng, giọng nói sang sảng. Có lẽ những ngày tháng lao động miệt mài bên đồi chè, bên những vạt rừng keo xanh, những lần chèo thuyền, leo núi đi tuần rừng, sống giữa một vùng non nước hữu tình, không khí trong lành đã đem đến cho lão một sức khỏe phi thường.

Lão bảo, lão vừa đi câu về. Ở khu vực Hang Cà này quanh năm chỉ có sóng nước, cây rừng, chim chóc nhưng "chúa đảo" vẫn tự tạo cho mình niềm vui mà chẳng ai có được. Ban ngày, hết vào rừng nhặt củi, đi tuần quanh rừng, rồi hái chè ở vườn nhà, lão lại lái xuồng đi câu. Mà lão sát cá. Mỗi chuyến câu phải được vài cân. Ăn chẳng hết, bán cũng không, lão lại gọi người quen đến cho, hoặc lúc lái xuồng gặp ai thì cho người ấy.

Lão rít một hơi thuốc lào rồi bắt đầu kể về cuộc đời của mình. Quê gốc lão ở Đại Từ, Thái Nguyên. Ngày trẻ, lão đi bộ đội, cũng chiến đấu ác liệt ở chiến trường Quảng Trị. Xuất ngũ, trở về địa phương lập gia đình, không bằng cấp, lão đi làm thuê đủ thứ nghề để kiếm sống.

Ngôi nhà do chính ông Sâm tự dựng trên đỉnh một đồi chè và cây ăn quả.

Những năm 1990, khu vực Hang Cà này còn âm u, vắng lặng lắm, chỉ có tiếng chim cú kêu suốt ngày, lâm tặc hoành hành ngày đêm rầm rập, rừng bị tàn phá nặng nề, chính quyền có chính sách di dân vào vùng lòng hồ Núi Cốc, vừa để bảo vệ rừng vừa để trồng cây gây rừng. Lão để lại vợ con ở quê nhà, một mình vào khu vực Hang Cà này để khai hoang.

Một mình lão lái thuyền vận chuyển nguyên vật liệu và dựng nhà ở cho những người dân di cư đến đây cùng lão. Nhưng cuộc sống ở giữa vùng hồ khi ấy quá khó khăn, vất vả, ngoài trồng rừng, chăn nuôi thì chẳng có gì có thể kiếm ra tiền. Nhiều gia đình dần bỏ cuộc vì không thể nào phát triển được, chỉ duy nhất lão Sâm còn ở lại cho đến ngày hôm nay. Lão bảo, lão không thích cuộc sống xô bồ ngoài kia. Vào đây yên tĩnh, lão thích làm gì thì làm, chẳng ảnh hưởng đến ai.

Một mình lão tự lăn lộn trồng chè, trồng cây ăn quả, trồng rừng, còn vợ lão thì phải ở quê chăm con. Khi diện tích cây trồng ngoài đảo khoảng 1ha được thu hoạch thì vợ lão ra đảo thu hoạch nông sản cùng chồng. Phải đến năm 2001, khi cô con gái lớn lấy chồng, những đứa còn lại tự trông nhau được, vợ lão mới vào đây cùng lão trồng cây gây rừng.

Mới đấy mà cũng đã 25 năm, giờ lão đã là chủ của 25ha rừng keo, 1 ha chè và cây ăn quả. Những dự án trồng rừng được triển khai tại địa phương lão đều hăng hái tham gia. Có nguồn thu nhập từ trồng rừng, chăn nuôi, lão lần lượt dựng vợ, gả chồng cho 5 người con. Bao nhiêu năm sống biệt lập trên đảo, ở trong ngôi nhà dựng tạm bằng gỗ trống huếch trống hoác cũng không khiến lão sờn lòng.

Giờ đây nhìn vạt rừng xanh mướt ngút ngàn như rừng nguyên sinh, ít ai biết rằng cách đây hơn 25 năm, nó chỉ là khu đất trống đồi trọc, bị lâm tặc tàn phá tan hoang. Lão Sâm tự hào vì thành quả ấy của mình. Từ khi có lão, tình trạng phá rừng không còn nữa.

Trước kia khi lão chưa đến đây lâm tặc phá rừng ghê lắm. Lãnh đạo địa phương đến chỉ biết nhìn chứ không dám làm gì. Kiểm lâm năng nổ chạy đến thì chúng chống trả quyết liệt, có kiểm lâm còn bị chúng ném xuống hồ. Để bảo vệ vạt rừng của mình, ngày nào lão cũng đi tuần một lần, khi thì đi bộ, khi thì lái xuồng lượn một vòng quanh đảo.

Con đường vào nhà "chúa đảo" phải qua một nhánh hồ và gần 1km đường rừng.

Có 3 lần, lão bắt quả tang lâm tặc chặt hạ cây. Hai bên cùng cầm dao, rìu nhưng nhìn lão cao to, rắn rỏi, tướng hung tợn bởi nhiều năm sống như người rừng trên đảo, lâm tặc không dám động thủ. Ngược lại, lão Sâm lại hạ vũ khí trước rồi ôn tồn nói chuyện, khuyên bảo chúng. Lão cho chúng mang hết số cây đã đốn hạ đi vì có để lại cũng mục nát, uổng phí, nhưng yêu cầu chúng không được tái phạm tại khu vực đảo Tò Vò và vùng lân cận.

Lão bảo, muốn giữ rừng thì chủ rừng phải ở lại bám trụ với rừng. Nhiều khu rừng bị phá tan hoang rồi mà chủ rừng vẫn không thấy đâu. Thậm chí nhiều diện tích rừng còn được chuyển nhượng ngầm cho người khác. Theo đó, chủ rừng cũ trở thành người quản lý, bảo vệ thuê cho chủ rừng mới. Khi người canh gác thuê mở cửa, xé vé thì rừng bị tàn phá một cách trắng trợn, thậm chí còn được bảo kê cho việc phá hoại là đương nhiên....

Vì thế 25 năm nay dù con cháu đề huề muốn lão về quê đoàn tụ với gia đình nhưng lão không chịu. Lão quen với nếp sống ở đây rồi. Niềm vui của lão là được vào rừng đi dạo, là được lái xuồng đi câu, đi thăm thú quanh đảo. Thi thoảng tạt qua nhà người này người kia ngay cạnh hồ làm chén rượu nhạt rồi lại về đảo chăm chút lũ gà, lũ chó rồi dọn nhà, dọn vườn là lão vui lắm rồi. Tối đến lão cũng chẳng cần ti vi, chỉ một chiếc điện thoại vừa để nghe đài, vừa để liên lạc, cuộc sống vô lo, vô nghĩ không bon chen với đời khiến lão thấy ung dung, tự tại.

Khu vực hồ Núi Cốc ngày nay trở thành điểm du lịch hấp dẫn, khu vực được quy hoạch xây dựng thành thị xã Núi Cốc. Đảo Tò Vò của lão có vị thế khá đẹp khi nằm trên vùng thượng nguồn của hồ. Nhiều đại gia, người giàu sang muốn sở hữu riêng cho mình một không gian riêng để phát triển thành khu du lịch sinh thái. Cũng không ít người tính toán đầu cơ đất đai, rừng đảo. Có nhiều người khi tham quan Hang Cà, qua đảo Tò Vò đã đặt vấn đề mua đất ở và rừng của "chúa đảo" với giá vài tỷ đồng. Nhưng lão từ chối thẳng thừng trước sự ngạc nhiên của khách.

Với lão, đảo Tò Vò này là công sức, thành quả của cả cuộc đời lão. Những cây chè, những vạt rừng… đã nuôi nấng, đùm bọc chở che cả nhà lão, nay lại bán đi thì xót xa lắm. Tiền tiêu một thời gian có thể hết, nhưng đất đai thì vẫn mãi trường tồn. Chỉ cần bỏ công sức lao động là có tất cả.

Lão chỉ vào chiếc máy sấy chè đang nằm đắp chiếu vì hỏng mà bảo, sắp tới lão lại đầu tư chiếc máy mới để tiếp tục sản xuất đặc sản chè Thái Nguyên từ A đến Z. Lão sẽ tiếp tục gắn bó với hòn đảo này đến khi nào không còn sức lao động mới thôi.

Lê Phong-Ngọc Trâm

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (TMĐT&KTS, Bộ Công Thương) đề nghị người dùng phát hiện website bán sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân thì thông báo cho Cục TMĐT&KTS để Cục có biện pháp xử lý.

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai phương án bảo đảm ANTT các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm quân số ứng trực, nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT, phòng, chống cháy, nổ...

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè cộng thêm gió Lào khô rát khiến người ta ở trong nhà hay dưới bóng râm vẫn cảm thấy khó chịu, thế nhưng hơn 1 tháng nay, CBCS Công an Điện Biên vẫn luôn thường trực 24/24 tại các nút giao thông, các điểm di tích lịch sử và nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những việc làm của các anh góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho các đồng chí lãnh đảo Đảng, Nhà nước, các sự kiện và du khách thập phương đến với Điện Biên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文