Gặp thợ săn ong ở bìa rừng xứ Mường

07:30 11/03/2014

Chỉ cần nhìn vào thế núi là anh Quách Văn Thao ở bản Cẩm Bộ, xã Thành Minh, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), có thể biết được khoảng bao nhiêu đàn ong đang hoạt động. Đó là khả năng săn ong hiếm thấy của chàng trai người dân tộc Mường (26 tuổi). Năm vừa qua riêng anh Thao đã bắt được 40 đàn ong mật từ vách đá mang về nuôi.

Bắt ong ở vách đá, mạo hiểm với "tử thần"

Anh Thao là thành viên thứ 6 trong một gia đình có tận 9 người con. Từ khi còn bé anh đã được theo mẹ lên nương trồng ngô cuốc sắn. Tiếng ong bay, tiếng chim hót luôn là những âm thanh rất đỗi thân quen để anh bầu bạn. Biết gia đình nghèo, lại không đủ tiền mua sách vở đi học. Hàng ngày cậu bé nhỏ tuổi này phải trèo lên những ngọn núi cao để tìm ong mật về bán. Khi bắt được đàn ong mật quý anh lại mang đi bán với giá 50 đến 100 nghìn đồng một tổ.

Lớn lên anh giống như một "người rừng", mọi ngóc ngách ở trên núi anh đều đã được trải qua. Cùng nói chuyện với chúng tôi, anh Thao chỉ tay lên ngọn đồi mờ mờ phía trước và nói: "Năm nay trên ngọn núi đá kia tôi đã bắt được gần 40 đàn ong rừng. Với kinh nghiệm săn bắt ong từ bé tôi chỉ cần nhìn vào thế núi là có thể đoán được ngọn núi đó có bao nhiêu đàn ong". 

Theo anh Thao, ong rừng thích làm tổ trên những thân cây cổ thụ hoặc những vách đá vôi lộ thiên, ít cây cối che chắn để cho chúng dễ hoạt động. Chúng không ưa những nơi đọng nước, hôi hám, ẩm ướt… Nếu chỗ ở không thích hợp là chúng sẵn sàng bay đến nơi ở mới sạch sẽ hơn. 

Khi đã xác định được vị trí ong mật có thể làm tổ, anh Thao sẽ trèo lên một mỏm đá cao nhất để quan sát hướng bay của chúng. Khi quan sát phải tập trung vào một hướng nhất định, tránh ánh sáng mặt trời. Nếu ánh sáng mặt trời chiếu xiên qua thì sẽ bị lóa mắt, rất khó để phân biệt được ong hay ruồi bay.

Nghề lấy mật và bắt ong rừng đòi hỏi người thợ phải liều lĩnh, mạo hiểm.

Để phân biệt được đặc điểm giữa ong và ruồi bay anh Thao bật mí: "Ruồi luôn bay theo đường cong. Còn ong cũng bay tương tự như ruồi tuy nhiên khi chúng về tổ do mật nặng nên chúng sẽ bay chậm theo một đường thẳng". 

Ngoài phương pháp quan sát đường bay của ong, anh Thao còn nhận biết được phân của ong mật. Nếu mức độ phân ong dày đặc vương trên lá cây thì chắc chắn đàn ong đó sẽ làm tổ xung quanh khu vực. Khi đã phát hiện ra tổ ong, việc bắt ong lúc này là một công việc cực kỳ khó khăn, người thợ chỉ cần sơ sẩy là có thể thiệt mạng ngay tức khắc.

Công đoạn bắt ong mật đòi hỏi một người thợ như anh Thao phải thuần thục các động tác leo trèo mới có thể bắt được tổ ong trên những thân cây cổ thụ. Nếu đứng ở trên nhìn xuống dưới thấy đàn ong làm tổ ở vách đá, thì anh Thao sẽ phải lấy hai sợi dây thừng tạo thành nhiều nấc thang. Sau khi sợi dây đã được cột chắc chắn vào gốc cây, anh Thao sẽ đem theo đồ nghề gồm: rơm, bật lửa, quạt… rồi theo sợi dây từ từ trôi xuống tổ ong.

Xuống đến sát tổ ong chỉ cần sơ ý đụng đến đàn ong là chúng có thể vỡ tổ bay ra đốt ngay tức khắc. Anh Thao bảo: "Vì là ong rừng nên chúng rất hung dữ, người thợ không thể lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra. Nếu bám không cẩn thận là có thể tuột tay rơi xuống vách núi thiệt mạng bất cứ lúc nào". Khi phát hiện có hai tổ ong gần nhau, nếu thuận theo thế núi thì anh sẽ đu sợi dây từ vách núi bên này sang vách bên kia, giống như những anh chàng Tarzan tài ba.

Người dân địa phương hun khói để bắt ong và lấy mật.

Theo anh Thao, nghề bắt ong mật phải thật kiên nhẫn và khéo léo. Người thợ phải tìm đúng hướng gió để hun khói cho đàn ong bay ra. Lúc thổi khói phải ngụy trang bằng lá cây, đồng thời áp sát vào vách đá, tuyệt đối không được nhúc nhích. Chỉ cần để chúng bay đến đốt một nốt khiến mùi hôi trong cơ thể lan tỏa ra là bầy ong xúm lại ngay. Nếu chẳng may thợ ong bị đốt thì phải nằm im đợi cho chúng bay hết vào tổ mới lại thổi khói tiếp.

Thổi khói được một lúc thấy đàn ong phá tổ bay ra, lúc này thợ bắt ong sẽ phải quan sát xem liệu đàn ong có mấy chúa? Nếu ong thợ bay ra nhiều nhưng chúng không biết theo chúa nào thì chắc chắn đàn ong đó có rất nhiều chúa.

Anh Thao cao giọng nói: "Tôi phải để cho chúng đậu vào một chỗ ổn định mới dám bắt ong chúa. Đặc điểm của ong chúa thường có màu đen cánh ngắn, phần đuôi dài hơn ong thợ một chút. Nếu là thợ bắt ong non tay thì loay hoay cả ngày cũng không bắt được chúa ong". Động tác đâu tiên, anh Thao sẽ đưa ngón tay trỏ thọc vào giữa đàn ong, nếu cảm nhận được quân của ong chúa bám chặt như quả cau, thì chắc chắn bên trong sẽ có ong chúa.

Lúc còn bé vì chưa có kinh nghiệm nên anh Thao thường làm chết chúa ong. Bây giờ bắt nhiều thành quen nên hiếm khi anh phải để ong chúa chết, những đàn ong khỏe anh còn khéo léo san chúng thành nhiều đàn khác nhau.

Từ thợ săn ong trở thành người nuôi ong nức tiếng

Cứ vào mùa tháng 9 tháng 10 anh Thao lại phải nằm rừng ở rú cả tháng trời để tìm bắt ong mật. Theo anh, thời điểm này ong rừng bay nhiều nhất vì vừa qua mùa mưa nên chúng thường khủng hoảng về chỗ ở. Nếu tổ ong nào bị đọng nước, ẩm ướt thì chúng sẽ dời tổ để bay đến nơi ở mới sạch sẽ hơn như: hốc cây, hang núi, vách đá…

Riêng năm vừa qua, các thợ săn ong đến vùng núi của bản bắt được 200 đàn ong, trong đó anh Thao bắt được 40 đàn ong lớn nhỏ. Từ khi bắt ong rừng mang về bán, anh thấy nghề này không thể làm giàu lại nguy hiểm đến tính mạng. Mấy năm trở lại đây, anh Thao đã tìm mua sách kỹ thuật nuôi ong về nghiên cứu, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi ong chuyên nghiệp. Hiện nay anh Thao đang có khoảng 130 đàn ong rừng. Mỗi năm anh thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ tiền bán mật ong.

Vào thời điểm hoa rừng nở rộ cứ khoảng 2 ngày anh Thao lại lấy mật một lần, mỗi lần chừng 80 đến 100 chai mật ong nguyên chất. Một chai mật được anh bán ra thị trường có giá khoảng 150.000 đồng. Mật ong của anh Thao luôn được người dân ở trong vùng và khách hàng ở dưới miều xuôi khen ngợi.

Khu vườn ong rừng được anh Thao bắt ở vách đá về nuôi.

Mời chúng tôi uống chai rượu mật ong rừng, anh Thao nói: "Rượu này tôi ủ lâu rồi, đây là mật ong rừng nguyên chất, anh cứ uống vào vài chén, sáng mai thức dậy sẽ thấy người khỏe ra ngay". Quả đúng là rượu mật ong rừng chính hiệu. Vị ngọt của mật ong hòa quyện với mùi thơm của rượu nếp nương tạo thành một sản vật quý hiếm của núi rừng.

Vào những ngày nắng ấm anh Thao lại vệ sinh tổ ong, với anh nghề nuôi ong lúc nào cũng phải để mắt đến nó. Nếu thấy có dấu hiệu bệnh tật thì phải điều trị ngay, thường thì ong hay bị bệnh ấu trùng, hoặc bệnh tiêu chảy. Do là giống ong rừng lại nuôi cách ly nên tại thời điểm này đàn ong của anh chưa một lần bị bệnh tật.

Theo anh, đàn ong khỏe là ong thợ phải có màu vàng, màu này là do chúa ong tiết ra. Hoặc khi bắt được chúa ong thấy quân của nó bò luôn theo tay là ong khỏe. Nếu ong chúa bị bệnh thì khả năng tiết chất để ong thợ nhận biết được sẽ bị kém. Dấu hiệu của ong chúa bị ốm thường có màu đen, khoảng 3 ngày sau là nó tự chết, vì vậy cần phải thay thế chúa ong khác khỏe mạnh hơn.

Loài ong rất kỵ mùi hôi như: bột giặt, thuốc xịt muỗi, thuốc trừ sâu… Với lý do đó nên khu vườn của anh Thao là một môi trường thoáng, sạch sẽ đủ ánh sáng để cho ong dễ bay ra bay vào. Với anh, hiên nhà, cửa sổ cũng là nơi thoáng mát để đặt thùng ong.

Để tìm hiểu về nghề săn bắt ong rừng chúng tôi còn tìm đến gia đình anh Trương Văn Bông (Trưởng bản Cẩn Bộ). Anh cho biết: "Cả xóm có rất nhiều hộ nuôi ong nhưng chưa có ai bắt được ong và phát triển đàn ong lớn mạnh như anh Thao. Mặc dù nhà nghèo, nhưng anh luôn tìm tòi, học hỏi để phát triển kinh tế từ nghề nuôi ong".

Chia tay gia đình anh Thao khi ánh mặt trời đã khuất xuống núi, trong lòng tôi cứ thầm cảm phục về cách săn ong rừng độc độc của anh. Biết rằng đó là một nghề để mưu sinh, tuy nhiên để bắt được đàn ong quả thật là một nghề nguy hiểm, nó có thể đánh đổi tính mạng của người dân bất cứ lúc nào. Thiết nghĩ các cấp chính quyền ở địa phương nên có biện pháp hạn chế nạn bắt ong rừng như hiện nay

Minh Phượng

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文