Hòn đảo sử dụng tiền xu khổng lồ
- Vườn bí khổng lồ miễn phí hút khách tham quan
- Đẹp mê hồn bức tranh khổng lồ trên cánh đồng lúa ở Nhật Bản
- Phát hiện hóa thạch của sư tử khổng lồ
Yap, hay còn được dân địa phương gọi là Wa'ab, thuộc quần đảo Caroline ở Tây Thái Bình Dương. Đây là một bang của Liên bang Micronesia. Yap từng là trung tâm liên lạc Hải quân của Đức trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, bị Nhật Bản chiếm đóng vào tháng 9-1914.
Trong Thế chiến II, Yap là một trong những hòn đảo chống lại chiến dịch "nhảy cóc" của Mỹ. Đến năm 1986, Yap cùng với Chuuk, Pohnpei và Kosrae hợp thành một quốc gia độc lập là Liên bang Micronesia.
Thế nhưng đảo Yap không nổi tiếng về lịch sử của họ mà nổi tiếng về những đồng tiền kỳ lạ của người dân nơi đây. Những đồng tiền bằng đá vừa to vừa nặng gây tò mò cho tất cả những ai khi tìm hiểu về Yap.
Những đồng tiền bằng đá của người Yap là sự kết hợp giá trị của đá Rai và đá vôi, có hình dáng như một chiếc bánh donut. Ban đầu họ chạm khắc đá vôi lên đá Rai với mục đích trang trí cho những phiến đá Rai. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển hơn, họ nhận thấy cần phải có một hệ thống tiền tệ thống nhất để mua bán, trao đổi hàng hóa. Từ đó, những viên đá Rai - thứ đồ quý giá nhất đối với người dân trên đảo đã được sử dụng làm đồng tiền của họ.
Trên đảo Yap không có đá vôi, vì vậy người dân ở đây phải vượt qua hành trình rất khó khăn để có được loại đá Rai mới. Chính vì thế, giá trị của một hòn đá Rai được quyết định dựa vào lịch sử của nó hơn là kích thước.
Không phải cứ hòn đá càng lớn thì giá trị đồng tiền lớn, hòn đá nhỏ thì giá trị đồng tiền nhỏ, mà ngược lại giá trị đồng tiền nằm ở sự hy sinh của những người làm ra nó và ở chính người đang sở hữu nó.
Người dân đảo Yap cho rằng, càng nhiều người chết trong quá trình vận chuyển thì hòn đá Rai đó càng đắt giá. Ngoài ra, nếu đồng tiền được sở hữu bởi một chiến binh nổi tiếng hay các trưởng làng thì nó cũng có giá trị cao hơn.
Theo truyền thống, người Yap lưu truyền đá Rai từ đời này qua đời khác. Mọi thành viên trong bộ tộc đều biết rõ chủ nhân thực sự của viên đá là ai nên dù nó ở đâu thì điều đó cũng không quan trọng. Quan niệm này xuất phát từ thực tế: những đồng tiền đá lớn nhất cần hàng chục người đàn ông vận chuyển.
Người ta kể rằng, xưa kia có một lần người Yap vận chuyển một viên đá Rai bằng thuyền. Viên đá quá lớn và nặng khiến thuyền bị chìm và viên đá rơi xuống đáy sông. Tuy nhiên, người dân vẫn coi hòn đá đang tồn tại và tiếp tục giao dịch như thể nó vẫn là sở hữu của họ.
Ngày nay, đồng tiền đá của người Yap đã không được dùng để giao dịch hàng ngày, thay vào đó họ sử dụng đồng đô la Mỹ làm tiền tệ của mình. Tuy nhiên, đối với những sự kiện truyền thống quan trọng như cưới hỏi, làm của hồi môn cho con gái... thì đá Rai vẫn được sử dụng.
Du khách lần đầu tới đảo Yap không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp những đồng tiền xu khổng lồ. Chúng nằm rải rác trên khắp hòn đảo, trong bảo tàng, bên ngoài các khách sạn hoặc trong rừng sâu... Có những đồng tiền trọng lượng còn nặng hơn cả một chiếc xe ô tô. Theo thống kê, có khoảng 13.000 đồng tiền xu cổ đủ mọi kích thước (từ 30 đến 3,5m) còn tồn tại trên đảo.