Thăm lại người Rục giữa năm 2013:

Nơi những phụ nữ ngoài 30 đã 4 đời chồng

16:09 25/06/2013

Tộc người sống trong hang sâu được một tiểu đội biên phòng tỉnh Quảng Bình phát hiện trong vùng hang động Phong Nha - Kẻ Bàng vào năm 1959 chỉ với 11 hộ gia đình gồm 34 người đến nay vẫn là chuyện bí ẩn. Một thời nhắc đến họ là nhắc đến những lối sống hoang dã ăn long ở lỗ, từ chuyện sinh đẻ, ăn uống, quan niệm, ma chay, cưới hỏi…đều gắn liền với vô số điều lạ đến ngỡ ngàng...

Một gia đình người Rục

Vào  ngày 12/8/1959, trong một lần đi tuần tra trên dãy núi Trường Sơn, các chiến sỹ đồn biên phòng Cà Xèng - Óc Xách phát hiện một nhóm người rừng với mái tóc dài ngang lưng, không mặc quần áo, chỉ dùng những miếng vỏ cây che những chỗ kín, họ thoắt ẩn, thoắt hiện trên những triền đá.

Để tìm hiểu rõ về nhóm người rừng kỳ lạ kia, tháng 3/1960, nhận chỉ thị của Đại úy Trần Kim Giá (Trưởng đồn biên phòng Cà Xèng - Óc Xách), một tiểu đội do Thượng sỹ Lê Bá Cương chỉ huy cùng một cán bộ phụ trách công tác dân tộc tỉnh Quảng Bình và một già làng người Sách (một nhánh của dân tộc Mã Liềng) tên Cao Nhện lập tức lên đường.

Sau hơn hai tháng lặn lội nơi đèo cao vực thẳm khắp vùng Trường Sơn tiếp giáp với nước Lào, lực lượng biên phòng mới tìm được cửa hang nơi nhóm người rừng sinh sống. Phát hiện có người lạ, nhóm người này lập tức chui vào những kẽ đá trong hang trốn biệt, phải mất nhiều giờ thông qua sự giúp đỡ của vị già làng người Sách, họ mới đồng ý bước ra khỏi các kẽ đá.

Những ngày đầu, việc tiếp cận nhóm người rừng hết sức khó khăn bởi do chưa hiểu phong tục tập quán và tiếng nói của nhau nên cứ mỗi lần bộ đội tiếp cận trò chuyện là người rừng lại tỏ ra e ngại né tránh. Phải mất gần hai tháng ăn ở cùng nhau, bộ đội và nhóm người rừng mới thật sự trở thành những người bạn.

Ông Cao Nhịn, 80 tuổi, già làng Mò O Ồ Ồ, tuy đã ở cái tuổi xưa nay hiếm vẫn còn nhớ, kể lại: người Rục xưa kia sống bản năng, đàn ông đi săn bắt thú rừng mang về nướng ăn, những ngày mưa gió hoặc mùa đông giá rét thì họ chặt cây đoác (một loại cây giống như lau sậy nhưng trong ruột có bột) nhai cho qua bữa rồi uống nước từ khe đá núi chảy ra. Tối về, để tránh bị cọp beo tấn công, họ tập trung thành đám đông trong hang đá ngủ qua đêm.

Người phụ nữ không phải đi săn bắt hái lượm mà chỉ ở nhà để đẻ và nuôi con nhưng cũng có người đẻ đến hàng chục lần mà không nuôi được đứa nào vì bị sốt rét hoặc rắn độc cắn mà chết. Dụng cụ lao động chỉ là những chiếc ná bắn tên, những ngọn lao và bẫy thú tự chế.

Với lối sống đậm chất hoang dã nên người Rục không có bất cứ lễ hội hay luật lệ gì cho riêng mình, họ chỉ tập trung góp rượu cùng uống và nhảy múa khi săn bắt được nhiều thú rừng hoặc có khi là rượu phạt những ai cố ý tách tốp đi săn một mình nhưng "nặng" lắm thì cũng chỉ chừng chục ống nứa rượu đoác và một con heo rừng.

Những cái chết vì… khỉ tay trắng

Chuyện sinh đẻ của phụ nữ người Rục gắn liền với lắm hủ tục có một không hai. Đến kỳ sinh nở, xung quanh người phụ nữ có rất nhiều ma như ma rừng, ma thiên, ma Rục (ma nước) luôn đeo bám theo đòi bắt những đứa trẻ.

Nếu thai phụ đẻ con trong hang của cộng đồng thì đám ác ma sẽ ám tất cả mọi người, làn họ không thể đi săn được nữa nên mỗi khi chuẩn bị trở dạ, người phụ nữ phải tự tìm cho mình hang đá cách xa nơi trú ngụ rồi tự vượt cạn, tự lấy răng cắn cuống rốn cho con và lấy lá rừng trải lên tảng đá cho đứa bé nằm.

Để trục xuất đám ác ma rời xa mình cùng đứa trẻ, sau khi sinh đẻ, người phụ nữ còn phải tự mình bắt năm con khỉ tay trắng ăn thịt xong mới được mang con về hang chung của cộng đồng. Những cái chết thê lương cho cả mẹ lẫn con cũng bắt nguồn từ đó bởi lẽ sản phụ sau khi sinh thường mất sức rất nhiều nên việc nuôi con và tự chăm sóc mình đã khó, sức đâu mà băng rừng, leo cây bắt khỉ tay trắng.

Mà không bắt được khỉ tay trắng thì không được về hang, là phải sống nơi hang sâu với cảnh rừng thiêng nước độc, mầm bệnh sốt rét luôn chực chờ thâm nhập cơ thể con người. Điều này khiến hầu hết trẻ sơ sinh đều chết trước khi rời khỏi hang, thậm chí có rất nhiều phụ nữ vì bệnh mà phải bỏ mạng cùng con trong hang sâu.

Ăn uống kỳ lạ

Hơn 50 năm trước, mấy chục người Rục sống nay đây mai đó trong các hang đá. Họ ăn lá cây, củ rừng và muông thú săn bắt được. Họ đã tìm ra nhiều loại cây kỳ lạ hữu ích. Lạ lẫm nhất là cây cỏ máu, thuộc loài dây leo, thân to như bắp chân người lớn và cứng như gỗ, thường dùng nấu nước cho phụ nữ uống khi sinh đẻ.

Người Rục cho rằng có thể thay thế được máu người nên phụ nữ khi sinh đẻ bị mất máu nhiều hoặc những ai bị thương khi đi rừng cần uống nước cỏ máu để bù lại. Có lẽ tên của loại cỏ này cũng từ đó mà có.

Thực phẩm chính của người Rục là bột toóc. Để có được thứ bột này, người Rục chặt những cây nhúc trong rừng đem về hang, dùng đá đập nát thành bột sền sệt, đem bột nhúc chét lên những phiến đá phơi nắng cho đến khi bột dẻo lại là có thể ăn ngon lành. Một loại thức uống lên men mà ngay từ thuở bé người Rục đã làm quen đó là rượu đoác.

Sống giữa rừng già thâm u, thấy những bầy khỉ thường bẻ cây đoác (một loại cây giống như cây lau sậy, thân cây rỗng có chứa nước và bột) để ba bốn ngày cho lên men rồi uống, họ cũng làm theo và lấy đó làm thứ thực phẩm (giống rượu) để uống mừng sau mỗi chuyến đi săn bắt nhiều thú rừng hoặc trong dịp phạt những người vi phạm luật tục.

Và mỗi lần như vậy, dù nam hay nữ, dẫu là người già hay trẻ con, mỗi người có thể uống hết một lượng khoảng vài lít rồi nắm tay nhau nhảy múa thâu đêm suốt sáng quanh đống lửa.

Đầu tháng 9/2011, các nhà khoa học công bố thông tin tìm thấy loài chuột đá, tên khoa học là: Laonastes aenigmamus đã bị tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm nhưng lại xuất hiện ở vùng núi Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Thông tin trên gây chấn động giới khoa học, nhưng với người Rục thì việc đó chẳng có gì là ghê gớm, loài chuột này họ vẫn hàng ngày bẫy về làm thức ăn.

Chối bỏ văn minh

Sau giải phóng 1975, khi tiếng súng, tiếng bom bặt câm thì người Rục mới chịu rời hang và lúc này họ có 109 người. Được bộ đội biên phòng dựng cho những căn nhà tường thưng bằng gỗ, mái lợp lá cọ nhưng bà con chỉ biết ở mà không biết sửa chữa, nhà xuống cấp và hư hỏng không ở được nữa, họ lại lục tục kéo nhau vào hang đá săn bắt hái lượm.

Vậy là một lần nữa bộ đội biên phòng lại phải vào hang thuyết phục mọi người trở về bản. Họ sẵn sàng xé nhỏ những chiếc màn còn mới làm vợt bắt cá, còn những tấm chăn cùng quần áo chỉ là thứ để quấn xác người chết đem ra rừng chôn. Đến năm 1989 khi một trận đại dịch xảy ra cướp đi sinh mạng của 25 người thì tộc Rục thực sự cận kề với sự diệt vong.

Trước tình hình nguy cấp này, tỉnh Quảng Bình đã cho thành lập bản Mò O Ồ Ồ, xây dựng trường học, trạm xá, cung cấp lương thực, chăn màn, quần áo, thuốc men rồi cử các thày cô giáo, y bác sỹ và một tiểu đội của đồn biên phòng 585 vào đóng chốt tại chỗ với nhiệm vụ cùng ăn, cùng ở, cùng làm để chỉ dạy cho bà con biết cái chữ, trồng cái cây, nuôi con gà, biết đến trạm xá lấy thuốc uống mỗi khi đau bệnh, những chiếc tivi có gắn kết nối sóng bằng chảo parabol được trang bị tại các ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng để hàng đêm bà con được xem và tiếp cận với lối sống văn hóa hiện đại của các dân tộc khác trên cả nước. Nói chung, bộ đội làm gì, họ làm theo cái nấy nhưng chỉ sau vài ngày họ quên ngay.

Năm 1989, để tạo kế sinh nhai cho bà con, tỉnh Quảng Bình phối hợp với huyện Minh Hóa thực hiện chương trình tặng bò giống cho từng nhà, đồng thời cử nhiều cán bộ của sở nông nghiệp tỉnh vào bản hướng dẫn bà con cách chăm sóc  nhưng khi cán bộ hướng dẫn ra về thì họ đem bò ra chợ đổi lấy rượu uống.

Có chàng thanh niên vì muốn tạo sự chú ý của một cô gái, đã đổi bò lấy một chiếc xe đạp Cửu Long, nhưng khi mang về bản do đường sá toàn dốc đá lởm chởm nên chỉ đạp được vài ngày xe đã hỏng, đến khi cán bộ vào kiểm tra công tác chăn nuôi thì thấy bò đã mất, chiếc xe đạp đã được anh này mang treo trong bếp làm giàn treo ngô.

Mỗi tháng Nhà nước chu cấp 15kg gạo cho một người thì họ đòi nhận cả năm rồi mang ra chợ đổi lấy những chiếc vòng đeo cổ, bông tai sặc sỡ…và rượu. Chỉ trong vài ba tháng, lượng gạo và nhu yếu phẩm dùng trong một năm đã được họ sử dụng hết và vợ chồng con cái lại lục tục dắt díu nhau trở về hang tiếp tục săn bắt, hái lượm.

Năm 2002, Nhà nước tiếp tục đầu tư 32 tỷ đồng tập trung phát triển cuộc sống của người Rục. Đến nay con đường vào bản đã được trải thảm bê tông cốt thép, không còn hang đá hay những túp lều tranh mái lá mà thay vào đó là những căn nhà mái ngói đỏ tươi. Các trường đã thu hút được hơn 100 học sinh theo học, đặc biệt có nhiều em còn theo học các lớp phổ thông trung học tại trường dân tộc nội trú ngoài thị trấn huyện, có em đã tốt nghiệp đại học trở về làm phó chủ tịch xã.

Thiếu tá Trương Thanh Lưu, cán bộ đồn biên phòng 585 có thâm niên hơn 10 năm cắm tại bản cho biết: Ngày nay, người Rục đã thực sự hồi sinh với 216 hộ gia đình và hơn 800 nhân khẩu phân bố tại các bản Ón, Mò O Ồ Ồ và Yên Hợp. Nhưng hôn nhân gia đình vẫn đang là vấn đề, nóng bởi thanh niên nam nữ thường lấy nhau trong khoảng từ 16 đến 18 tuổi, không đăng ký kết hôn.

Cũng chính vì thế, nhiều người mới hơn 30 tuổi đã ba, bốn lần lấy chồng, lấy vợ và việc một người có nhiều dòng con là bình thường. Điều này có thể dẫn tới những hệ lụy về sau, vì người Rục chỉ kết hôn với nhau và việc cùng huyết thống có thể xảy ra

Đức Cương

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hết quý I/2024, thị trường bất động sản đã có thêm những tín hiệu tích cực khi sự quan tâm của người dân dành cho nhà ở đã tăng lên so với giai đoạn quý IV/2023. Theo đại diện Bộ Xây dựng, nguồn cung cũng đã tăng khi số lượng dự án hoàn thành và được cấp phép tăng lên. Tuy nhiên, nhận định về thị trường bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, dù đã có những chuyển động tích cực nhưng cơ bản thị trường vẫn chưa hết khó khăn. Những bất cập, vướng mắc dù đã được nhận diện nhưng vẫn cần thời gian để tháo gỡ.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文