Quà cưới đặc biệt của người H'rê

15:21 21/04/2016
Nếu với nhiều dân tộc, quan tài là điềm báo không lành, chết chóc xui xẻo thì với người dân tộc H'rê ở Ba Tơ, Quảng Ngãi đó lại là một món quà ý nghĩa, biểu tượng cho sự may mắn, hạnh phúc bền vững. Chính vì thế mà trong lễ cưới của người H'rê, quan tài trở thành một "sính lễ" đặc biệt không thể thiếu để bày tỏ sự yêu thương, quý trọng, mà người tặng dành cho cô dâu chú rể.

Con đường vào xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi khúc khuỷu, quanh co, dốc lên dốc xuống. Ðể vào ðýợc bản Gò Re, bản xa nhất của xã, chúng tôi phải vượt qua 15km đường rừng núi đầy đất, đá hộc và những con suối tràn. Xã Ba Xa cũng là xã khó khăn nhất của huyện Ba Tơ, tập trung nhiều đồng bào dân tộc H'rê cư trú. Người dân chủ yếu sống bằng nghề đi rừng, trồng nương rẫy. Vì sống gần như tách biệt với bên ngoài nên khi nhìn cánh phóng viên chúng tôi phóng xe máy vào tận bản, người lớn, trẻ con ai cũng tròn xoe mắt ngạc nhiên.

Có lẽ vì sống xa trung tâm, điều kiện kinh tế chưa phát triển nên người H'rê vẫn còn giữ được những nét đẹp, những phong tục tập quán hiếm thấy của dân tộc mình. Những căn nhà sàn được làm bằng gỗ rừng vững chãi, chắc chắn, đậm chất người H'rê. Những đứa trẻ ngây thơ, ngơ ngác, trần truồng bốc ăn một cách thèm khát. Nước sinh hoạt vẫn là nước suối bắc bằng những ống nhựa chảy xuống ngay một cái ao nhỏ trước nhà để ăn uống, tắm giặt.

Được các anh Công an xã Ba Xa giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà của già làng Phạm Văn Niếc, người nắm rõ nhất những phong tục tập quán cũng như những câu chuyện liên quan đến đời sống của người H'rê. Nhà của già làng Phạm Văn Niếc ở cuối bản. Già có hai người con nhưng đều ở riêng hết, bởi phong tục của người H'rê là con cái không ở chung cùng cha mẹ. Trong ngôi nhà sàn rộng lớn chỉ còn mình già chăm sóc cho bà vợ đã già yếu và bị gãy một chân, không thể đi lại được. Giờ tuổi cao không đi nương rẫy được nhiều, già ở nhà lợn gà, trồng rau nuôi vợ.

Những ngôi nhà sàn đậm chất người H'rê.

Nói về phong tục tặng quan tài ngày cưới có một không hai, già làng Phạm Văn Niếc cười hiền hậu: "Đây là phong tục lâu đời của người H'rê. Người H'rê xem cỗ quan tài là một vật giá trị, là phương tiện đưa người chết về với Giàng và là ngôi nhà cho họ sinh sống khi đến nơi ở mới nên đặc biệt được lựa chọn kỹ càng và đẽo, gọt công phu". Gỗ làm quan tài phải được lựa chọn từ những cây gỗ lớn, thân tròn, có đường kính từ 0,5m trở lên. Quan tài của người H'rê không lớn như người Kinh mà được cắt gọt theo đúng hình thân cây, chiều dài vừa đủ cho một người nằm. Nắp đậy gọi là quan tài bố và phần dưới gọi là quan tài mẹ.

Quan tài sau khi hoàn thành sẽ có hình trụ tròn và không được chạm khắc hoa văn bởi nếu khắc hoa văn thì người chết sang thế giới bên kia sẽ không hòa nhập được với cuộc sống mới, sẽ sống khó khăn, thiếu ăn thiếu mặc.

Già làng Phạm Văn Niếc cho biết thêm, việc làm quan tài diễn ra từ rất sớm và do chính người con trai trưởng trong gia đình đến tuổi trưởng thành đảm nhiệm. Theo phong tục của người H're, khi người con trai lớn đủ 18 tuổi thì sẽ được cha dẫn lên rừng chọn cây gỗ cao to để làm quan tài. Cây gỗ sau khi đem về nhà muốn được gọt, đẽo làm quan tài thì gia đình phải làm lễ cúng xin phép thần rừng. Sau đó một ngày, người con trai sẽ bắt tay vào thực hiện.    

Trong suốt thời gian đó, người này gần như "bế quan toả cảng", sẽ không được ra khỏi nhà, không được làm nương làm rẫy mà chỉ tập trung làm quan tài. Quan tài sau khi hoàn thành sẽ đặt dưới gầm nhà sàn. Khi cỗ quan tài chuẩn bị sẵn được sử dụng thì một năm sau người con trai thứ phải lên rừng đốn gỗ về làm cái mới. Nếu gia đình nào không có con trai, thì lúc còn khỏe mạnh người cha phải chuẩn bị trước quan tài cho tất cả các thành viên trong gia đình. Thông thường phải mất ít nhất một tháng mới hoàn thành xong được cỗ quan tài. Chính vì sự cầu kỳ, phức tạp và mất nhiều thời gian mà cỗ quan tài càng trở nên ý nghĩa và có giá trị.

Việc biếu tặng quan tài của người H'rê được xem là một phong tục đẹp, thể hiện tấm lòng thành kính giữa người cho và người nhận. Người được nhận quà sẽ tránh được những rủi ro trong cuộc sống, gặp nhiều điều tốt đẹp, may mắn hơn. Bất cứ dịp vui nào người H'rê cũng mang quan tài ra để tặng nhau. Khi bố mẹ bước sang tuổi 40, các con trai trong gia đình sẽ cùng nhau làm hai cỗ quan tài để bày tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn với công lao sinh thành dưỡng dục, là lời chúc thọ cho bố mẹ sống lâu trăm tuổi. 

Người H'rê cho rằng, nếu con cái tự tay làm quan tài biếu ba mẹ thì một phần sức khỏe, sức lực của con cái được truyền sang cho bậc sinh thành, giúp họ khỏe mạnh và sống thọ hơn. Và gia đình nào có con cái làm được việc ấy, chứng tỏ gia đình đó hạnh phúc, con cái đoàn kết yêu thương nhau.

Quan tài còn là vật để người H'rê thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Nếu trong làng có một người ốm đau, bệnh tật thì già làng sẽ chọn ra bảy người đàn ông khỏe mạnh nhất lên rừng đốn gỗ để làm quan tài tặng cho người bị ốm. Họ cho rằng, nếu người khỏe mạnh tặng quà cho người đau ốm thì người đó sẽ được truyền sức khỏe để thoát khỏi bệnh tật. 

Con đường vào bản của người H'rê quanh co khúc khuỷu.

Người có của ăn, của để trong làng sẽ có trách nhiệm biếu quan tài cho người nghèo khó để truyền may mắn giúp họ thoát nghèo. Nếu ai không may mắn mà chết trong nghèo khó thì thường sẽ được một người tốt bụng trong làng mang tặng cỗ quan tài để tiễn đưa họ về với Giàng.

Bạn bè thân thiết tặng nhau cỗ quan tài để thể hiện tình cảm. Năm mới người H'rê cũng tặng quà này cho nhau để cầu chúc cho gia đình một năm làm ăn phát đạt và dồi dào sức khỏe. Đặc biệt trong lễ cưới, hai bên sui gia thường tặng quan tài qua lại cho nhau để thể hiện sự thân thiết và bắt đầu cho một mối quan hệ dài lâu.

Theo quan niệm của người H'rê, việc tổ chức đám cưới giữa nhà trai và nhà gái diễn ra giống nhau để tạo sự công bằng giữa hai gia đình. Sau khi cưới, đôi vợ chồng trẻ thay nhau tháng ở nhà vợ, tháng ở nhà chồng, đến khi có con thì tách hẳn bố mẹ ra ở riêng. Tuy nhiên, điều đặc biệt, trong lễ cưới, mỗi chàng trai H'rê bắt buộc phải có một cỗ quan tài tặng cho gia đình nhà gái. Gia đình cô dâu nhận cỗ quan tài thì coi như đã nhận sính lễ cưới.

Nếu gia đình nhà trai quá khó khăn, không kịp đóng quan tài cho ngày cưới thì sau đám cưới họ sẽ phải dành dụm tiền bạc để gửi trả "sính lễ" sớm nhất có thể. Người H'rê tin rằng, cỗ quan tài là thứ tượng trưng cho sự may mắn, điều tốt lành, vì thế, việc chuyển giao này sẽ giúp cô dâu, chú rể có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc đến cuối đời nên bằng mọi cách họ sẽ phải làm bằng được cỗ quan tài để tặng nhau trong ngày cưới. 

"Giờ ít người đi rừng đốn cây làm quan tài rồi vì gỗ lớn không còn, người dân bản cũng có ý thức bảo vệ rừng ghê lắm nên cũng ít người tặng nhau quan tài rồi. Nhưng thi thoảng trồng được cây gỗ lớn là người dân bản vẫn đẽo, gọt quan tài tặng nhau đấy", già làng Phạm Văn Niếc cười ngất. Với người H'rê, tặng quan tài trong ngày cưới vẫn là một phong tục đặc biệt, có một không hai mà họ vẫn lưu giữ được đến ngày hôm nay.

Minh quân

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Bước vào nghề với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người phụ nữ ngành Điện đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, kể cả những công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới.

Giả danh cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy. Mới đây, Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 15 tỷ đồng.

Ngày 7/5, Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ để điều tra, làm rõ nguyên nhân một nam công nhân tử vong trong lúc làm việc tại xưởng sản xuất…

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文