Quán cà phê đầu tiên dành cho người đồng tính tại Sài thành

13:00 14/07/2015
Mới mở hơn nửa năm, quán cafe "No Stress" không chỉ tạo động lực cho cộng đồng người đồng tính, mà còn góp phần cải thiện cái nhìn của xã hội dành cho những người trong giới.
"No Stress" cafe là đứa con tinh thần của Phạm Đắc Huỳnh Anh, sinh năm 1986, một người thuộc cộng đồng LGBT (viết tắt của "Lesbian, Gay, Bisexual, and Transgender", tức đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới). Huỳnh Anh nói, anh cảm thấy thoải mái khi được gọi bằng tên thân mật - Danny, kể từ khi chính thức công khai giới tính cách đây 6 năm. Từ những trải nghiệm của bản thân, Danny "thai nghén" dự định về một không gian, nơi mà những người thuộc giới LGBT có thể thoải mái thể hiện tình cảm với nhau mà không vướng cái nhìn soi mói của mọi người.

Với người đồng tính, rào cản lớn nhất ngăn cản họ sống thật là cách họ bị nhìn nhận khi bước ra xã hội. "Vì là người đồng tính, người ta từng có ý định đuổi việc tôi", Danny chua chát.

Danny nhớ lại, năm 2002 khi đang làm phiên dịch tiếng Hàn cho một công ty nước ngoài, anh tình cờ gặp lại người bạn gái cũ khi còn học chung ở quê nhà. Tình cảm sau bao nhiêu năm gặp lại được dịp nảy nở, cũng chính là lúc cặp đôi bị cô lập bởi những xì xào, ánh mắt không thiện cảm trong công sở, để rồi đỉnh điểm là việc cấp trên đã gọi cả hai lên ngỏ ý cho thôi việc.

Danny đầy tự hào đứng trong "đứa con tinh thần" của mình.

Anh quả quyết, năng lực mới phải quyết định việc họ được làm việc hay không, chứ không phải là giới tính. Sự cương quyết của Danny khi đó đã làm vị cấp trên sững sờ, bỏ ý định vô lý, và cũng từ đó anh quyết định không giấu giếm nữa về giới tính của bản thân với cả công ty và gia đình.

May mắn được gia đình ủng hộ, tuy nhiên, với Danny, "không phải người đồng tính nào cũng được thông cảm khi định kiến xã hội còn quá lớn". Danny nhớ lại: "Tôi thường có thói quen chỉ đeo tai nghe mà không mở nhạc khi đi cafe, và ngồi một mình. Vì thói quen đó mà trong một lần tình cờ, tôi nghe được những lời không hay của một số nhân viên quán cafe với một đôi đồng tính nam trong quán, đòi đuổi đi chỉ vì họ thấy chướng mắt với "hai cái đứa pê-đê đó".

Thật bất công khi nếu xảy ra với một đôi dị tính bình thường, phản ứng của mọi người sẽ là không có gì cả, dù ai vào quán cũng đều phải trả tiền sòng phẳng như nhau". Tuy đã phản ứng gay gắt với các nhân viên đó nhưng đáp lại Danny chỉ là thái độ cầm chừng. Khi ấy, trong đầu Danny loé lên ý tưởng mở một quán cafe, nơi mà LGBT hay người dị tính đều được đối xử công bằng.

"Nói là làm", Danny quả quyết. Gom 900 triệu đồng từ tiền dành dụm trong suốt 10 năm đi làm cùng hơn 150 triệu đồng cha mẹ cho, quán cafe "No Stress" đã ra đời vào đúng ngày 12/12/2014. Thú nhận phải tự lo tất cả mọi việc, cộng với chút máu kinh doanh khi Danny vốn xuất thân là dân kinh tế, anh và bạn gái đã tự thiết kế quán, tự lên mạng đăng tin tìm người phục vụ và quản lý rồi cùng nhau coi sóc.

Không gian bên trong "No Stress" cafe ngập tràn màu lục sắc - màu biểu tượng cho giới LGBT.

Một trong những mục tiêu ban đầu khi manh nha ý định lập quán là Danny đã đăng tuyển nhân viên ưu tiên cho người thuộc giới LGBT. "Người thuộc giới tính thứ ba khi đi làm rất khó xin việc. Nếu được thì có chăng là những việc lao động chân tay, lương thấp, không ổn định. Với những bạn đồng tính nam thì có phần dễ dàng hơn khi không phải thay đổi nhiều về ngoại hình, còn với các bạn đồng tính nữ thì thường không đáp ứng được các tiêu chí trang phục, diện mạo, cách đi đứng, cũng như đôi khi bị phân biệt đối xử khắt khe hơn so với đồng tính nam", Danny nói.

"Chính vì vậy, một số bạn đồng tính nữ khi đi làm, không đáp ứng được quy định đồng phục dành cho nữ giới nên phải chịu mức lương thấp hơn".

"No Stress" âm thầm mở cửa trong một khu đông đúc điểm giải trí dành cho giới trẻ ngay trung tâm quận 1. "Khách hàng của quán thời gian đầu là những bạn bè trong giới. Với những vị khách vãng lai, ban đầu bước vào họ cũng có chút bỡ ngỡ khi thấy "có chút gì đó khác biệt" ở những bạn nhân viên. Đến khi hiểu ra thì họ ồ lên thích thú và vô tư trở lại ủng hộ, bất kể họ là ai", Danny cười mãn nguyện.

Danny thành thật, "như những kẻ kinh doanh non trẻ khác, thời gian đầu tụi mình chịu lỗ vốn. Trong 3-4 tháng đầu phải lấy tiền túi bù lỗ, trả lương nhân viên do quán chưa có nhiều người biết đến. Đến nay sau hơn 6 tháng vận hành, quán mới đi vào nền nếp, giảm bớt khó khăn".

Để "nuôi sống" quán, anh chàng với sức làm việc vô cùng đáng nể Danny hằng ngày chạy như con thoi giữa "No Stress", theo dõi, giám sát việc kinh doanh, nhắc nhở nhân viên, thoắt cái lại thấy anh vọt lên xe chạy đến điểm làm khác ở tận quận 7.

Ngoài "No Stress", Danny hiện đi làm thêm ở một vài công ty khác với công việc chính là làm công tác nhân sự và thông dịch tiếng Hàn. Tổng thu nhập trung bình mỗi tháng ở mức 18-25 triệu, anh cho biết cảm thấy khá ổn trong việc duy trì quán.

"No Stress" ban đầu đi vào hoạt động với 16 nhân viên, hầu hết là người đồng tính nữ.

Người đồng tính đa phần có thiên khiếu trong những công việc mang tính nghệ thuật, sáng tạo, đòi hỏi sự nhạy cảm, nếu được đặt trong hoàn cảnh làm việc cởi mở sẽ giúp phát huy thế mạnh của họ. Hiểu được trăn trở đó, Danny đã tạo điều kiện cho hầu hết những bạn trẻ của mình làm công việc họ yêu thích, không kể phân hoá công việc xưa nay vốn dành cho nam hay nữ. Họ có thể lao động trong tâm thế thoải mái dưới một tập thể cùng cảnh ngộ và hiểu nhau. Đồng thời, số lương mà Danny quy định cho từng khâu là cùng mức so với mặt bằng chung các quán cafe khác để nhân viên cảm thấy họ được đối xử công bằng.

"Người đồng tính không được tự do thể hiện tình cảm ở nơi cộng cộng như người dị tính, thậm chí cả một cái nắm tay".

Nguyễn Thanh Vân (21 tuổi), nhân viên tại quán cho biết bạn đã quen dần với việc được gọi bằng tên thật. Ở "No Stress", bạn cảm thấy thoái mái hơn với biệt danh "Kid Nguyễn" và chia sẻ "mọi người đều gọi nhau bằng biệt danh vì đã quá hiểu nhau". "Công khai giới tính từ những năm cấp 2, không còn mặc cảm khi bước ra ngoài đời, trái lại, mình cảm thấy hài lòng khi được tạo công ăn việc làm ổn định phụ giúp gia đình. Mình đã chứng tỏ cho cha mẹ thấy, dù mang giới tính nào thì mình cũng làm việc lương thiện và kiếm được đồng tiền với sức như các bạn nam làm được", Kid nói.

Với Bi (25 tuổi) thì lại khác. Bi tâm sự: "Lương mình làm theo ca chỉ tầm 1,8 triệu một tháng, tạm gọi là đủ. Ngoài làm nhân viên phục vụ ở đây mình còn làm ở một số nơi nữa. Tuy nhiên, mình cảm thấy dễ thở hơn nơi khác khi được tiếp xúc với nhiều bạn cùng giới, gặp được nhiều đối tượng khách để an ủi phần nào khi thiện cảm của họ dành cho giới LGBT được cải thiện nhiều".

Chỉ vào một cặp đôi đồng tính đang bên nhau trong quán, Bi nói, ở đây, họ dám bày tỏ tình cảm như bao đôi yêu nhau khác một cách tự nhiên hơn so với ở nơi khác, một cái nắm tay cũng phải e dè. Theo Bi, một số nhân viên công ty xung quanh khu vực quán cũng thường xuyên chọn quán làm nơi gặp gỡ khách hàng. "Khách là người đồng tính của bọn mình chiếm khoảng 70%. Có những bạn thấy quảng cáo đã lặn lội tận Biên Hòa, Bình Dương xuống. Và càng ngày càng có nhiều bạn dị tính bày tỏ họ muốn đến quán chỉ đơn giản vì họ ủng hộ bình đẳng giới".

Không chỉ tạo việc làm cho các bạn trong giới LGBT, "No Stress" còn là nơi "ẩn mình" của một số bạn chưa công khai được giới tính. Danny nói, "việc tìm được nghề nghiệp ổn định, có thu nhập giúp các bạn này tạo lòng tin dần với phụ huynh để dễ dàng công khai giới tính hơn".

Hoạt động ổn định được nửa năm,"No Stress" vừa được ông chủ Danny đăng ký độc quyền thương hiệu và có thể nói là quán cafe đầu tiên "của LGBT và dành cho LGBT".

Khi "No Stress" hãy còn mới non trẻ, chính Danny cũng không ngờ rằng có ngày, "đứa con" của mình không chỉ đơn thuần là một nơi giải trí mà đó còn là nơi khởi đầu những dự án cộng đồng đã phần nào giải quyết được nhu cầu của một bộ phận người trong xã hội. "No Stress Job Team", dự án hỗ trợ tìm việc làm cho người đồng tính được Danny cùng 9 người bạn của mình thành lập, trong đó có cả người đồng tính và dị tính ủng hộ tình yêu đồng giới.

Chức năng chính của nhóm là làm cầu nối tìm, giới thiệu việc làm cũng như định hướng cho các bạn trong giới LGBT. Đến nay, nhóm đã hỗ trợ tìm việc thành công cho hơn 60 trường hợp dù mới chỉ thành lập hơn một tháng rưỡi. Ngoài hỗ trợ việc làm, dự án do Danny khởi xướng còn tạo cầu nối cho các hội nhóm LGBT có nơi họp mặt định kỳ, diễn kịch và giao lưu.

"Trong một năm tới, khi đủ vốn, mình sẽ mở tiếp chi nhánh của "No Stress" trong địa bàn Sài Gòn và mở rộng thêm ở tỉnh theo mong muốn của bản thân cũng như các bạn LGBT nơi đó", Danny bày tỏ.

Từ "No Stress", giới LGBT đã chứng tỏ, họ không còn độc bước trong hành trình dài đi đến đích cuối xoá bỏ cái nhìn một chiều của định kiến xã hội.

Huỳnh Duyên

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文