Báo động giới trẻ Trung Quốc và "văn hóa" cần sa

14:12 03/09/2020
Bất chấp sự quản lý và truy quét gắt gao của lực lượng an ninh, phong trào hút cẩn sa đã lan truyền khá mạnh trong giới trẻ Trung Quốc và trở thành thứ "văn hóa ngầm" rất tệ hại.


Từ sau vụ việc 39 người Việt bị chết trong container khi nhập cư bất hợp pháp vào nước Anh thì các nước châu Âu không chỉ chú ý đến việc quản lý chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, ngăn chặn, bắt giữ những đối tượng nhập cư bất hợp pháp mà còn mở các chiến dịch điều tra, truy quét lao động nhập cư bất hợp pháp trong nội địa. Những động thái này đã dẫn đến việc bắt giữ những ông trùm người Trung Quốc trồng cần sa, kinh doanh mại dâm và bất động sản bất hợp pháp.

Nhiều người Trung Quốc trồng cần sa

Đầu năm 2020, Cảnh sát Tây Ban Nha công bố đã triệt phá băng đảng người Trung Quốc ép buộc những người di cư bất hợp pháp làm việc trong "điều kiện như nô lệ" để sản xuất cần sa tại các nhà kho thuê ở khu công nghiệp thuộc vùng miền Đông Valencia. 

Phát ngôn viên Cảnh sát cho biết, đã bắt giữ tổng cộng 81 người trong đó phần lớn là công dân Trung Quốc. Các nhà chức trách đã tháo dỡ 19 nhà kho được băng đảng sử dụng và thu giữ hơn 22.000 cây cần sa nặng khoảng 3,4 tấn.

Cảnh sát Tây Ban Nha cho biết tại thời điểm phát hiện, có 36 người đàn ông Trung Quốc và một số nước khác bị băng đảng bắt làm việc suốt ngày đêm trong các nhà kho trong "điều kiện tồi tệ bán nô lệ" đã được giải cứu. 

Họ nói: "Điều kiện sống trong các nhà kho rất tồi tàn, hại sức khỏe và kém vệ sinh. Một số nạn nhân cho biết họ không được ra ngoài đường và không thể giao tiếp với bên ngoài; họ chỉ được nhận thức ăn để có thể tiếp tục làm việc như nô lệ". 

Cảnh sát ước tính băng đảng này đã xuất khẩu khoảng 4,2 tấn cần sa kể từ khi bắt đầu thực hiện "dự án" vào năm 2018. Các sĩ quan cũng thả tự do cho 13 phụ nữ Trung Quốc được cho là bị băng đảng này ép bán dâm.

Vào ngày 20-12-2019, một công dân Trung Quốc tên là Feng Xu, 42 tuổi, đã bị tòa án ở Birmingham, thành phố lớn thứ hai của Vương quốc Anh, kết án 7 năm 4 tháng tù giam vì tội cho các băng nhóm tội phạm thuê hàng trăm ngôi nhà dùng làm nhà thổ và trại trồng cần sa. 

Cảnh sát Anh đã phải huy động hơn 30 người mới tóm được Xu sau hàng loạt các vụ đột kích nhà thổ theo dấu vết từ các trang web Trung Quốc và khiếu nại từ hàng xóm xung quanh các tụ điểm mờ ám này.

Cảnh sát Anh cáo buộc Feng Xu đã thực hiện khoảng 5.500 tài liệu giả mạo - bao gồm giấy phép lái xe, báo cáo ngân hàng, phiếu lương, hóa đơn điện nước và hàng chục hộ chiếu Trung Quốc và Bồ Đào Nha giả - để có được thỏa thuận thuê nhà đối với ít nhất 446 bất động sản. 

Tại phiên tòa, thẩm phán Francis Laird nhấn mạnh, công dân Trung Quốc này đã hành động như một "đại lý bất động sản thực thụ" cho các băng đảng tội phạm, lưu giữ hồ sơ tỉ mỉ về tất cả các tài sản mà tên này quản lý trên máy tính cá nhân. 

Xu nhận tội với tổng cộng 22 cáo buộc khác nhau, bao gồm sở hữu tài liệu phục vụ lừa đảo và rửa tiền. Công dân Trung Quốc này đối mặt với trục xuất sau khi thụ án. Theo cáo trạng của tòa, một số tài sản do Xu thuê được dùng làm nhà thổ, trong đó tuyển mộ các phụ nữ Trung Quốc bị đưa lậu sang Anh và bị ép buộc bán dâm. 

Cá nhân Xu đã kiếm được khoảng 1,1 triệu bảng Anh (1,4 triệu USD) từ hoạt động kinh doanh phi pháp của mình trong suốt ba năm rưỡi bằng cách tính phí 2.500 bảng Anh cho mỗi phi vụ thuê nhà. Dù đa số các bất động sản mà Xu thuê dùng cho hoạt động mại dâm, hắn ta còn tổ chức một nơi tập trung cho những người nhập cư bất hợp pháp và làm đại lý bất động sản cho những kẻ trồng cần sa, tìm kiếm những khu đất lớn hơn ở nông thôn.

Cảnh sát tịch thu số cần sa trong boongke.

Xuất thân từ vùng đô thị Quảng Châu rộng lớn phía Nam Trung Quốc, Xu đến Anh du học cách đây gần 23 năm với ước mơ trở thành một doanh nhân, nhưng sau khi hết hạn lưu trú vào năm 2000, anh ta buộc phải làm những công việc chân tay và nợ nần chồng chất vì công việc kinh doanh trực tuyến được thiết lập để bán thiết bị karaoke thất bại.

Garcha, luật sư của Xu cho biết, thân chủ của ông cảm thấy nhẹ nhõm khi bị bắt bởi vì anh ta đã sống một cuộc đời trong bóng tối suốt nhiều năm và sau cùng anh ta cũng chỉ là một người hỗ trợ cho những kẻ "ở mắt xích cao hơn của mạng lưới" - những kẻ thực sự dùng những bất động sản thuê được để thực hiện hành vi tội ác.

Ở Anh, theo các nhà chức trách, đối tượng làm công việc trồng cần sa chủ yếu là những người trẻ, là sinh viên hoặc cũng có thể là người ở Đại lục đến Anh bất hợp pháp thông qua các hình thức khác nhau. 

Vào thời điểm cuối năm 2019, tức là khi dịch COVID-19 chưa bùng phát, ước có khoảng 12.000 học sinh, sinh viên người Trung Quốc theo học tại các trường trung học ở xứ sở sương mù. Ở bậc đại học đã tăng 34% trong 5 năm qua lên 120.000 người. 

Trào lưu hút cần sa đã lan rộng trong cộng đồng sinh viên Đại lục và việc phí sinh hoạt, học tập tại các cơ sở giáo dục đắt đỏ đã khiến cho nhiều sinh viên phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Họ đã chọn con đường làm các việc bất hợp pháp để nhanh giàu hơn. 

Tuy nhiên, từ sau khi dịch COVID-19 lan rộng, nhiều sinh viên đã không trở lại Anh quốc để học tập như trong kế hoạch đã khiến cho tình trạng trồng cần sa chui giảm đi và có phần được kiểm soát tốt hơn.

Feng Xu còn đứng ra thuê các khu đất lớn ở nông thôn dùng để trồng cần sa cho băng đảng tội phạm.

Bất chấp nỗ lực của lực lượng chức năng

Trong khi các nước EU mạnh tay với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm trồng cần sa và sử dụng lao động nhập cư bất hợp pháp thì Canada và Mỹ lại cho trồng và hút cần sa. Một năm lại đây, nghề trồng và buôn bán cần sa đã đem lại thu nhập không tồi cho nhiều người dân nhập cư, nhất là các sinh viên.

Tuy nhiên, vào năm 2018, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, nhất là khi người Mỹ bắn "đại bác" về phía Trung Quốc với nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có việc Mỹ lớn tiếng cho rằng hầu hết mọi sinh viên Trung Quốc đến đất nước này đều là gián điệp thì sinh viên Trung Quốc ở Mỹ đã giảm dần. 

Họ về nước và mang theo "văn hóa cần sa" làm lan truyền trong cộng đồng đất nước hơn 1,4 tỷ dân này. Đặc biệt, ở Canada, bất chấp dịch COVID-19, nhiều sinh viên Trung Quốc vẫn ở lại có tham gia vào trồng, buôn bán cần sa. 

Mặc dù mối quan hệ giữa Canada và Trung Quốc thời gian qua rơi vào tình trạng "cơm không lành canh không ngọt" nhưng tỷ lệ sinh viên người Trung Quốc đến Canada học tập vẫn là đông nhất thế giới. Canada coi "xuất khẩu giáo dục tại chỗ" là ngành "công nghiệp" đẻ ra vàng nên rất chú trọng đầu tư và hút sinh viên người Đại lục.

Feng Xu bị kết án 7 năm 4 tháng tù giam.

Trong khi đó, các nhà chức trách Trung Quốc lại hối hả ngăn chặn cẩn sa. Trung Quốc xếp cần sa là mối đe dọa đối với xã hội nên lực lượng an ninh tổ chức các chiến dịch ngăn chặn. Năm 2018, cảnh sát Trung Quốc phát hiện hơn 125 phong bì và gói hàng quốc tế chứa cần sa được gửi vào Đại lục từ các nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Có khoảng 55kg cần sa và các sản phẩm liên quan đến bị thu giữ.

Tháng trước, một tòa án ở Nam Kinh đã kết án một kẻ buôn bán cần sa hơn 3 năm tù. Các khách hàng của anh ta, hầu hết là thanh niên Trung Quốc, những người lần đầu tiên nếm thử cần sa khi đi du học, cũng phải nhận các hình phạt pháp lý vì hút và ăn các sản phẩm cần sa. 

Năm 2018, Cảnh sát Hàng Châu đã bắt giữ hơn 50 người dân địa phương vì tội tàng trữ cần sa. Xuất thân từ những gia đình giàu có, đại đa số họ gặp nhau khi đi du học và cùng hút. Vào tháng 2-2019, một người đàn ông từng du học ở Canada đã bị bắt tại Thành Đô sau khi cảnh sát địa phương phát hiện anh ta trồng cây cần sa tại nhà của mình, nơi anh ta thường xuyên tổ chức các buổi tụ tập hút thuốc với những "bạn bè trong giới" khác.

Cảnh sát Anh triệt phá một ổ trồng cần sa ở Birmingham.

Nguyên nhân nào khiến các sinh viên và giới trẻ Trung Quốc ưa dùng cần sa và coi đó là một thú chơi để chạy theo? Truyền thông Trung Quốc lý giải vấn đề này là các sinh viên Trung Quốc đang học ở phương Tây đã vô tình vào "vòng tròn ma quái" của cần sa mà không thể rút chân ra. Họ cũng lý giải thêm, một số là vì sự tò mò nên đã háo hức hòa nhập vào cộng đồng sử dụng cần sa và làm lan truyền "văn hóa cần sa" trong cộng đồng.

Mạnh Thắng

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文