Châu Phi trong vòng luẩn quẩn đói nghèo, tội phạm và nội chiến
Các tổ chức tội phạm có điều kiện để hối lộ, làm hỏng cơ quan thực thi pháp luật cùng quân đội, làm suy yếu hệ thống pháp quyền; đồng thời mua sắm vũ khí, kéo dài các cuộc xung đột vũ trang, gây ra tội ác và làm cho các cuộc xung đột trở nên nguy hiểm hơn.
Những câu chuyện nhói lòng
Nigeria được xem là quốc gia có hiện tượng buôn bán người lớn nhất châu Phi. Vào cuối quý 1-2020, Cảnh sát Nigeria đã mở chiến dịch giải cứu được 13 người, trong đó có 1 trẻ em và 6 thai phụ khỏi cơ sở mang thai và sau đó bán trẻ sơ sinh để kiếm tiền hay còn gọi là "nhà máy sản xuất trẻ em".
Tại Nigeria, những "nhà máy sản xuất trẻ em" thường hoạt động trá hình dưới hình thức là các cơ sở y tế tư nhân. Nhiều trường hợp phụ nữ trẻ nếu chống cự sẽ bị cưỡng hiếp đến khi có thai và sau khi sinh, cả mẹ và con sẽ bị bán ra "chợ đen". Một bé trai có giá bán thông thường là 500.000 naira (1.400USD), trong khi bé gái bị bán với giá 300.000 naira.
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế, buôn người là một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 150 tỷ USD và 2/3 con số này được tạo ra từ việc bóc lột tình dục. Theo một điều tra của Tổ chức Di cư Quốc tế (IMO), ước tính 91% nạn nhân bị buôn bán từ Nigeria là phụ nữ và một nửa trong số họ bị bóc lột tình dục bởi những kẻ buôn người. Bang Edo ở phía Nam Nigeria là một trong những địa điểm lớn nhất của châu Phi đối mặt với tình trạng này.
Bản đồ các con đường buôn bán ma túy trên thế giới. |
Theo báo cáo năm 2019 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nhiều phụ nữ bị buôn bán ở Nigeria phải đối mặt với đe dọa tính mạng, bị bỏ đói, hãm hiếp và tống tiền thậm chí còn bị ép quan hệ tình dục với khách hàng trong khi ốm hoặc đang mang thai.
Trường hợp của Ebere (17 tuổi) sống tại thành phố Enugu, miền Đông Nam Nigeria là điển hình. Sau hai tháng mang thai, cô định phá thì các bác sĩ khuyên phá thai có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm. Một y tá đã tiếp cận với cô để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Ebere chia sẻ câu chuyện của mình và được y tá kia giới thiệu với một nhân viên xã hội đã giúp đỡ nhiều phụ nữ mang thai trên Facebook. Sau đó Ebere được nhân viên này đưa về nhà chăm sóc cho đến khi sinh con, nhưng phải bán đứa bé cho hắn ta rồi hắn bán đứa bé cho một cặp vợ chồng khác. Hắn ta đưa trả Ebere 140 bảng Anh (khoảng 4,5 triệu đồng).
Theo điều tra của nhà chức trách Nigeria, những kẻ buôn người đóng giả làm nhân viên xã hội, giúp đỡ những phụ nữ mang thai cần được hỗ trợ sau đó bán con của họ. Những kẻ này thường tính phí 1.500USD một bé gái và 2.000 USD một bé trai. Tình trạng buôn bán trẻ em không phải là những câu chuyện hiếm có tại Nigeria.
Theo một tính toán, mỗi ngày quốc gia này có ít nhất gần 10 trẻ em bị bán trên toàn quốc. Vào tháng 2, gần 20 trẻ em đã may mắn được lực lượng an ninh giải cứu khỏi những kẻ buôn người, hầu hết đều hoạt động ở miền Nam đất nước. Phần lớn nạn nhân bị buôn bán là con của những phụ nữ trẻ mang thai bị giam giữ cho đến khi sinh con.
Bản đồ của Liên hợp quốc về dòng chảy cocaine qua Tây Phi. |
Cướp biển vẫn nóng
Ở châu Phi, cướp biển đã trở thành ám ảnh với cả thế giới. Bọn tội phạm đã dựa vào cướp biển để xây dựng những đế chế riêng. Vùng biển ngoài khơi Tây Phi hiện bị coi là khu vực nguy hiểm nhất thế giới đối với các phương tiện hàng hải do nạn cướp biển hoành hành. Trong khi số vụ cướp biển có xu hướng giảm trên phạm vi toàn cầu, vấn nạn này lại có chiều hướng gia tăng tại Tây Phi cả về quy mô lẫn mật độ.
Báo cáo thường niên về tình trạng cướp biển trên thế giới do Tổ chức One Earth Future (trụ sở tại Mỹ) công bố năm 2019 cho thấy, trong năm 2018, tại Tây Phi xảy ra 112 vụ cướp biển, tăng khoảng 10% so với năm 2017 và 50% so với năm 2015. Trong khi đó, trong giai đoạn 2015-2018, số vụ cướp biển tại châu Á đã giảm 50%, xuống còn khoảng 90 vụ và riêng khu vực Đông Á giảm 20%, xuống còn khoảng 10 vụ.
Tổ chức One Earth Future cho biết, các nhóm cướp biển ở khu vực Tây Phi giờ đây không chỉ tập trung tấn công các mục tiêu truyền thống như tàu chở dầu và tàu container cỡ lớn, mà còn nhắm vào các đội tàu buôn cỡ nhỏ hơn và thậm chí là tàu đánh cá di chuyển qua vùng biển này, đặc biệt tại hải phận ngoài khơi vịnh Guinea.
Cũng giống như nạn cướp biển ngoài khơi Somalia, những vụ tấn công ở ngoài khơi vịnh Guinea, kéo dài từ Bờ Biển Ngà đến Nigeria và xuôi xuống Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) rộ lên do những mối lợi kinh tế hấp dẫn các băng nhóm tội phạm có tổ chức và cũng do sự yếu kém của chính quyền trong việc trấn áp tội phạm khu trú ở vùng bờ biển. Các nhóm vũ trang trong vùng châu thổ Niger từ lâu đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào những đường ống dẫn dầu trên đất liền để cướp dầu thô.
Một vụ vận chuyển ma túy bị bắt ở Ấn Độ Dương. |
Vịnh Guinea được đánh giá là nằm ở một trong những khu vực có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Châu Phi hiện chiếm 10% trữ lượng dầu toàn cầu và còn nhiều mỏ dầu chưa được phát hiện.
Nạn cướp biển không chỉ đe dọa riêng ngành vận tải biển mà còn tác động xấu đến kinh tế thế giới. Tổn thất do cướp biển gây ra ở vùng vịnh Guinea, gồm giá trị hàng hóa bị cướp, phí bảo hiểm cũng như chi phí cho an ninh, ước tính đã lên đến 2 tỉ USD/ năm.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gia tăng nạn cướp biển tại khu vực này bắt nguồn từ sự thiếu lực lượng thực thi pháp luật, tình trạng nghèo đói và bất ổn chính trị của các quốc gia ven biển.
Thậm chí, các nước vùng vịnh Guinea còn thiếu cả những công cụ cơ bản nhất để đối đầu với hoạt động tội phạm ngoài khơi, như thiết bị radar và tàu tuần tra. Các nước Tây Phi đang cố gắng để tăng cường lực lượng bảo vệ bờ biển với sự trợ giúp của nhiều quốc gia.
Nơi ma túy quá cảnh
Theo Báo cáo về ma túy thế giới của Liên hợp quốc trong những năm gần đây cho thấy, 2/3 lượng cocaine buôn lậu giữa Nam Mỹ và châu Âu đi qua Tây Phi. Cụ thể là từ Benin, Cape Verde, Ghana, Guinea-Bissau, Mali, Nigeria và Togo. Kenya, Nigeria và Tanzania là những quốc gia có lưu lượng thuốc phiện cao nhất đi từ Pakistan và Afghanistan đến các điểm ở các nước phương Tây.
Theo điều tra của các chuyên gia Liên hợp quốc, các tổ chức khủng bố trên lục địa đen đã tận dụng cơ hội kiểm soát các tuyến đường buôn bán ma túy để tăng thu nhập, bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của chúng.
Ví dụ, Al Qaeda ở Maghreb, phong trào Vì một người và Jihad ở Tây Phi, có liên quan đến hoạt động buôn bán cần sa và cocaine ở Sahel. Boko Haram bị dính líu đến buôn lậu cocaine và heroin qua Tây Phi.
Cũng theo phân tích của các chuyên gia liên hợp quốc, các tuyến đường vận chuyển ma túy qua Tây Phi rất khác nhau. Một số đi qua Algeria, Mali, Mauritania và Maroc, sau đó đi đến miền Nam châu Âu. Những người khác vượt Đại Tây Dương đến Hoa Kỳ.
Trong nhiều trường hợp, Guinea-Bissau là điểm trung chuyển chính. Dựa trên mối quan hệ với các nhà lãnh đạo chính trị và an ninh cấp cao, các băng đảng ma túy Nam Mỹ đã sử dụng Guinea-Bissau làm trung tâm trong nhiều năm để buôn lậu một lượng lớn cocaine sang châu Âu.
Trong những tuyến đường ma túy, đáng chú ý là tuyến đường trải dài từ Afghanistan và Pakistan qua Iran, qua Ấn Độ Dương đến Đông Phi để đến các thị trường tiêu dùng ở châu Âu và Bắc Mỹ. Ngoài ra có một số chuyến hàng đi xa về phía Nam từ Mozambique và Nam Phi đến các trung tâm trung chuyển ở Đông Phi.
Tuyến đường quanh co này tận dụng cơ sở hạ tầng và thông tin liên lạc tốt của miền Nam châu Phi để giúp các mạng lưới buôn bán ma túy tránh bị phát hiện. Điều này cho phép họ tiếp cận hệ thống phân phối thông qua Đông Phi.
Vào năm 2014, hải quân đa quốc gia tuần tra Vịnh Aden và Ấn Độ Dương đã bắt giữ một tấn heroin từ một cuộc biểu tình ở vùng biển Kenya. Số lượng vận chuyển đơn lẻ đó gần bằng với tất cả số lượng heroin mà 11 chính phủ Đông Phi bắt giữ từ năm 1990 đến 2009.
Cocaine đến từ châu Mỹ Latinh thường dừng lại ở Nam Phi trước khi vận chuyển đến châu Âu và Đông Á. Vào tháng 6-2017, cảnh sát Nam Phi đã thu giữ lượng cocaine trị giá 500 triệu rand (tương đương 36 triệu USD) và 104 triệu rand heroin (7,7 triệu USD) trong các cuộc đột kích riêng biệt ở tỉnh Western Cape. Vào năm 2016, một số kẻ buôn người ở tỉnh này đã bị bắt trong các cuộc truy quét các chuyến hàng heroin đến từ Mozambique.
Năm 2009, trước những thách thức về các loại tội phạm trong đó đầu bảng là ma túy, buôn người và cướp biển, các nhà lãnh đạo Tây Phi đã triển khai sáng kiến "Bờ biển Tây Phi" (WACI), gồm 4 quốc gia là Cote dIvoire, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia và Sierra Leone cũng phối hợp với Văn phòng Liên hợp quốc về Tây Phi, các bộ phận chính trị của Liên hợp quốc, lực lượng gìn giữ hòa bình và Interpol.
Nhờ những nỗ lực lớn của WACI, nhiều loại tội phạm đã giảm dần. Đây chính là bài học để các quốc gia châu Phi thoát khỏi vòng luẩn quẩn "đói nghèo, tội phạm và nội chiến".