Những phận đời nghiện ma túy tuổi xế chiều

06:15 04/11/2020
Không chỉ giới trẻ nông nổi, bồng bột, thiếu nhận thức lao vào ma túy, mà ngay cả những con người đã ở ngưỡng “gần đất xa trời”, răng rụng, chân run vẫn từng ngày chìm ngập trong làn khói “chết người”...

1.Chúng tôi gặp ông Lê Văn M. (67 tuổi, quê Khánh Hòa) trong một buổi chiều mây đen phủ mờ chân cầu Ông Lãnh (quận 1, TP HCM). Dưới gầm cầu nhốn nháo người qua lại, ông M. ngồi cứng đơ như pho tượng trên chiếc xe máy cũ. Đôi mắt ông đục mờ, ti hí, cố rướn lên để tìm những vị khách đi xe ôm.

Từ ngày xe ôm công nghệ lên ngôi, cánh xe ôm truyền thống như ông M. ít được gọi, cuộc sống khốn khổ hơn. Nhưng dù có đói ăn, thiếu mặc thì ông M. vẫn không để cơ thể thiếu “bột trắng”. Ông là con nghiện rất bền bỉ, dai dẳng từ hơn chục năm rồi, cũng vào trại ra trại như cơm bữa. 

Lần ra trại gần nhất là 5 năm trước. Khi ấy, ông đã giơ bàn tay lên trời thề thốt, quyết tâm từ bỏ ma túy. Và ông từ bỏ được những 3 năm, bà vợ ở quê mừng quá kêu cô con gái rước ông về nhà hai ông bà nương tựa cùng nhau. Nhưng ông không về, ông bảo phải ở thành phố làm lại cuộc đời, phải có chút tiền về quê mới ngẩng cao đầu được. Cái sĩ diện trong ông M. vẫn còn cao lắm.

Cô con gái tài trợ cho cha 6 triệu để ông mua chiếc xe máy cũ rồi bắt đầu hành nghề xe ôm. Thời gian đầu, ông chạy thâu đêm suốt sáng, mỗi ngày chỉ chợp mắt 2 tiếng. Mỗi tháng ông trả tiền thuê trọ, bóp bụng, dè xẻn còn dư được 3 triệu đi mua vàng để dành. 

Những ngày tháng lao động chân chính bằng mồ hôi nước mắt, kiếm tiền khổ cực dường như chưa thức tỉnh được lương tri của ông M. Trong con người ông, máu ăn chơi vẫn còn đó, nó chỉ “ngủ” yên một thời gian, khi gặp cơ hội là tan chảy vào dòng đời đen trắng. 

Ông M. “tái xuất” với ma túy trong một cuộc nhậu chếnh choáng với mấy ông bạn xe ôm. Rượu vào, lời ra, máu anh hùng nổi lên. Ông M. vỗ ngực xưng bá xưng hùng, rằng quá khứ chẳng thua ai, lừng lẫy, oai phong ngút trời, cái gì cũng biết, thứ gì cũng trải qua rồi. Bạn đường mời ông một “tép”, ông thử và nghiện lại.

Nhiều người cai nghiện ma túy khi trở về hòa nhập cộng đồng đã tái nghiện.

Quay trở về con đường xưa, ông M. làm được đồng nào là ngốn hết đồng đó. Hôm nào không đủ tiền mua thuốc thì ông bán vàng. Đây là vốn liếng ông dành dụm được trong mấy năm hoàn lương, dự định mang về quê sửa lại nhà cho vợ con.

Ở cái tuổi chẳng còn gì để mất, ông M. mặc cho ngày tháng còn lại cuốn lấy thân xác của mình. Ông ngày càng héo hon, gầy guộc. Mỗi ngày ra đường, có khi ông chẳng kiếm được vị khách nào. Nhưng khi cơn nghiện lên, nó hành hạ khiến người ông run lẩy bẩy, chân tay muốn rụng rời ra, miệng thì chóp chép nước bọt, ông phải kiếm bằng được một mẩu “xái” thuốc để kìm hãm.

Đắm chìm trong nghiện ngập, ông quên hẳn đường về nhà. Phòng trọ của ông quá ngày không nộp tiền, chủ nhà cắt điện nước, khóa cửa, không cho thuê nữa. Ông xách giỏ đồ qua nhà ông bạn xe ôm cùng hoàn cảnh ở ké. Phòng trọ của ông bạn nằm ở khu Mả Lạng xưa kia vốn là nghĩa địa nằm trong vành đai 4 tuyến đường Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh - Trần Đình Xu - Nguyễn Cư Trinh (quận 1, TP HCM). 

Nơi ở của hai ông già nhỏ như cái chuồng chim cu, chỉ rộng 4m² có giá 900.000/ tháng. Vì nghề phải đứng ngoài đường suốt nên các ông không quan tâm đến chuyện sinh hoạt, gọi là có chỗ chui ra chui vào, khi nào mệt mỏi thì về ngả lưng.

Ông bạn kia có dùng ma túy không? Chúng tôi hỏi, ông M. im lặng, lát sau ông quay ra buông lời nhạt nhẽo: “Hỏi mấy chuyện đó sao người ta nói, để yên sống đi bay”.

Giờ đây, những cuốc xe ôm của ông M. không còn hướng tới tương lai và mục đích cao thượng ngày nào. Cuộc sống của ông bị bủa vây bởi ma túy đến cùng kiệt. Mấy ngày nay ông bị ốm, không chạy xe ôm được nên cũng “đói thuốc” luôn. Vì thế mà ông cai được nó. “Cũng khổ sở dữ lắm mà không có tiền phải ráng chịu. Giờ còn chiếc xe máy này bán đi, xài hết coi như đời tôi cũng xong luôn”, ông M. bộc bạch.

Không biết sự nghiệp đoạn tuyệt với ma túy ở lão ông “gần đất xa trời” này có thực hiện được trong nay mai. Ông tự biết tác hại của nó, tự thấy nó hủy hoại cuộc đời của mình, ý thức được việc làm khổ xã hội và các trung tâm cai nghiện, nhưng để rời xa nó có lẽ chỉ khi nào sức tàn, lực kiệt mà thôi.  

Ông Lâm lái tàu đi đổ hàng.

2.Khi ở vào cái tuổi “hoàng hôn” của cuộc đời, con người ta đã nếm trải đủ cay đắng, vui buồn, đã đúc rút được mọi điều để sống tốt hơn, sống đẹp hơn. Đó cũng là lời tự sự tâm đắc của ông Trần Văn Lâm (58 tuổi, quê Hà Tĩnh). Ông Lâm nói chuyện chẳng khác nào một nhà giáo. Từng lời của ông như rót mật vào tai người, chứa đầy triết lý nhân sinh. Nếu lần đầu tiên tiếp xúc, hoặc chỉ thoáng qua, sẽ không ai nghi ngờ về con người của ông, với một quá khứ nhuộm đắng tội lỗi.

Chỉ mới ngót 5 năm trước, ông Lâm còn là con ngựa bất kham, đi mây về gió trên những chuyến xe đầu kéo xuyên Việt. Đời tài xế đường dài tạc vào ông một cá tính hào sảng và chịu chơi. Trên những cung đường đêm lạnh lẽo, hoang vu, cánh tài mời nhau rít một hơi “khói trắng” cho tay lái thêm “lụa”. Ông Lâm dính vào ma túy là lẽ tự nhiên. Khi độ phê đã đủ, tay lái của ông dẻo dai hơn, bay bổng hơn, chân ga cứ nhấn hết cỡ, dù nhanh mấy vẫn cảm thấy chưa đủ. “Người ta đồn chúng tôi là hung thần xa lộ, đúng chẳng sai tý nào đâu”, ông Lâm thừa nhận.

Cái gì đến rồi cũng phải đến. Người bạn của ông suốt nhiều năm đồng hành xa lộ đã gây ra một vụ tai nạn giao thông nghiệm trọng làm chết người sau khi có sử dụng ma túy. Anh ta đi tù, có khẩn cầu nhờ ông một việc. Đó là về thắp hương và xin lỗi gia đình nạn nhân giúp anh ta. Ông Lâm nhận lời. Ngày ông tìm về căn nhà gỗ tuềnh toàng của gia đình nạn nhân ở Bù Đăng (Bình Phước) trời mưa không dứt, con đường đất đỏ giữa rừng cao su ngập quá mắt cá chân, xe máy không thể chạy được. 

Ông đi bộ mất hơn 3 cây số. Cái mệt, cái rét tự nhiên biến mất khi ông chứng kiến cảnh tượng đau thương, tang tóc phủ kín căn nhà. Tay ông run run khi cầm nén hương thắp cho người quá cố, ánh mắt của họ dường như đang nhìn ông giận dữ, ai oán. Tự nhiên, ông thấy tim mình đau nhói lên, nỗi ân hận, đau khổ giằng xé như chính mình đã gây ra thảm cảnh này.

Hôm sau, ông Lâm vẫn thực hiện chuyến xe chở hàng ra biên giới phía Bắc. Lần đi này, ông hoàn toàn tỉnh táo, không sử dụng bất cứ chất kích thích nào. Nhưng trong lòng ông cứ buồn vời vợi, ánh mắt nạn nhân luôn ám ảnh ông. Ông tuyên bố với anh em trong công ty, sẽ bỏ nghề và bỏ luôn cả ma túy.

Mọi người cười ồ lên, nghĩ là ông bị ngáo, vì thỉnh thoảng ông vẫn hay ngáo. Họ còn kháo nhau: “Đừng tin lời con nghiện”. Mặc kệ lời ra tiếng vào, ông Lâm trở về nhà nói với vợ quyết định của mình. Vợ ủng hộ ngay.

Căn phòng trong hẻm nhỏ nơi ông M. tá túc nhờ người bạn đồng nghiệp.

Nửa tháng sau, ông bán đàn lợn và hai con bò được ít vốn hai vợ chồng vào TP HCM. Những tưởng chạy trốn khỏi “nàng tiên nâu” sẽ được yên ổn làm lại cuộc đời. Ông Lâm không thể lường hết được vùng đất mới còn muôn ngàn cám dỗ. 

Vì một thời làm nghề tài xế nên bạn bè của ông Lâm có ở khắp nơi. Họ quý ông, tìm tới tận khu chợ Bình Điền, nơi hai vợ chồng bán trái cây. Ban đầu là hỏi thăm sức khỏe, tình hình làm ăn, sau nữa là chén chú chén anh, mời gọi, rủ rê đủ kiểu, cuối cùng vẫn phải “làm tí khói” cho yêu cái cuộc đời này hơn. Triết lý của kẻ nghiện luôn mê hoặc như thế, khó mà cưỡng mình được.

Ông Lâm không vượt qua được bước ngoặt cuộc đời, lại dính vào ma túy. Vài tháng sau, ông bị đưa đi cai nghiện, vợ con khóc hết nước mắt.

Trở về hoàn lương lần này, ông Lâm hạ quyết tâm lắm. Vốn là người trọng tình cảm, ông Lâm cả nể không dám từ chối thẳng mà toàn tìm cách trốn biệt. Cứ nghe tin bạn tới tìm là ông bỏ chạy, nhờ vợ nghe ngóng khi nào không còn ai thì mò về. 

Cũng không thể trốn mãi được, cuối cùng ông phải dứt tình anh em với một số người, ông tuyên bố từ mặt. Ông khoe với chúng tôi, vừa xin được một chân chở hàng bằng tàu cho các vựa trái cây ở miền Tây. Công việc sông nước bận rộn, vất vả nhưng ông thấy phấn khởi. Những người bạn mới hiền lành chất phác nơi miệt vườn đã giúp ông hồi sinh tâm hồn vốn bị xây xước suốt nhiều năm trời.

“Chẳng bao giờ có cái kết tốt đẹp cho người nghiện ma túy cả. Tôi nghiệm ra chân lý này khi đã đi gần hết cuộc đời. Bạn bè của tôi, kẻ thì xanh cỏ, người tù tội, số khác sống bạc nhược với gia đình. Tuổi xế chiều vẫn loay hoay với ma túy mà không tìm được lối thoát cho mình”, ông Lâm buồn bã tâm sự. 
Ngọc Thiện - Cát Tường

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文