Vì Tiểu vùng sông Mê Công xanh và không ma túy
Hai mươi năm qua, kể từ khi chính thức trở thành thành viên của Bản thỏa thuận, Việt Nam đã tích cực tham gia vào kế hoạch hành động hợp tác quốc tế tiểu vùng, có tiếng nói quan trọng tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đấu tranh không khoan nhượng, quyết liệt với tội phạm ma túy, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tội phạm ma túy ngày càng "nóng"
Sông Mê Công chảy qua sáu nước: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Cùng với thời gian và trải qua nhiều biến cố lịch sử, sông Mê Công vừa là biên giới tự nhiên, vừa là mạch máu giao thông quan trọng nối liền các nước trong vùng, đồng thời là nguồn nước ngọt quan trọng để nhân dân các nước ven bờ làm ăn, sinh sống. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đi lên của thế giới và khu vực, do nhiều nguyên nhân địa lý, lịch sử, phong tục… các quốc gia trong vùng đã và đang phải đối mặt với hiểm họa ma túy.
Các đại biểu quốc tế Tiểu vùng sông Mê Công tập trung xây dựng giải pháp đấu tranh chống ma túy. |
Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, tình hình ma túy khu vực và thế giới vẫn tiếp tục "nóng" với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi và chủng loại ma túy mới xuất hiện. Châu Á tiếp tục là nguồn cung cấp heroin lớn nhất thế giới. Tội phạm ma túy ngày càng lợi dụng sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất để tiến hành các hoạt động sản xuất ma túy bất hợp pháp; tình trạng mua bán sử dụng methamphetamine dạng tinh thể đang có xu hướng gia tăng mạnh. Đặc biệt, các nước Nam Á hiện nay đang được coi là điểm trung chuyển giữa các trung tâm sản xuất ma túy ở Đông Á với các thị trường đang phát triển ở khu vực Trung Đông.
Khu vực Đông Nam Á từ lâu được biết đến với địa danh "Tam giác vàng" là một trong 3 trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất thế giới - nguồn cung cấp heroin lớn thứ 2 trên thế giới và là trung tâm chính về sản xuất, mua bán và sử dụng ma túy tổng hợp. Hiện nay, tại khu vực này, ước tính có khoảng 8,74 triệu người sử dụng ma túy tổng hợp (chiếm 25% toàn cầu) và 3,6 triệu người sử dụng ma túy có nguồn gốc tự nhiên (chiếm 22%).
Sản xuất ma túy tổng hợp trái phép đang gia tăng: Nếu năm 2006 chỉ có 83 phòng điều chế ma túy tổng hợp trái phép bị triệt phá thì đến năm 2012, con số này là 385, tăng gấp 5 lần. Lượng methamphetamin dạng viên thu giữ trong năm 2013 là 227 triệu viên, tăng 7 lần so với năm 2008.
Trong hai năm qua, xu hướng sử dụng viên nén methamphetamine gia tăng ở 4 nước Trung Quốc, Lào, Myanmar, Việt Nam; sử dụng methamphetamine dạng tinh thể gia tăng ở 4 nước: Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam. Đáng chú ý là sự xuất hiện của các chất hướng thần mới tại khu vực Đông Nam Á như ketamine. Ở Trung Quốc, những người sử dụng ketamine chiếm khoảng 38% trong tổng số đối tượng sử dụng ma túy. Lượng ketamine bị thu giữ ở Trung Quốc chiếm khoảng 86% so với cả khu vực, trở thành một trong những nước có nguồn lớn nhất về cung cấp ketamine trên thế giới.
Hợp lực đấu tranh chống ma túy
Khởi nguồn từ mong muốn xây dựng một cơ chế hợp tác đa phương về công tác phòng, chống ma tuý trong tiểu vùng sông Mê kông nhằm ứng phó có hiệu quả với tình hình ma túy, năm 1993, Cơ chế hợp tác tiểu vùng đã ra đời. Suốt chặng đường hơn 20 năm qua, Cơ chế hợp tác phòng, chống ma túy giữa Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc đã trở thành diễn đàn đa phương quan trọng trong khu vực, có những đóng góp tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Đã thiết lập được một cơ chế hợp tác thống nhất với sự cam kết, quyết tâm cao của các chính phủ và sự ủng hộ hiệu quả, nhiệt tình của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Cơ quan Phòng, chống ma tuý và tội phạm của Liên Hợp Quốc.
Nhờ đó, các hoạt động hợp tác đa phương và song phương thông qua cơ chế tiểu vùng ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả hơn được đánh giá là một khuôn khổ hợp tác năng động, hiệu quả nhất của khu vực; tiếp tục đóng vai trò như một diễn đàn để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác giữa các nước đấu tranh phòng, chống ma túy. Thông qua cơ chế hợp tác, các nước thành viên (Việt Nam, Làọ, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar) đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong một số vấn đề quan trọng: Giảm cơ bản diện tích gieo trồng thuốc phiện; kiểm soát hiệu quả nguồn cung, chống thất thoát tiền chất để sản xuất ma túy tổng hợp; thiết lập 74 Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) nhằm tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán ma túy qua biên giới; triển khai chương trình tập huấn trên máy tính (CBT) cho lực lượng hành pháp ở 52 nước, bằng 18 thứ tiếng tại 300 trung tâm đào tạo hành pháp trên toàn cầu nhằm nâng cao năng lực cho các lực lượng trực tiếp đấu tranh chống ma túy…
Những tên trùm ma túy bị Cảnh sát Việt Nam bắt giữ. |
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam khẳng định với vai trò, trách nhiệm của mình, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp, huy động sức mạnh toàn xã hội; dần hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống ma túy; tuyên truyền đi vào chiều sâu; "đánh" mạnh bọn tội phạm này. Các lực lượng chức năng đã phát hiện 5 tuyến ma túy từ Tam Giác Vàng về Việt Nam theo đường Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Trong năm 2014, lực lượng Cảnh sát phòng chống ma túy của Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ 19.195 vụ với 28.880 đối tượng liên quan đến tội phạm ma túy; thu giữ 573,2kg heroin; 19,3kg cocain; 28,8kg thuốc phiện; 1.536 kg cần sa; 231,2kg và 165.314 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều phương tiện, tài sản, vật chứng khác. Trong đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã trực tiếp phối hợp với các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 97 vụ, 472 đối tượng về ma túy.
Điển hình ngày 19/7/2014, tại chảo lửa Thung Cuông, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, lực lượng Cảnh sát Phòng chống ma túy Việt Nam đã tổ chức vây bắt một nhóm gồm 25 đối tượng là người Lào đang vận chuyển trái phép chất ma túy vào Việt Nam. Sau hơn 1h đồng hồ hiệp đồng chiến đấu bắt được 3 đối tượng, diệt 2 tên, thu 108 bánh heroin, 2 khẩu súng AK, 2 súng cạc bin, 1 súng ngắn và hơn 70 viên đạn.
Với vai trò và trách nhiệm của mình, Việt Nam luôn sát cánh cùng các thành viên về hợp tác phòng chống ma túy tiểu vùng sông Mê Công thực hiện nghiêm túc những cam kết và thỏa thuận đã đạt được; nỗ lực phấn đấu cho các mục tiêu chung của khu vực, vì hoà bình, ổn định, phát triển thịnh vượng và xây dựng một khu vực không có ma tuý.