101 chuyện về… ngoại binh tại SHB Đà Nẵng

10:10 07/03/2010
Mấy năm trước, ngoại binh của SHB Đà Nẵng nổi tiếng ăn chơi và "quậy" nhất nước. Nhưng vỏn vẹn trong 2 năm, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. SHB Đà Nẵng giờ không chỉ là "miền đất hứa" theo nghĩa đen nữa. Lực lượng ngoại của họ cũng ngoan và hiền nhất trong số các đội bóng tham dự ở V-League lúc này…

"FC Hollywood" trong lòng bóng đá Việt

Bóng đá Việt Nam đã và đang tiến lên chuyên nghiệp sau 10 năm ra đời. Kể từ thời giao thời giữa bóng đá bao cấp tới nay, không nơi nào sự quan tâm và đầu tư từ cấp lãnh đạo lại lớn bằng Đà Nẵng cả. Quan điểm từ cấp thành phố rất rõ ràng. Đội bóng trở thành bộ mặt tiêu biểu của thành phố chứ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thể thao.

Bởi thế ở làng bóng đất Việt, không đội bóng nào có thể vượt qua được đội bóng nằm ven sông Hàn. Chỉ cần Ban lãnh đạo (BLĐ) thích và cầu thủ đó thực có tài điều khiển trái bóng. Khán giả hâm mộ trái túc cầu hẳn nhiên sẽ đoán được khả năng ngôi sao trên về Đà thành cũng không có gì sai.

Dưới sự cầm quân của HLV Lê Huỳnh Đức, ngoại binh SHB Đà Nẵng đã thay đổi…

Nhận được sự quan tâm tới vậy, kỳ lạ thay thành công vẫn cứ tránh xa mảnh đất nằm dưới chân đèo Hải Vân này gần 20 năm trời. Sự đầu tư là cực lớn bởi CLB chi không biết bao nhiêu tiền trên thị trường chuyển nhượng nhằm có được cầu thủ mình cần. Theo cách hiểu, người Đà Nẵng rất chờ đợi thành công và họ sẵn sàng chấp nhận đổ tiền để đổi màu huy chương thành vàng, chiếc cúp bạc thật sự.

Chợt nhớ ở mùa giải 2001 - 2002, đội bóng Đà thành mới trở lại đấu trường V-League. Ngay lập tức, các vị lãnh đạo đưa bộ ba cầu thủ Urganda là Iddi Batambuze, Lulenti và Tamale về với mức lương kỷ lục ở thời điểm ấy: 2.000 USD/ tháng/người. Tài năng của bộ ba xe-pháo-mã từng giúp SLNA thống trị V-League là không phải bàn cãi. Oái oăm ở chỗ, đội bóng xứ Nghệ chỉ trả mức lương bằng một phần ba giá Đà Nẵng đưa ra..

Kể từ đó, cứ như thành thông lệ, đội bóng nằm bên bờ sông Hàn luôn có những sự bổ sung chất lượng cho việc củng cố đội hình. Nổi tiếng nhất chính là tiền đạo Majid Musisi - được bình chọn là cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Urganda ở thế kỷ XX- về thi đấu ở mùa giải 2003.

Kế đó là cặp tiền đạo Nigeria là Achilefu (Vua phá lưới V-League 2003) và Amaobi (Vua phá lưới V-League 2004) về thánh địa Chi Lăng. Chưa dừng ở đó, các tân binh như Almeida, Merlo cũng lần lượt trở thành những chân sút hàng đầu chỉ sau một thời gian ngắn thi đấu tại đây. 

Hiếm có đội bóng nào lại có khả năng thu hút và cho ra lò những cầu thủ ngoại chất lượng tới như vậy. Ở cấp độ nào đó, đội bóng Đà Nẵng có thể so sánh với tài mua sắm cầu thủ của CLB 1 nước Đức - Bayern Munich. Sự giống nhau rất lớn vì đội bóng nằm ở thủ phủ bang Bavaria rất giỏi trong việc lôi kéo cầu thủ tài năng về với mình.

Mặt trái còn lại, B. Munich vô tình bị gán biệt danh "FC Hollywood" - bị chính những ngôi sao này thay nhau làm xáo trộn hậu trường bởi đủ trò phá phách. Đấy cũng là cái cảnh mà đội bóng Đà Nẵng từng gánh chịu nhiều như cơm bữa trong suốt nhiều năm qua…

Thuở ngoại binh chọc trời, khuấy nước

Đất Đà Nẵng có tiếng là trọng vọng giới quần đùi, áo số. Để rồi cách quản quân có phần vị nể và mang tính thoả hiệp khiến đội bóng không bao giờ vô địch dù có đội hình bạc tỷ. Trên sân tập hay khi thi đấu, gần như các huấn luyện viên trưởng không dám nói nặng nhẹ, các ngoại binh dần như con bệnh lờn thuốc. Nhận mức lương cao ngất ngưởng, nhóm ngoại binh thể hiện trên sân thì ít mà nổi tiếng tại các vũ trường, sàn nhảy quanh thành phố lại nhiều. Đó là bài học xương máu mà đội bóng Đà Nẵng gánh chịu trong suốt những năm đầu làm bóng đá chuyên nghiệp.

Như trường hợp tiền đạo Musisi về xứ Đà những năm 2003, cầu thủ này nhận được kỳ vọng cực lớn từ người hâm mộ Đà thành. Tiếc rằng, Musisi lại trở thành "đầu lĩnh" của nhóm cầu thủ gốc Urganda là Iddi, Lulenti, Enock Kyembe. Cái cảnh Musisi đi trước, nhóm đàn em đon đả cầm nước, cầm giày, khăn đi theo phục dịch đàn anh là hình ảnh thường thấy trên sân tập. Vậy mà BLĐ đội nín nhịn không nói bởi một tiếng nói của Musisi quyết định phong độ của toàn bộ nhóm ngoại binh còn lại.

Chưa đầy một mùa giải, Musisi cuốn gói rời Việt Nam về nước mà không lời hồi báo. Đúng 2 năm sau, Musisi qua đời tại quê nhà vì dính căn bệnh AIDS. Song không ai biết ngôi sao này "dính" bệnh thời còn khoác áo Đà Nẵng hay tới tận lúc về quê nhà. Sự hoang mang lây lan trong giới cầu thủ vì toàn đội vốn ăn ở chung với nhau. Chưa kể những va chạm trên sân thi đấu, chỉ cần lỡ dại va chạm mạnh một chút thì mọi chuyện không biết sẽ tới kết cục ra sao.

Cảnh bi hài nhất là cả chục cô gái liên tục tới văn phòng của đội bóng hỏi han tình hình sức khoẻ của Musisi. Hoá ra, không biết bao nhiêu cô gái bán hoa lỡ trao thân, gửi phận cho cầu thủ gốc Phi sau những chuyến bay đêm hồi còn ở Đà Nẵng. Đến lúc biết tin Musisi đã qua đời, các cô gái gần như ngất xỉu ngay trước văn phòng của đội bóng. Còn ban lãnh đạo đội bóng cũng té ngửa vì bây giờ mọi chuyện mới rõ như ban ngày. Nghe đâu, Iddi và Lulenti cũng dính "căn bệnh lạ" như đàn anh. Thi đấu mờ nhạt, cả hai đều rời Đà Nẵng không kèn, không trống cuối mùa bóng. 

Cũng kể tới một phần là môi trường V-League rất dễ tha hoá cầu thủ ngoại. Việc dễ dàng có được khoản tiền lớn trong tay, ngoại binh bắt đầu học theo các món ăn chơi của cầu thủ nội tới độ chóng mặt. Amaobi thời khoác áo Nam Định rất hiền lành. Anh ta sẵn sàng hít đất để nhận 50.000 đồng khi một đồng đội đánh đố. Nhưng sau một năm ghi bàn liên tục, "Bi" trở thành cầu thủ đắt giá. Để khẳng định mình là dân chơi thật sự, Amaobi vượt mặt đàn anh Achilefu trở thành tay chơi bậc nhất trong giới ngoại binh. Chưa kể tính tình khó chịu và thay đổi xoành xoạch, SHB Đà Nẵng hết chịu nổi mới tống được "ngựa chứng" này đi cho khuất mắt.

Vốn ít học, nghèo khổ và mù chữ, đa số cầu thủ ngoại gốc Phi gần như không còn giữ được mình khi có rất nhiều tiền trong tay. Nó cũng là cái kết buồn khi bóng đá Đà Nẵng luôn là nơi dừng chân của nhiều cầu thủ giỏi. Nhưng chỉ sau vài mùa giải, bản chất của họ đều bị biến chất một cách nhanh chóng. Một phần từ chủ quan cầu thủ nội vẽ đường chỉ lối cho ngoại binh đua đòi phá phách, một phần quan trọng hơn khi chính những thành viên của đội bóng nhắm mắt làm ngơ để nhóm kiêu binh ấy mặc sức hoành hành.

Chính sách cây gậy & củ cà rốt

Phải nói rằng cuộc cách mạnh từ băng ghế chỉ đạo bắt nguồn từ HLV Lê Thụy Hải. Phong cách cầm quân có phần mạnh mẽ và không thiếu cái uy của người làm thầy khiến các ngoại binh như Achilefu, Amaobi cũng phải kiêng dè ông Hải "lơ" rất nhiều. Có lần ông Hải thẳng tay đuổi cổ Amaobi ra khỏi sân tập vì tập tành bê trễ, lười nhác. Sau hành động dằn mặt ấy, Amaobi "sốc" thật sự vì trước đó chưa có tiền lệ nào ở đội Đà Nẵng cả.

Lối trị quân nghiêm ngặt lại có vẻ mềm dẻo của ông Lê Thụy Hải đã tác động sâu sắc tới cách cầm quân sau này của người học trò Lê  Huỳnh Đức. Và với độ "quái" của mình, cựu tiền đạo ĐTQG này còn vận dụng rất giỏi những chỉ vẽ của thầy mình trở thành của riêng.

Có lần ngồi nói chuyện với một vị nằm trong BLĐ đội bên quán cà phê cóc cạnh sân Chi Lăng, vị lãnh đạo thổ lộ: "Sau vài lần vấp phải ngoại binh kiểu Amaobi, chúng tôi cạch tới già trong chính sách dùng cầu thủ ngoại. Gần như việc tuyển ngoại binh gốc Phi bị bỏ qua do lối sông buông thả và lối sống lá mặt, lá trái".

Hình mẫu tiền vệ người Brazil Rogerio được BLĐ đội bóng mặc áo Cam đem ra làm minh chứng. Cầu thủ này đã có 6 năm ở V-League trong màu áo SHB Đà Nẵng. Để giữ chân cầu thủ nổi tiếng ngoan này, CLB vừa chi tiền vừa khuyến khích Rogerio đem vợ con sang Việt Nam định cư. Nói như cách nói hóm hỉnh của một vị lãnh đạo là "Không ai giỏi kiểm tra cầu thủ bằng chính vợ con của họ". Phương pháp này cũng được áp dụng khi Merlo cùng người vợ trẻ đang mang bầu từ tận Argentina sang đây sống cùng.

Phía đội bóng cũng sẵn sàng nới luật cho ngoại binh đã có gia đình ra ở riêng chứ không phải tập trung cùng đội. Phong cách có vẻ thoáng nhưng hợp lý ấy chỉ có SHB Đà Nẵng mới dám làm chứ chưa từng thấy một đội bóng nào khác ở V-League thực hiện theo cả.

Ngoại binh ở SHB Đà Nẵng khoẻ tới cỡ nào thì không cần phải minh chứng. Song nhắc tới khoản ăn chơi, nhậu nhẹt thì tất cả đều cười trừ. Phần đông họ không giỏi trong khoản nốc rượu, đi vũ trường như các ngoại binh đi trước. Như Rogerio và Merlo lại có sở thích khá bất ngờ, chọn nước ngọt có gas như Pepsi, Coca Cola mỗi lần đi sàn cùng anh em trong đội. Còn nếu bạn mời anh ta đổi cốc với mình, cả Merlo và Rogerio đều khéo léo từ chối và nói rượu không có lợi cho sức khoẻ…

Ngoại binh ở đây đúng là đã thay đổi!

Phan Long

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Chiều 23/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc phát hiện 1.500 viên nén nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文