Bóng bàn Việt Nam với SEA Games 31: Thay đổi cách làm để lập cột mốc mới
- Bóng bàn Việt Nam không thể đánh rơi cơ hội
- Bóng bàn Việt Nam "lật đổ" Singapore, giành HCV SEA Games
- Bóng bàn Việt Nam nhận thêm tài trợ cho đội ngũ trọng tài
Liên tục vượt khó
Thành tích của bóng bàn Việt Nam trong hai kỳ SEA Games gần đây thực sự là hành trình vượt khó đầy ngoạn mục. Như ở SEA Games lần thứ 29 năm 2017, dù không được đánh giá cao nhưng cuối cùng đội nam Việt Nam lại lên ngôi vô địch đồng đội. Đó được xem là kỳ tích của bóng bàn Việt Nam ở đấu trường SEA Games. Đơn giản, từ khi góp mặt tại đấu trường SEA Games năm 1989, bóng bàn Việt Nam mới chỉ giành ngôi vô địch nội dung đơn nam, đôi nam, đôi nam nữ và chưa bao giờ vô địch nội dung đồng đội. Trong khi đó, đây là nội dung danh giá nhất trong mỗi giải đấu bóng bàn.
Đến kỳ SEA Games 30, đội tuyển bóng bàn Việt Nam bước vào Đại hội với bộn bề khó khăn. Cựu tay vợt nổi tiếng Nguyễn Nam Hải, từng dẫn dắt đội tuyển nam vô địch SEA Games 29 bất ngờ chia tay đội để du học tại Trung Quốc. Điều đó đã tạo nên khoảng trống lớn trong khâu huấn luyện tại đội tuyển.
Chuyên gia người Trung Quốc Dư Chí Quốc đến với đội trong thời gian ngắn trước SEA Games 30. Khả năng điều binh khiển tướng của vị chuyên gia này là ẩn số với giới chuyên môn khu vực Đông Nam Á cũng như chính bóng bàn Việt Nam. Đã vậy, tại SEA Games 30 lại chỉ có nội dung đôi và đơn, không có nội dung đồng đội. Vì thế, khả năng giành HCV của bóng bàn Việt Nam tại SEA Games 30 từng được ví là khó như "leo cột mỡ".
Cuối cùng, điều ít được ngờ tới lại thành sự thực. Bộ đôi Nguyễn Anh Tú -Đoàn Bá Tuấn Anh lên ngôi vô đich nội dung đôi nam dưới sự dẫn dắt của chuyên gia Dư Chí Quốc, mang về tấm HCV quý hơn "vàng" cho bóng bàn Việt Nam. Đó cũng là tấm HCV thứ hai liên tiếp của bóng bàn Việt Nam ở hai kỳ SEA Games.
Nguyễn Anh Tú sẽ là một trong những tay vợt chủ chốt trong chiến dịch giành HCV ở SEA Games 31 của bóng bàn Việt Nam. |
Vượt khó dường như cũng là một trong những đặc tính của bóng bàn Việt Nam. Cứ gặp khó, ít được kỳ vọng thì bóng bàn Việt Nam lại gây bất ngờ. Trước đó, vào năm 2009, khi SEA Games 25 diễn ra ở Lào, bóng bàn Việt Nam không được kỳ vọng. Thế nhưng, đội tuyển bóng bàn Việt Nam đã gây bất ngờ khi tạo nên trận chung kết đôi nam giữa các tay vợt Việt Nam. Khi đó, bộ đôi Đinh Quang Linh - Đoàn Kiến Quốc đã lên ngôi vô địch.
Sẽ có điều chỉnh
Đến SEA Games 31 sẽ được tổ chức tại Việt Nam, bóng bàn Việt Nam đã lên kế hoạch chuẩn bị ngay từ cuối năm 2019, ngay sau SEA Games 30. Lúc đó, nhân sự cho đội tuyển ở đội ngũ HLV đã được nhắm đến trong đó đương nhiên vẫn có chuyên gia Trung Quốc Dư Chí Quốc. Ngoài ra, một kế hoạch tập huấn nước ngoài và cọ xát ở một số giải đấu quốc tế mở đã được tính đến.
Tuy nhiên, kế hoạch trong 9 tháng đầu năm 2020 đã không thể thực hiện do dịch COVID-19. Trong đó, đội tuyển quốc gia không thể tập trung. Ngoài ra, chuyên gia Dư Chí Quốc cũng không thể trở lại Việt Nam ngay sau Tết Nguyên đán 2020. Đến nửa cuối tháng 9, ông Dư Chí Quốc mới có thể trở lại Việt Nam sau khi tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Vị chuyên gia người Trung Quốc cũng phải cách ly y tế như quy định và chỉ có thể trở lại huấn luyện từ tháng 10 này.
Cũng vì tiến độ tập trung đội tuyển bị ảnh hưởng nên Tổng cục TDTT dự kiến đưa đưa ra những điều chỉnh quan trọng với đội tuyển bóng bàn Việt Nam. Trong đó, thay vì tập trung theo đợt, ngắn hạn như trong hai kỳ SEA Games gần đây, đội tuyển quốc gia sẽ tập trung dài hạn. Ông Phan Anh Tuấn, phụ trách bộ môn bóng bàn (Tổng cục TDTT) cho hay, dự kiến từ cuối tháng 10, đội tuyển bóng bàn Việt Nam sẽ tập trung dài hạn cho đến trước SEA Games 31. Chỉ có thể tập trung dài hạn như vậy mới giúp đội tuyển khắc phục được những "thiệt hại" về chuyên môn do không thể tập trung từ đầu năm 2020 đến nay bởi dịch COVID-19.
Ngoài ra, thay vì chỉ tập trung nhóm VĐV được xác định sẽ dự giải như hai kỳ SEA Games, số lượng VĐV tập trung dài hạn sẽ đông hơn với khoảng 20 VĐV. Theo ông Phan Anh Tuấn, việc tập trung đông VĐV trong thời gian dài sẽ tạo động lực cạnh tranh cho các tay vợt đồng thời giúp các tay vợt có cơ hội tiếp thu kinh nghiệm, kỹ chiến thuật từ chuyên gia Trung Quốc.
Thực ra, việc này hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của chuyên gia Dư Chí Quốc bởi áp lực giành HCV ngay tại sân nhà ở SEA Games 31 thực sự rất lớn và đương nhiên lớn hơn nhiều so với trước kỳ SEA Games 30. Chính chuyên gia Dư Chí Quốc cũng bộc lộ kế hoạch ở lại Việt Nam cho đến hết SEA Games 31 và không về Trung Quốc đón Tết Nguyên đán 2021.
Vấn đề giờ còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí từ Tổng cục TDTT cũng như sự góp sức từ Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam để có thể đưa các tay vợt Việt Nam đi tập huấn nước ngoài và cọ xát quốc tế nhằm chuẩn bị tốt nhất cho SEA Games 31. Kinh phí thi đấu, tập huấn quốc tế hằng năm của Tổng cục TDTT cho đội tuyển bóng bàn cũng chỉ đủ để thi đấu những giải chính thức như: Vô địch Đông Nam Á, vô địch châu Á, vô địch thế giới. Còn để dự những giải quốc tế mở hay tập huấn quốc tế dài hạn lại cần thêm nguồn kinh phí xã hội hóa. Không dễ giải bài toán này dù chuyên gia Dư Chí Quốc có nhiều mối quan hệ để thu xếp cho đội tuyển tập huấn với chi phí vừa phải, tại nhiều địa điểm ở Trung Quốc có quân xanh chất lượng tốt, đủ giúp đội tuyển bóng bàn Việt Nam nâng tầm.
Cho nên, hoàn toàn không đơn giản để bóng bàn Việt Nam có thể lần thứ ba liên tiếp giành HCV ở SEA Games, nơi các tay vợt nam lại được kỳ vọng. Tất nhiên, thành quả sẽ không tự nhiên mà đến nếu không có sự chuẩn bị kỹ ngay từ bây giờ.
Mai Hoàng Mỹ Trang chưa chắc dự SEA Games 31 Thông tin từ Tổng cục TDTT cũng như Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cho hay, tay vợt Mai Hoàng Mỹ Trang đã ngỏ ý không tham gia đội tuyển quốc gia thi đấu quốc tế trong thời gian tới, trong đó có SEA Games 31, để nhường sân chơi cho các tay vợt trẻ. Đồng thời, cô muốn tập trung vào công tác huấn luyện và chỉ thi đấu cho đội TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, phía bộ môn bóng bàn (Tổng cục TDTT) sẽ trao đổi thêm với Mai Hoàng Mỹ Trang để cô trở lại đội tuyển bởi kinh nghiệm, tài năng của cô vẫn cần cho đội tuyển cũng như tạo động lực cho các tay vợt khác. |