“Cạm bẫy” hợp đồng đối với các cầu thủ trẻ Việt Nam
“Chúng tôi không được giữ bản gốc, chỉ biết ký thôi”
Hóa ra, cầu thủ bóng đá không chỉ bó buộc mình trong phạm vi sân cỏ, trong những khoảng vuông mà người ta chia sẻ và gắn vào đó là vai trò cho từng vị trí. Cầu thủ bóng đá còn bị ràng buộc trong những điều khoản hợp đồng. Mà tệ hại ở chỗ, nhiều CLB ở Việt Nam gài hàng loạt điều khoản để “trói chân” những tài năng với bản hợp đồng chỉ thuộc dạng đào tạo, theo kiểu càng lâu càng tốt và càng ít chi chí càng được.
“Bút sa thì gà chết thôi anh”, H - một cựu cầu thủ nay mới chỉ… 21 tuổi đang mấp mé giữa chuyện giải nghệ và chơi bóng thẫn thờ kể lại. Không phải anh muốn mình cứ như kẻ đi trên dây trong thứ tương lai mập mờ. Mà là anh không thể dứt ra được khi một CLB tại Việt Nam không tạo điều kiện để thanh lý anh. Vậy là suốt 3-4 tháng qua, H cứ vật vờ làm một công việc chẳng liên quan đến bóng đá. Anh chán nản tới mức chẳng còn muốn gắn công việc của mình với trái bóng hay sân cỏ.
H kể rằng, anh tốt nghiệp một học viện bóng đá có tiếng ở Việt Nam. Một CLB ở phía Nam chọn anh nhưng bắt cầu thủ này phải ký hợp đồng tới 7 năm. Tức là phải đến khoảng 25, 26 tuổi, H mới có bản hợp đồng chuyên nghiệp. Khi ấy, anh mới có khoản tiền lót tay đầu tiên. Và khi ấy, anh mới có thể chọn cho mình rằng ở lại hay sang một CLB khác. Rồi H chuyển ra phía Bắc.
“Nhưng tôi không biết bản hợp đồng với LCB mới có thời hạn thế nào. Tôi thậm chí còn không được giữ bản hợp đồng gốc. Rồi cho đến đầu năm nay, khi tôi lên văn phòng CLB để hỏi về hợp đồng. Họ đưa cho tôi một bản photo. Và tôi mới ngã ngửa. Tổng thời gian mà tôi phải gắn bó với CLB này kéo dài đến tận năm 2024. Tức là sau 3 năm vật vờ tại đây, tôi vẫn còn phải ở lại đây cống hiến 4 năm nữa. Trong thời gian ấy, tôi không được đàm phán, đòi hỏi tiền lương, tiền thưởng gì cả. Nếu phá vỡ hợp đồng, tôi phải bồi thường đến cả tiền tỷ”.
Nhiều đội bóng ở V.League luôn muốn “trói chân” các cầu thủ trẻ của Việt Nam hơn ranh giới 23 tuổi theo lý thuyết. |
H không phải là cái tên duy nhất rơi vào vòng xoáy của thứ rắc rối trong điều khoản hợp đồng chằng chịt nhằm trói chân các cầu thủ trẻ với một chế độ tiết kiệm chi phí nhất có thể của các CLB ở Việt Nam. Từng chung phòng với Q.N, một cầu thủ từng lên đội tuyển trẻ quốc gia, người viết không khỏi giật mình khi một CLB có tiếng ở Việt Nam khác cũng bắt cầu thủ của mình ràng buộc đến tận năm… 28 tuổi! Bởi họ cho rằng đây là tài sản do mình đào tạo nên. Vì thế, cầu thủ phải có trách nhiệm cống hiến cho mình.
Tai hại hơn, họ lựa chọn thời điểm ở giữa trưa, khi các cầu thủ đang gà gật sau giấc ngủ. Thêm vào đó, những cầu thủ này không có nhiều thời gian để suy nghĩ và đọc kỹ những điều khoản vốn dày cộp vài chục trang. Vậy là “bút sa gà chết”, cầu thủ chẳng thể nào trách ai được nữa cả.
Cần những người đại diện hiểu về luật pháp
Từng có một câu chuyện khác cũng liên quan đến ràng buộc hợp đồng. Nhưng họ đã được tự do sau sự can thiệp của những đại diện là luật sư. T.Q, T.L cùng N.B là ba cầu thủ từng thi đấu cho một CLB ở miền Tây. Họ ký hợp đồng 3 năm theo dạng chuyên nghiệp. Tức là may mắn hơn so với những trường hợp trên, những cầu thủ này được đàm phán về lương cùng những khoản lót tay có giá trị lớn.
Thế nhưng, một thời gian, CLB gặp vấn đề về tài chính. Chế độ đãi ngộ không được đúng như hợp đồng. Các cầu thủ yêu cầu có sự giải phóng hợp đồng để họ được chuyển sang CLB khác. Thế nhưng, bản thân đội bóng miền Tây kia vẫn dùng dằng trong việc thanh lý. Và nếu như không có sự can thiệp đến từ luật pháp, đôi bên không biết còn trói chân nhau lâu như thế nào.
Thực tế cần phải khẳng định rằng, ngay cả những người có thời gian gắn bó với việc học văn hóa nhiều hơn cả cầu thủ cũng phải bối rối với những bản hợp đồng dày cộp thì chẳng thể trách các cầu thủ mới chỉ 17-18 tuổi không thể tỉnh táo và kiên nhẫn để nghiên cứu những điều khoản mà các CLB khéo léo cài vào đó.
Bóng đá Việt Nam một phần chưa chuyên nghiệp cũng đến từ những điều tưởng chừng như không tưởng như vậy. Và trong sự hỗn loạn mà bản thân các CLB đều muốn nhận phần hơn, các cầu thủ hơn lúc nào hết cần những người đại diện hiểu về luật pháp để sẵn sàng hỗ trợ họ trong việc quyết định chuyện tương lai một cách chủ động cho mình.
Nói đến BD, một đội bóng cũng thuộc phía Nam, hai cầu thủ được họ đào tạo là T.L và D.K cũng nhờ sự tư vấn của người thân mà tỉnh táo không đặt bút ký vào bản hợp đồng có thời hạn dài mà chế độ đãi ngộ lại thấp. Tất nhiên, nghĩa vụ của cầu thủ vẫn sẽ là cống hiến và chơi chuyên nghiệp cho CLB mà họ đầu quân. Nhưng không có nghĩa, tài năng và sự nỗ lực của họ lại bị lợi dụng vì những mục đích không trong sáng.
Trường hợp đặc biệt của Bùi Tiến Dũng Sinh năm 1997, Bùi Tiến Dũng mới chỉ bước qua tuổi 23 một thời gian. Nhưng ngay lúc này, anh đã trải qua 3 CLB với 3 bản hợp đồng chuyên nghiệp. Sở dĩ, Tiến Dũng là một trường hợp đặc biệt bởi anh vốn dĩ không bị trói chân bởi những bản hợp đồng đào tạo trẻ, kể từ khi được Thanh Hóa tạo điều kiện cho tập cùng cách đây 6-7 năm trước. Như một người lao động bình thường, Tiến Dũng cùng người đại diện có thể tự đàm phán với các CLB. Bản thân anh cũng đã từ chối đề nghị ký 5 năm hồi mùa 2019 của Hà Nội FC. Thay vào đó, anh chỉ ký đúng 1 năm với CLB này trước khi sang TP Hồ Chí Minh vào năm nay, với bản hợp đồng chuyên nghiệp kéo dài 3 mùa giải. |