Chiến lược dài hơi và tư duy nhiệm kỳ
Theo chiến lược này thì trong khoảng từ nay đến năm 2020, bóng đá nam Việt Nam phải vô địch AFF Suzuki Cup hoặc SEA Games từ 1 đến 2 lần, và đứng trong tốp 15 châu Á, còn bóng đá nữ phải lọt vào tốp 6 châu Á. Tới giai đoạn 2021 – 2030, bóng đá nam phải lọt vào tốp 10 châu Á, bóng đá nữ vẫn duy trì tốp 6 châu lục. Phần lớn các chuyên gia, các nhà hoạch định phát triển bóng đá Việt Nam đều cho rằng một mục tiêu như vậy là thiết thực, khả thi. Còn nói như tác giả chiến lược, ông Phạm Ngọc Viễn thì sự khả thi ấy đến đâu còn phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của những người thực hiện, giám sát chiến lược này.
Thực tế thì không phải tới bây giờ, mà từ những nhiệm kỳ trước, VFF đã từng 2 lần ra đề “chiến lược phát triển”, trong đó có cả việc đặt mục tiêu lọt vào VCK World Cup, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc chưa được Chính phủ thông qua nên những chiến lược như vậy đều… chết giấc giữa đường. Phải hiểu điều đó mới thấy được một bước ngoặt mang tính đột phá của bản chiến lược lần này. Tuy nhiên, bên cạnh “niềm vui đột phá”, cũng còn đó không ít băn khoăn, mà băn khoăn lớn nhất nằm ở “tư duy nhiệm kỳ” vốn vẫn thâm căn cố đế bấy lâu trong ngôi nhà VFF. Tất những ai theo dõi các hoạt động VFF trong 6 nhiệm kỳ qua dễ thấy là từng có rất nhiều thời điểm, người của nhiệm kỳ sau đã phá bỏ những gì được gây dựng từ người ở nhiệm kỳ trước. Và dường như ở nhiệm kỳ nào, thì vấn đề “kiếm tiền” và “tiêu tiền” dường như cũng được coi trọng hơn vấn đề… phát triển đường xa.
Nếu được đầu tư tốt, ĐTVN hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu lọt vào top 10 châu Á. Ảnh: Quang Minh. |
Có một câu chuyện cụ thể của nhiệm kỳ IV mà đến bây giờ ông Trần Duy Ly vẫn hay nhắc lại với những anh em chiến hữu của mình. Đó là sau khi rời khỏi ghế PCT VFF, ông đã bàn giao lại việc “viết sử bóng đá Việt Nam” vốn đang thực hiện dang dở cho những người kế nhiệm mình. Và khi nhận phần việc được bàn giao, TTK VFF Trần Quốc Tuấn khi ấy cứ gật gù hứa hẹn sẽ tiếp tục thực hiện. Nhưng sự thực thì hết nhiệm kỳ V, kéo sang cả 2/3 thời gian nhiệm kỳ VI – quá trình ông Tuấn ngồi trên ghế TTK VFF, việc “viết sử bóng đá” hoàn toàn bị lãng quên. Có lần ông Trần Duy Ly xót xa chia sẻ: “Tôi nghĩ là người ta chỉ có thể phát triển mạnh mẽ trong hiện tại và tương lai khi người ta biết tự hào với quá khứ của mình. Quá khứ của bóng đá Việt Nam đáng tự hào lắm chứ, thế nên một cuốn lịch sử về nó là cần thiết và ý nghĩa lắm chứ. Vậy mà…”. Sau này thì một cuốn sách về lịch sử bóng đá Việt Nam cũng đã chính thức ra đời, nhưng nó không phải được làm ra từ VFF, mà lại được phối hợp thực hiện giữa Liên đoàn Bóng đá TP Hồ Chí Minh với những nhà báo, những cựu quan chức có tâm huyết với nền bóng đá nước nhà như ông Trần Duy Ly.
Trở lại với chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam từ nay tới năm 2030 – một quãng thời gian kéo dài gần 20 năm, trải qua 4 nhiệm kỳ. Mong là qua 4 nhiệm kỳ ấy, dẫu cho cái ghế ông chủ tịch là sự hiện diện của “người cũ” hoặc “người mới” thì một công việc mang ý nghĩa tầm vóc như thế vẫn tiếp tục được duy trì!