Góc khuất phía sau những vận động viên cử tạ Việt Nam

08:58 29/07/2021
Tấm áo thấm máu, đôi bàn tay chai sạn, xương quai xanh lõm cả vào vì bị tạ đè, cùng những vết trầy xước quanh năm... là những điều đón chờ những ai muốn đi theo con đường cử tạ chuyên nghiệp. Nếu không đam mê đến sống chết vì môn thể thao này, chẳng mấy ai có thể trở thành những VĐV như Thạch Kim Tuấn hay Hoàng Thị Duyên.


Chấn thương vẫn thi đấu

2 ngày sau khi Thạch Kim Tuấn kết thúc hành trình của mình tại Olympic Tokyo, vợ anh chia sẻ một chùm ảnh khiến ai xem qua cũng phải lặng người. "Mong mọi người khi nhìn sẽ thông cảm cho anh Tuấn hơn thay vì vội phán xét", cô nói. Đó là những tấm hình Kim Tuấn chụp gửi về cho vợ trong thời gian anh phải tập huấn xa nhà để chuẩn bị cho Thế vận hội.

Bức ảnh đầu tiên là chiếc áo loang lổ vết máu ở hai bên phần ngực. Bức ảnh thứ hai và thứ ba là vết hằn đến lõm cả xương quai xanh. Kim Tuấn từng có lần chia sẻ anh đi chụp X-quang thì bác sĩ nói xương biến dạng hẳn rồi, vì bị tạ đè nhiều quá. Những bức ảnh còn lại là đôi tay chai sạn, cùng hai đầu gối phải tập hồi phục quanh năm.

"Vận động viên cử tạ gặp chấn thương vẫn ra sân thi đấu là điều bình thường. Có những vết đau không bao giờ hoàn toàn bình phục. Thêm một điều nữa là VĐV cử tạ không thể ngừng tập quá lâu được. Nếu phải nghỉ tập 1 tháng vì chấn thương, chúng tôi sẽ mất thời gian lâu hơn thế để lấy lại phong độ. Vì thế chẳng mấy ai nghỉ ngơi quá 2 tuần cả", Kim Tuấn chia sẻ.

Thạch Kim Tuấn chấn thương vẫn thi đấu.

Người hiểu rõ nhất câu nói của Thạch Kim Tuấn có lẽ là Hoàng Thị Duyên. Hai anh em Tuấn - Duyên là những người luôn sát cánh bên nhau thời gian qua, từ lúc tham dự giải châu Á ở Uzbekistan đến khi trở về Việt Nam rồi tham dự Olympic. Họ từng trải qua 42 ngày ở khu cách ly mà không được ăn uống theo tiêu chuẩn, cũng như không được tập luyện đúng mức.

Quãng thời gian tù túng đó khiến Duyên tái phát chấn thương đầu gối, vết thương cô gặp phải từ năm 2017. Ngày đó Duyên từng phải đi tập vật lý trị liệu nhiều tháng mới hoàn toàn bình phục. Chẳng ai ngờ sẽ có ngày cái đầu gối của Duyên trái gió trở trời một lần nữa, nhất là ngay trước thềm Olympic. Nén đau ra sân, cả Tuấn và Duyên đều không đạt kết quả như ý muốn.

Không lên tiếng thanh minh, cả Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên chọn cách im lặng sau khi kết thúc hành trình ở Olympic Tokyo. Đó là phẩm giá của một vận động viên thể thao đỉnh cao: Không bao giờ lấy bất kỳ lý do nào để bào chữa cho thất bại. Họ cố quên đi nỗi buồn để tiếp tục sống như một người bình thường, cố tỏ ra vui vẻ để hướng đến tương lai.

Không chịu khổ, không thể nâng tạ

"Ngày xưa tôi nghèo quá, khó khăn quá nên bỏ học sớm đi làm phụ giúp gia đình. Có một vài người anh rủ đi tập cử tạ nên đi theo, vì nghe nói không mất tiền, lại có thu nhập. Nói thật, những ai không nghèo không gắn bó với nghiệp cử tạ được đâu. Người bình thường thử nâng vài ba lần đã muốn nghỉ rồi", Thạch Kim Tuấn nói. Đây hoàn toàn không phải lời nói suông. Chính anh trai Tuấn cũng từng thử sức với cử tạ nhưng bỏ cuộc giữa chừng.

Nếu không có cử tạ, Thạch Kim Tuấn giờ đây có lẽ vẫn vùng vẫy giữa bộn bề nghèo khó. Sinh ra ở vùng quê nghèo Bình Thuận trong một gia đình có 4 anh chị em, Kim Tuấn mất mẹ khi anh mới lên 3. Người chị cả dắt díu đàn em thơ vào TP Hồ Chí Minh kiếm sống, cố dành nguồn thu từ bán hàng rong cho các em ăn học. Thấy chị khổ quá, Kim Tuấn bỏ học khi hết lớp 6 để sớm đi làm giúp gia đình.

Hoàng Thị Duyên lại mang đến một câu chuyện khác. Là con gái của một gia đình dân tộc Giáy tại Lào Cai, bố mẹ Duyên quanh năm với việc đồng áng một nắng hai sương. Nếu không có cử tạ, giờ đây hẳn Duyên vẫn chỉ biết đến gốc rạ và cây ăn quả. Cử tạ chưa hẳn khiến Duyên đổi đời như Tuấn, nhưng chí ít cũng giúp cô gái 25 tuổi mở ra thế giới mới cho bản thân mình.

Sau khi đã giải quyết được phần nào bài toán kinh tế, cả Duyên và Tuấn đều xác định nâng tạ là đam mê để theo đuổi. Trở thành VĐV cử tạ đồng nghĩa với khổ luyện. Môn thể thao này cần đi theo chế độ tập cực kỳ khắc nghiệt, lại nguy hiểm cho VĐV, thế nên không nhiều quốc gia châu Âu chọn cử tạ làm hướng phát triển trọng điểm. Nếu cho những đô cử Anh hay Mỹ tập như VĐV Việt Nam, họ sẽ bỏ cuộc ngay tuần đầu tiên.

Một vấn đề khác vô cùng khắt khe với các VĐV cử tạ là chuyện ăn uống. Để bồi bổ cho các khối cơ săn chắc, họ không được phép nạp quá nhiều muối vào cơ thể. Nạp muối sẽ khiến khối cơ tích trữ nhiều nước hơn, gây nhão cơ và không thể nâng tạ nặng. Đó là lý do khiến VĐV cử tạ phải ăn nhạt, không được ăn mặn. Những món nước chấm hay mắm gần như bị cấm sử dụng.

Không ăn mặn, thiếu muối khiến sức đề kháng của cơ thể suy giảm. Vì vậy, những đô cử rất dễ ốm mỗi khi thời tiết thay đổi. Nếu trầy xước hay gặp phải chấn thương, họ cũng bình phục chậm hơn so với người thường. Cách bình phục tốt nhất là sử dụng thêm một vài loại thuốc bổ trợ, nhưng những ai không dùng cẩn thận hoàn toàn có thể vô tình nạp chất cấm vào người và bị cấm thi đấu. Quanh năm đau đớn, ăn uống khổ sở và lúc nào cũng sợ... dương tính với doping, đó là cuộc sống thường nhật của một VĐV cử tạ.

Mỹ và châu Âu nghĩ như thế nào về cử tạ?

Trong một số giáo án tập cử tạ cho người mới bắt đầu, các lò đào tạo ở Mỹ và châu Âu giới thiệu cử tạ là môn thể thao "an toàn nhất thế giới". Họ lấy dẫn chứng từ một nghiên cứu chỉ ra trung bình trong hơn 100 ngàn lần nâng tạ của một VĐV thì may ra mới có một lần gây chấn thương. Đây là con số hoàn toàn phi thực tế nếu nhìn vào tần suất bị đau của các đô cử Việt Nam và những quốc gia châu Á khác.

Những tấm hình về cơ thể Thạch Kim Tuấn cho thấy VĐV cử tạ luôn phải thi đấu với những vết thương khó lành. Hoàng Thị Duyên cũng tái phát chấn thương và vốn phải quen ra sân khi đầu gối bị đau. Ngay cả Kuo Hsing Chun, người đánh bại Duyên để vô địch Olympic Tokyo cũng từng bị tạ đè vào chân khi đang tập luyện. Kuo nói, VĐV cử tạ gặp chấn thương là chuyện rất bình thường. Có lẽ tư duy khác biệt về cử tạ chính là lý do khiến các nước châu Á luôn vượt mặt châu Âu ở môn thể thao này.

An Khánh

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文