HLV Fabio Lopez bị CLB Thanh Hóa sa thải: Nạn nhân mới, vấn đề cũ
- HLV Đức Thắng chia tay CLB Thanh Hóa: Chuyện thường có gì lạ?
- Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ: “Tôi mất niềm tin, vì BTC giải không minh bạch”
- CLB Thanh Hóa lại nhận án phạt: Vua ngổ ngáo?
Nguyên nhân không hẳn đến từ bất đồng ngôn ngữ hay khác biệt văn hóa, mà chủ yếu do tư duy làm bóng đá của người đứng đầu.
Người ngoại quốc bị cô lập
Sau trận thua Quảng Nam, bầu Đệ nhóm họp toàn đội để bỏ phiếu nên sa thải HLV Fabio Lopez hay không. Kết quả là 100% thành viên ủng hộ "đá ghế" vị thuyền trưởng mới sang Việt Nam làm việc nửa năm.
Dựa vào chuyện đó cộng thêm thông tin được tiết lộ từ ban lãnh đạo CLB Thanh Hóa, công chúng sẽ nghĩ Lopez là một HLV lạnh lùng, xa rời cầu thủ nên mới bị học trò phản đối. Tuy nhiên sự thật có thể hoàn toàn khác nếu nhìn vào những gì Lopez đã nói, đã làm trong thời gian công tác ở Việt Nam.
Nhận lời đến CLB Thanh Hóa vào một ngày cuối năm, việc đầu tiên ông làm là đến một quán cà phê để trải nghiệm. Lopez không thích đồ uống được pha quá ngọt như ở Việt Nam nhưng vẫn cố uống cho hết để làm quen hương vị mới. Ông từng làm điều tương tự ở Lít-va. Chỉ trong 2 năm công tác huấn luyện tại quốc gia Đông Âu, ông đã sử dụng thành thạo ngôn ngữ địa phương như một người bản xứ. Tinh thần "ở nơi đâu làm việc, ở đó là nhà" tiếp tục được ông phát huy ở châu Á suốt 10 năm qua.
HLV Fabio Lopez mất việc ở Thanh Hóa chỉ sau 5 trận đấu. |
Lopez cũng rất biết cách lấy lòng bầu Đệ. Trong một lần phỏng vấn hồi cuối tháng 3, ông chia sẻ trách nhiệm của HLV là giúp người hâm mộ thỏa mãn niềm vui chiến thắng. Trong số hàng ngàn người như thế đến sân theo dõi mỗi trận đấu, ông bầu Nguyễn Văn Đệ là CĐV đầu tiên mà Lopez muốn góp vui. Ông thầy người Italia thường xuyên nhận trả lời phỏng vấn với truyền thông Việt Nam nhưng chưa bao giờ kêu ca phàn nàn. Từ điều kiện cơ sở vật chất đến tác phong làm việc, ông chỉ nhận xét "tốt, rất tốt".
Việc mang tiếng "xa rời đội" của HLV Lopez nhiều khả năng bắt nguồn từ gu thời trang. Ông không mặc đồ thể thao ra sân bóng mà thường xuất hiện với bộ vest là lượt bóng lộn như một quý ông. Chỉ việc đó thôi cũng khiến các cầu thủ cảm thấy thầy trò không có sự gần gũi. Trên sân tập, những chỉ dẫn của Lopez cũng gần như không đến được tai học trò. Ông nói "tôi và trợ lý giao tiếp với cầu thủ qua phiên dịch, nhưng cậu ta chỉ dịch được khoảng một phần ba những gì tôi bảo".
Tư duy cũ kỹ và cảm tính
Fabio Lopez là ông thầy thứ tư bị mất việc ở Thanh Hóa trong 11 tháng qua. Trước đó vào tháng 7/2019, HLV Nguyễn Đức Thắng ra đi vì mâu thuẫn với ông Nguyễn Văn Đệ trong công tác nhân sự. Đức Thắng muốn nắm toàn quyền về mặt chuyên môn, nhưng ông bầu lại thích can thiệp vào với lý do "giám sát hoạt động để không cho HLV trưởng làm láo". HLV Vũ Quang Bảo được đưa về thay, và hậu quả là thành tích CLB sa sút không phanh. Từ vị trí thứ 2 trên BXH V.League dưới thời Nguyễn Đức Thắng, Thanh Hóa sa sút không phanh xuống đứng thứ 2... từ dưới lên.
HLV Vũ Quang Bảo, rồi Mai Xuân Hợp lên tiếp quản "ghế nóng" tại CLB Thanh Hóa nhưng lại không được nắm thực quyền. Bầu Đệ mới là "manager" (quản lý) ở CLB với hàng loạt điều luật lạ đời mà Fabio Lopez chắc chắn chưa từng nghe qua trong khóa học đào tạo chứng chỉ HLV UEFA Pro. Một ngày trước khi có trận đấu diễn ra, HLV trưởng phải gửi danh sách đăng ký thi đấu, sơ đồ chiến thuật... cho bầu Đệ duyệt. Nếu ông Đệ muốn thay đổi một vài vị trí trong đội hình xuất phát, HLV phải nghe theo.
Xu hướng tuyển dụng người nhà thay vì người tài cũng được Chủ tịch CLB Thanh Hóa áp dụng với những vị trí khác ở đội. Trợ lý phụ trách phiên dịch "nghe 3 hiểu 1" cho Lopez ở Thanh Hóa là cháu ruột của bầu Đệ. Dễ hiểu vì sao những tính toán về mặt chiến thuật của chiến lược gia Italia có bằng UEFA Pro lại không thể đến tai các học trò. Điều tương tự cũng từng xảy ra với HLV Petrovic và Mihail tại đội bóng xứ Thanh. Cầu thủ nơi đây sẵn sàng phản kháng và đá kém để "lật ghế" HLV khi họ muốn.
2 năm trước, HLV Marian Mihail tiết lộ có một nhóm người ở Thanh Hóa muốn hất ông khỏi đội. Khi Mihail góp ý với trung vệ Đinh Tiến Thành cần khởi động kỹ càng trước khi ra sân (Thành từng bị chuột rút ở vòng loại World Cup chỉ 3 phút sau khi vào sân) nhưng anh từ chối. Cầu thủ này nói anh đã là tuyển thủ quốc gia, anh biết mình phải đá thế nào nên không cần lời khuyên.
Ngày biết tin Mihail phàn nàn vì thái độ thi đấu thiếu chuyên nghiệp của mình, Tiến Thành lên mạng xã hội văng tục và nói "Cái mặt hằm hằm, nhìn đã không chơi được thì ai muốn làm việc".
Người thay HLV Fabio Lopez làm việc ở Thanh Hóa gần như đã được quyết định. Tuy nhiên, HLV có tên Nguyễn Thành Công gần như khó tránh khỏi thất bại nếu trót nhận lời chỉ với khát khao tiếp tục khẳng định mình ở sân chơi V.League. Ông phải vừa đảm bảo thành tích thi đấu tốt, vừa sắp xếp những cầu thủ đá chính theo ý của một ông bầu luôn thích ngồi trên băng ghế huấn luyện mỗi khi bóng lăn.
Tình yêu bóng đá và đội bóng quê hương của bầu Đệ là không thể phủ nhận nhưng cách làm mù quáng đang khiến ông trở thành đề tài bị đem ra châm chọc, chế giễu.
Muốn thành công ở V.League, HLV ngoại không cần giỏi Năm 2014, CLB Hải Phòng bổ nhiệm ông Dylan Kerr vào vị trí thuyền trưởng. Trước đó ông thầy người Anh từng có thời gian làm việc ở đội tuyển quốc gia trên cương vị HLV... thể lực. Bị nghi ngờ về trình độ chuyên môn nhưng Dylan Kerr lại là HLV duy nhất giúp CLB Hải Phòng có danh hiệu trong kỷ nguyên V.League. Đó là chức vô địch Cúp Quốc gia 2014 khi đội bóng thành phố Cảng đánh bại Bình Dương với tỷ số 2-0 trong trận chung kết. Đâu là lý do giúp HLV Dylan Kerr thành công với bóng đá Hải Phòng? Những người từng làm việc với ông ở mùa giải 2014 nhận xét HLV này không giống với bất kỳ ông thầy ngoại nào tiếp xúc với họ. Thay vì sống khép kín, Dylan Kerr thích làm bạn với các cầu thủ và CĐV. Sau mỗi buổi tập, ông thường ngồi uống bia, ăn lạc luộc cùng mọi người ngay bên ngoài sân Lạch Tray. Mỗi khi thấy cầu thủ bị chỉ trích vì lối đá thô bạo trên Facebook, ông thường vào bình luận "Đừng lo, đá tốt lắm". |