Hậu Giải cờ vua trẻ toàn quốc 2020:

Hành trình từ “đông” đến “tinh” thực sự không đơn giản

08:06 03/08/2020
Giải cờ vua trẻ toàn quốc 2020 khép lại tại Bà Rịa – Vũng Tàu vào cuối tháng 7 qua đã mang đến tín hiệu tích cực về chân đế của môn thể thao trí tuệ này với hơn 1.200 VĐV của 46 đơn vị, tỉnh, thành, ngành tham dự.

Tuy nhiên, khi nhắc đến khả năng phát triển trong tương lai để chỉ cần một số ít trong các VĐV dự giải mùa này có thể trở thành Đại Kiện tướng quốc tế hay Kiện tướng quốc tế thì không ai dám chắc, chỉ dè dặt.

Đông nhất trong các giải trẻ

Chẳng cần phải là môn thể thao trong hệ thống thi đấu Olympic hay ASIAD nhưng tại Việt Nam, cờ vua vẫn luôn thu hút đông đảo VĐV tham dự. Điển hình nhất là các giải cờ vua trẻ toàn quốc. Như Giải cờ vua trẻ toàn quốc năm 2020 này, có tới hơn 1.200 VĐV tham dự. Đây là số VĐV lớn nhất ở các giải trẻ toàn quốc của thể thao Việt Nam. Nhiều VĐV và gia đình chẳng quản ngại đường xa, di chuyển tốn kém để tham dự giải.

Tất nhiên, Bà Rịa – Vũng Tàu còn là điểm đến du lịch nổi tiếng nên cũng thu hút nhiều VĐV. Tuy vậy, trên hết vẫn là tình yêu với môn cờ vua và sức hút của giải đấu nên mới có đông VĐV tham dự đến vậy.

Như đoàn Hà Nội tham dự giải với 132 kỳ thủ thì có đến gần 80 VĐV đi theo diện xã hội hóa, tự túc kinh phí di chuyển, ăn ở trong thời gian dự giải. Tròm trèm, chi phí cho mỗi kỳ thủ dự giải theo diện xã hội hóa khoảng gần 10 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều gia đình VĐV cũng đi theo cổ vũ, động viên con dự giải.

HLV đội tuyển cờ vua Hà Nội Bùi Vinh kể rằng: “Từ nhiều năm nay, thường xuyên có khoảng 60-80 VĐV Hà Nội dự giải cờ vua trẻ toàn quốc bằng nguồn kinh phí từ gia đình hay nhà tài trợ, không sử dụng đến ngân sách. Đáng chú ý, các VĐV này đã đóng góp đáng kể vào thành tích chung của đoàn Hà Nội”.

Rõ nhất tại giải năm nay, các VĐV đi theo bằng kinh phí tự túc đã đóng góp phần lớn vào 21 HCV cá nhân của đoàn Hà Nội. Nhờ đó, cờ vua Hà Nội cùng dẫn đầu về số HCV cá nhân với đoàn TP Hồ Chí Minh, có số VĐV đông hơn. 

Điều này càng cho thấy sức sống của môn thể thao này tại Việt Nam với một nền tảng về số lượng người chơi, người tham gia các giải đấu trẻ toàn quốc ở mức trong mơ với các nhà tổ chức. Còn ông Nguyễn Minh Thắng – phụ trách môn cờ vua (Tổng cục TDTT) từng đề cập rằng, số lượng VĐV tham dự các giải trẻ cờ vua toàn quốc luôn là điều đáng tự hào với cờ vua Việt Nam. Chất lượng các giải trẻ cũng ở mức tốt với các cuộc đấu nảy lửa, cho thấy tiềm năng cực lớn của cờ vua Việt Nam. Điều đó cũng đã được chứng minh bằng hàng loạt tấm HCV các giải trẻ thế giới, châu Á, Đông Nam Á của cờ vua Việt Nam.

Giải cờ vua trẻ toàn quốc 2020 thu hút đông đảo VĐV.

Để đông thành tinh

Đông đảo VĐV dự sân chơi cờ vua trẻ toàn quốc luôn mang đến niềm vui, sự hào hứng cho người chứng kiến. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn, không ai dám chắc liệu có bao nhiêu VĐV trong số này đi theo con đường cờ vua chuyên nghiệp, để trở thành Đại Kiện tướng quốc tế hay Kiện tướng quốc tế - những danh hiệu cao quý trong làng cờ thế giới, để khẳng định đúng vị thế của làng cờ Việt Nam.

Hay rồi lại thi đấu vài năm rồi rẽ ngang sang hướng khác, ngành khác? Đấy là câu chuyện thường ngày trong làng cờ vua Việt Nam, nơi nhiều VĐV giàu tiềm năng đến hết lứa tuổi học sinh đã quyết lựa chọn tiếp tục học văn hóa và đi theo ngành khác thay vì quyết tâm theo đuổi giấc mơ VĐV chuyên nghiệp.

Trưởng bộ môn cờ vua Hà Nội Đặng Vũ Dũng từng tâm sự rằng: “Để có thể đạt được những danh hiệu trên là cả sự phấn đấu, nỗ lực và đầu tư của gia đình VĐV cũng như ngành Thể thao. Với nhiều nước trên thế giới, việc đạt các danh hiệu Đại Kiện tướng quốc tế hay Kiện tướng quốc tế khi dưới 18 tuổi là bình thường. Nhưng ở Việt Nam là câu chuyện khác, cực kỳ khó khăn”.

Như trường hợp của kỳ thủ Trần Tuấn Minh của Hà Nội  chẳng hạn, để đạt được danh hiệu Đại Kiện tướng quốc tế năm 20 tuổi cũng phải trải qua gần 15 năm nỗ lực liên tục. Ngoài ra ngành Thể thao Hà Nội cũng phải dồn lực để Trần Tuấn Minh tăng hệ số elo, đạt đủ 3 chuẩn Đại Kiện tướng quốc tế thông qua đi tập huấn dài hạn và thi đấu quốc tế. Chứ nếu chỉ trông vào thi đấu trong nước, nơi số giải quốc tế hằng năm không quá 3 giải thì không biết bao giờ Trần Tuấn Minh  mới sở hữu danh hiệu Đại Kiện tướng quốc tế. Việc này cũng lý giải vì sao đến lúc này cờ vua Việt Nam mới chỉ có 12 Đại Kiện tướng quốc tế nam.

Trong khi đó, HLV Bùi Vinh cũng kể rằng, rất nhiều gia đình VĐV tại Hà Nội cũng muốn con mình phát triển thành những Đại Kiện tướng quốc tế, Kiện tướng quốc tế. Tuy nhiên, họ cũng muốn nhận được sự hỗ trợ từ ngành Thể thao thành phố bên cạnh nguồn kinh phí của gia đình. “Lý tưởng nhất là có sự kết hợp từ nguồn kinh phí ngân sách với kinh phí của gia đình VĐV. Còn nếu không, đành phải trông vào nguồn kinh phí xã hội hóa bởi thực tế, nguồn ngân sách có hạn, phải chi cho đào tạo cả hệ thống VĐV gồm 3 tuyến của Hà Nội”.

Theo ông Bùi Vinh, muốn hướng VĐV quyết đi theo con đường chuyên nghiệp thì phải tạo ra sân chơi để họ thi đấu, qua đó tích lũy hệ số elo quốc tế đủ để dễ dàng tranh tài ở các giải xét chuẩn Đại Kiện tướng quốc tế hay Kiện tướng quốc tế. Tại Việt Nam cũng như Hà Nội, đang có ít giải đấu giúp VĐV tích hệ số elo nên việc đầu tiên là phải tạo ra sân chơi này giữa các kỳ thủ nội, gồm cả Đại Kiện tướng quốc tế và Kiện tướng quốc tế. Nhờ đó, giúp VĐV tích lũy hệ số elo và có động lực bước theo tiếp con đường cờ vua đỉnh cao thay vì rẽ ngang.

Ngoài ra, việc tiếp tục phát triển rộng khắp môn cờ để giúp các VĐV đỉnh cao tham gia huấn luyện các lớp năng khiếu và tại các câu lạc bộ cờ từ đó có thu nhập cũng cần được tính đến nhiều hơn. Nhờ đó, VĐV có thu nhập từ thi đấu cờ, dạy cờ, mới yên tâm theo đuổi nghiệp cờ của mình.

Hành trình từ “đông” đến “tinh” của cờ vua Việt Nam thực sự không đơn giản. Cũng chỉ biết trước mắt là vui với chân đế của cờ Việt Nam. Còn về lâu dài, vẫn là mong mỏi có nhiều VĐV trong số này quyết tâm và có điều kiện từ gia đình, các nguồn khác, để theo đuổi cờ vua đỉnh cao. Nhờ đó, cờ vua Việt Nam có nhiều Đại Kiện tướng quốc tế, Kiện tướng quốc tế hơn hiện nay.

Kết thúc sớm vì COVID-19

Theo lịch thi đấu Giải cờ vua trẻ toàn quốc 2020, giải đấu sẽ kết thúc vào ngày 1-8 nhưng do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Việt Nam nên Ban tổ chức giải đã đẩy lịch kết thúc giải lên, vào ngày 29-7. Tuy nhiên nhiều đoàn tham dự, trong đó có Hà Nội,  do không đổi vé bay nên vẫn phải ở lại Bà Rịa – Vũng Tàu và ngày 2-8 mới về đến nhà. 

Minh Hà

Các bị cáo có chức vụ, quyền hạn cao trong cơ quan Nhà nước nhận tiền trước hoặc sau khi thực hiện được việc đều gắn liền với việc làm cụ thể theo sự nhờ vả giúp đỡ của bị cáo Hạnh là đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền rất lớn.

Được cấp phép xây dựng Trung tâm thương mại và khách sạn 5 sao mang tên Hoàng Đế trên đường Hùng Vương, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhưng khi xây dựng sắp xong, chủ đầu tư lại đề nghị được chuyển đổi sang loại hình căn hộ du lịch, căn hộ lưu trú.

Các tỉnh thành miền Bắc thời tiết có sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn, sáng sớm và đêm nền nhiệt xuống mức 14-16 độ C, trưa chiều tăng lên mức 22-25 độ C, trời rét. Vùng núi cao có nơi xuống mức 10 độ C.

Chiều 28/11, với 452/452 (94,36%) đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Văn Thắng và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Trần Hồng Minh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文