Kết thúc V.League 2015: Ai sạch giơ tay lên!
Nếu nhìn lại sự kiện cơ quan an ninh bất ngờ xuất hiện sau trận Đồng Nai - Quảng Ninh ở mùa giải năm ngoái, và không lâu sau đó có tới 6 cầu thủ Đồng Nai bị "xử" vì hành vi tiêu cực thì năm nay tuyệt nhiên, tuyệt đối không có chuyện này.
Nhưng năm nay lại có chuyện ông HLV trưởng Đồng Nai Trần Bình Sự hơn một lần đề nghị VPF, VFF phải mời cơ quan Công an vào cuộc, bởi nói như ông thì: "Không khó nhận ra những cái không thật ở V.League". Cần phải nhấn mạnh rằng ông Sự nói câu này vào chiều Chủ nhật vừa rồi, sau trận cuối cùng của Đồng Nai tại sân chơi V.League (năm sau họ xuống chơi hạng Nhất), nghĩa là nói sau khi đã bị VPF nhắc nhở về những phát ngôn có tính chất tương tự trước đó của mình. Như thế có nghĩa, bị nhắc nhở, ông Sự vẫn nói.
Tại sao vậy? Tại vì ông bức xúc chuyện đội mình phải xuống hạng trong một cuộc chơi mà ông từng nhận định là "mọi thứ đã vào thế" cả rồi? Tại vì đây là mùa bóng cuối cùng của ông trên tư cách một HLV bóng đá, nên bao nhiêu điều muốn nói, ông vẫn bất chấp tất cả để nói hết ra? Bất luận với động cơ, mục đích gì thì điều ông Sự nói cũng rất đáng để ban tổ chức giải xem xét và mổ xẻ.
Bình Dương vô địch dễ và nhạt nhất trong các lần vô địch từ trước tới nay. Ảnh: H.M . |
Họ hoàn toàn có thể "mổ" lại trận thua bạc nhược của Hải Phòng trên sân Cần Thơ, khiến chính những cổ động viên Hải Phòng phản ứng. Họ cũng hoàn toàn có thể "mổ" lại trận thua ngược của Sông Lam trên sân Hoàng Anh Gia Lai, khiến chính khán giả Sông Lam phản ứng, còn ông Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá Sông Lam Nguyễn Hồng Thanh thì nói công khai trên báo: "Cầu thủ chúng tôi thua vì có tính thương người". Ở một cuộc chơi thể thao đòi hỏi tinh thần công bằng, thượng mã thì thương là thương thế nào? Phải chăng nó chính là cái sự tình thương mến thương của một đội bóng đã đủ điểm trụ hạng với một đội bóng đang rất cần 3 điểm để chạy đua trụ hạng?
Mà đội bóng ấy - HA.GL từng khởi đầu mùa giải với rất nhiều tuyên bố lớn lao về tài chính và sự sạch sẽ. Về tài chính, ông bầu Đoàn Nguyên Đức nói chắc nịch: "Từ giờ, mỗi đội bóng chỉ cần khoảng 10 đến 12 tỷ/ mùa là đủ" nhưng nhìn vào cái cách Hoàng Anh liên tục đổ tiền thay ngoại binh rồi tiền thưởng sau những chiến thắng hú hồn của đội mình (dù chính bầu Đức trước đó từng nhiều lần khẳng định "không thưởng") thì ai cũng hiểu đó chỉ là một tuyên bố trên sách vở. Về tư tưởng chơi bóng, với việc đôn cả một lứa cầu thủ U.19+ của Học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG cùng ông thầy Guillaume Graechen lên V.League, bầu Đức tin rằng đội mình sẽ đá sạch, đá đẹp đến những phút cuối cùng. Ông bảo: "Cứ đá sạch, đá đẹp, có xuống hạng cũng không sao".
Nhưng oái ăm ở chỗ, trước những cầu thủ V.League dạn dày kinh nghiệm chiến trường, dàn cầu thủ trẻ Hoàng Anh muốn đẹp cũng không có cơ hội... đẹp, còn về tiêu chí "sạch" thì có lẽ đến tận lúc này nó vẫn là những câu hỏi treo lơ lửng trong đầu của những cậu bé lần đầu tiên từ giã trường học để dấn thân vào một cuộc chơi tinh quái. Chắc chắn ở mùa giải tới, HA.GL sẽ không còn "đánh bạc" với một đội hình toàn cầu thủ trẻ, để rồi suýt nữa phải xuống hạng như ở mùa giải năm nay. V.League khép lại với giấc mơ bị đứt gánh giữa đường của một ông bầu.
Ai sạch giơ tay lên? Giờ nghĩ đến câu hỏi ấy sao mà nản!
Đỉnh - Đáy an bài quá sớm Ở trên đỉnh V.League, Bình Dương với cả một dàn cầu thủ hảo hạng đã giành chức vô địch dễ như lấy kẹo trong túi. Ngoại trừ một số trận đấu tự thua trước Khánh Hoà và Hoàng Anh Gia Lai, nhìn chung Bình Dương muốn thắng là thắng, mà tiêu biểu nhất là trận đại thắng FLC Thanh Hoá tới 5-2 trong một trận đấu được ví von như "chung kết xuôi". Còn ở dưới đáy, mặc dù phải đến vòng đấu cuối cùng, sau trận thảm bại 1-4 trên sân Quảng Ninh, Đồng Nai mới chính thức xuống hạng, nhưng thực chất với nội lực yếu kém và lối chơi nghèo nàn, Đồng Nai đã "cầm án tử" ngay từ vài vòng trước, sau trận "chung kết ngược" thua HA.GL 1-2 ngay trên sân nhà. Rõ ràng, cái đỉnh và cái đáy V.League mùa này đều đã an bài rất sớm. Ngọc Anh |
Hình bóng mờ nhạt của VPF Năm nay, VPF trình làng một ông Giám đốc điều hành (trưởng giải) mới - Nguyễn Minh Ngọc, nhưng ông Ngọc thực chất là người được VFF "ấn" sang. Sự xuất hiện của ông Ngọc trong ngôi nhà VPF giống như một biểu hiện lấn sân tiêu biểu của VFF đối với VPF, và theo phản ánh của nhiều cổ đông VPF, đấy là một sự lấn sân nguy hiểm. Ai cũng hiểu, về lý thuyết VPF giống như một ban của VFF, nhưng ngày còn ông bầu Nguyễn Đức Kiên thì VPF vẫn giữ được một sự độc lập tương đối với VFF - và đấy là một sự độc lập có ích. Còn hiện tại, khi hình bóng của VPF là quá mờ nhạt thì công tác điều hành, tổ chức giải lại có màu sắc tương đồng giống hệt như cái ngày VFF từng đứng ra tổ chức giải một thời. Sẽ là vô trách nhiệm nếu vai trò của VPF không được xem xét lại một cách triệt để sau một mùa giải mà ai cũng thấy tổ chức này ngày một xa dần cái mục tiêu và dũng khí của mình hồi mới thành lập 3 năm trước. Tuấn Thành |
Một nửa niềm vui với các chân sút nội Số lượng cầu thủ ngoại và cầu thủ nhập tịch được siết lại (mỗi đội chỉ được sử dụng 2 cầu thủ ngoại và 1 cầu thủ ngoại nhập tịch) khiến cho đất diễn của các chân sút nội ở giải năm nay được mở rộng. Nhờ thế đã xuất hiện những cái tên như Văn Thắng (Cần Thơ), Đình Tùng (Thanh Hoá) trong nhóm cạnh tranh ngôi vua phá lưới qua từng vòng đấu. Tuy nhiên, chỉ có thể coi đấy như "một nửa niềm vui", vì xét cho cùng cả Văn Thắng, Đình Tùng hay một phần nào đó là Anh Đức (Bình Dương) đều đã là những cái tên cũ. V.League năm nay không có sự trình làng của một cái tên mới thật sự thuyết phục và ấn tượng nào. Đài Trang |