Khai thác hình ảnh tuyển thủ thế nào cho đúng?

18:44 01/01/2019
Trong những ngày nghỉ Tết dương lịch 2019, dư luận hâm mộ bóng đá Việt Nam đã dậy sóng vì một than phiền từ một CEO của một tập đoàn bất động sản chỉ vì việc trao tặng tri ân ĐTVN 1,3 tỷ đồng.

Kể từ sau sự kiện vòng chung kết U23 châu Á cách đây đúng 1 năm, các tuyển thủ quốc gia Việt Nam, tuyển thủ U23 Việt Nam đã trở thành những ngôi sao có tầm ảnh hưởng đến công chúng không thua kém những sao hạng nhất của showbiz như Sơn Tùng M-TP, Tóc Tiên, Noo Phước Thịnh, Hương Tràm. 

Và ở trong năm 2018 vừa qua, việc các tuyển thủ nhận hợp đồng đại sứ thương hiệu cho các nhãn hàng còn nhiều hơn (cả về số lượng lẫn giá trị) so với các ngôi sao giải trí. Đơn cử, có một tuyển thủ quốc gia nhận hợp đồng với một nhãn hiệu bia với giá trị hợp đồng hơn 100 ngàn USD/ năm và hiện nay, nhãn hàng kia vẫn còn tha thiết muốn gia hạn hợp đồng với giá trị tăng thêm rất nhiều.

Có thể nói, tầm ảnh hưởng của các tuyển thủ với cộng đồng là quá lớn. Hình ảnh của họ có sức nặng truyền thông kinh khủng và nói thẳng, nói thật, mỗi gương mặt của họ đều là một “thương hiệu” thực sự. Bởi thế, đã bắt đầu hình thành các nhóm ông bầu muốn nhảy vào khai thác thị trường quản lý hình ảnh cầu thủ, một thị trường mới mẻ ở Việt Nam nhưng hứa hẹn vô cùng màu mỡ.

Màu áo ĐTQG thuộc quyền khai thác độc quyền của VFF - Ảnh: LT 

Trong sự quan tâm rất lớn ấy, bắt đầu xuất hiện những doanh nghiệp “ăn bám” sức mạnh truyền thông từ ĐTVN một cách rất… khôn lỏi. Đơn cử như trường hợp lùm xùm ở những ngày cuối năm 2018 chẳng hạn. Một tập đoàn bất động sản đề nghị tặng thưởng ĐTVN 1,3 tỷ đồng vì thành tích vô địch AFF Cup nhưng họ lại không muốn tới trụ sở VFF để trao thưởng như các mạnh thường quân khác. Thay vào đó, họ yêu sách cả đội phải tới trụ sở của họ để nhận thưởng trong một buổi lễ được tổ chức thành sự kiện nhằm mục đích lấy hình ảnh để đăng thông tin truyền thông, quảng bá, quảng cáo. 

VFF dĩ nhiên khó có thể đồng ý. Song, VFF cũng rất mềm mỏng khi họ vẫn cử 3 đại diện là trợ lý HLV Lư Đình Tuấn, hậu vệ Đình Trọng cùng tiền đạo Anh Đức đến nhận thưởng và cảm ơn tại trụ sở tập đoàn kia đúng vào ngày mà cả ĐTVN phải tập trung trở lại, ra sân tập để chuẩn bị cho trận giao hữu với Triều Tiên và sau đó lên đường đi Qatar. 

Nhưng sự việc đã bị thổi phồng lên bởi CEO của tập đoàn trao thưởng khi vị này đăng đàn trên facebook “mắng mỏ” VFF khi chỉ gửi một “ông trợ lý và 2 cầu thủ đã không tham dự giải châu Á sắp tới là Anh Đức và Đình Trọng (1 là quá tuổi, 1 là chấn thương)” (nguyên văn lời chỉ trích của vị CEO). Thậm chí, nặng lời hơn, vị CEO này còn mắng cả VFF lẫn ĐTVN là “quân khốn nạn”. Những lời lẽ khiếm nhã ấy đã gây nên sự tức giận trong giới hâm mộ bóng đá khi nó cho thấy văn hoá của vị CEO kia cùng sự hiểu biết kém cỏi của ông ta về quy định tuổi cầu thủ của Asian Cup.

Sự việc này cho thấy một điểm mà không ít người có thể hiểu sai lệch về hình ảnh của tuyển thủ cũng như ĐTQG Việt Nam và các ràng buộc liên quan. Thực tế, VFF đã làm việc rất chuyên nghiệp khi không cho phép các mạnh thường quân tặng thưởng được quyền lợi dụng hình ảnh của ĐTQG hay các tuyển thủ để quảng bá, quảng cáo. 

Việc đưa tin về tặng thưởng cho ĐTQG, truyền thông của VFF đã làm rất tốt, và công khai, xưa nay chưa thấy có điều tiếng nào về chuyện giấu nhẹm hay ăn chặn tiền thưởng của các tuyển thủ cả. Còn nếu muốn sử dụng hình ảnh tuyển thủ, ĐTQG để làm quảng cáo, doanh nghiệp sẽ phải ký hợp đồng quảng cáo, tài trợ với Liên đoàn và từ đó, các tuyển thủ có trách nhiệm phải thực hiện hợp đồng đồng thời họ có quyền lợi tài chính được chia lại theo phần trăm cụ thể với Liên đoàn. Đây là cách làm không chỉ ở Việt Nam. Nó đã được thực thi ở rất nhiều nền bóng đá tiên tiến từ lâu rồi và thực tế, VFF chỉ học tập lại kinh nghiệm để làm cho đúng mà thôi.

Từ sự việc kể trên, kết nối với vài vụ lùm xùm gần đây xoay quanh vài người được cho là “người quản lý” của cầu thủ, có lẽ chúng ta nên có một cái nhìn mạch lạc, một hiểu biết thực sự về hoạt động khai thác hình ảnh cầu thủ cũng như ai là người có quyền quản lý cầu thủ.

Về nguyên tắc, trừ CLB, không ai có quyền quản lý cầu thủ cả. Còn Liên đoàn bóng đá, họ sở hữu và khai thác hình ảnh thương hiệu của ĐTQG nên do đó, nếu cầu thủ được gọi vào ĐTQG, cầu thủ sẽ phải tuân thủ các nguyên tắc khai thác hình ảnh màu áo ĐTQG mà họ khoác lên. Gần đây, thực tế có rất nhiều cầu thủ cũng hiểu sai và tham gia quảng bá cho nhãn hàng trên mạng xã hội khi đang mặc áo đội tuyển mà chưa xin phép liên đoàn. Trong các vụ việc nhỏ lẻ ấy, VFF cũng “du di” nhưng chắc chắn, trong tương lai họ sẽ chấn chỉnh lại.

Quyền quản lý cầu thủ, như nói ở trên, là thuộc về CLB, trong thời hạn hợp đồng cầu thủ ký với CLB. Hãn hữu có vài nền bóng đá (chủ yếu là Bồ Đào Nha và châu Mỹ latin) còn tồn tại việc người quản lý sở hữu 1 phần giá trị của cầu thủ song song với CLB nhưng FIFA đang hướng tới việc triệt tiêu toàn bộ lối sở hữu phi lý này. Vì thế, nếu cầu thủ tham gia quảng cáo trong màu áo của CLB, nhãn hàng sẽ phải làm việc với CLB, chi trả cho CLB và CLB chia lại cho cầu thủ theo phần trăm đã định trong hợp đồng giữa CLB với cầu thủ (số % này thường là 40-60; 50-50 hoặc 70-30 tùy vào vị thế của cầu thủ với CLB). 

Vậy thì những người gọi là đại diện của cầu thủ thì sao? Thực chất, khái niệm người đại diện của cầu thủ gần đây đã không còn nữa. Thay vào đó, FIFA sử dụng khái niệm “người trung gian” (Intermediary) và người trung gian này muốn hoạt động ở nền bóng đá nào, họ sẽ phải đăng ký với LĐBĐ ở đó và đóng phí thường niên. Nhiệm vụ của họ là thay cầu thủ đàm phán các loại hợp đồng, từ hợp đồng với CLB cho tới hợp đồng quảng cáo tài trợ.

Trên ngực áo ĐTQG luôn là lá quốc kỳ - Ảnh: LT 

Ngoài ra, còn một lực lượng khác là các công ty xây dựng hình ảnh cho cầu thủ. Đây là việc cá nhân hoàn toàn và khai thác thương mại mà họ  thực hiện cũng chỉ là khai thác cá nhân, tuyệt đối không sử dụng hình ảnh của CLB hay ĐTQG. 

Ví dụ như Jorge Mendes, ông trùm của giới trung gian cầu thủ, là nhà môi giới của Cristano Ronaldo chẳng hạn. Để làm trung gian môi giới cầu thủ, ông ta có công ty GestiFute nhưng để khai thác xây dựng hình ảnh cá nhân của cầu thủ ngoài lãnh địa bóng đá, ông ta buộc phải thành lập công ty khác có tên CAA (Creative Artist Agency). Rõ ràng, việc quản lý cầu thủ kiểu như quản lý ngôi sao giải trí là không thể bởi với bóng đá, hình ảnh liên kết hình ảnh, hình ảnh cầu thủ, CLB và ĐTQG có một mối quan hệ tương hỗ quyền lợi, trách nhiệm vô cùng mật thiết.

Thế nên, qua những chuyện vừa rồi, trong xu hướng bóng đá Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp hơn, chúng ta nên hiểu rõ hình ảnh cầu thủ cần phải được khai thác thế nào cho đúng. Và nói gì thì nói, bóng đá là màu cờ sắc áo, nên không thể lập lờ để bỏ qua quyền lợi của những nền tảng đã tạo một cầu thủ từ vô danh trở thành ngôi sao. Đó chính là CLB chủ quản, là Liên đoàn bóng đá và đặc biệt, khi các tuyển thủ đã từng nói “không có ngôi sao nào ngoài ngôi sao trên ngực áo” thì họ cũng phải hiểu, màu áo ĐTQG là phản ảnh của màu quốc kỳ.


Hà Quang Minh

Đội tuyển Việt Nam sẽ đối đầu đối thủ nhiều duyên nợ là Indonesia tại AFF Cup. Với huấn luyện viên Kim Sang Sik, mọi sự chuẩn bị sẽ bắt đầu từ thời điểm này.

Quân đội Nga ngày 21/5 (giờ địa phương) đã bắt đầu các cuộc tập trận liên quan đến vũ khí hạt nhân chiến thuật, hoạt động vốn được Moscow công bố hồi đầu tháng này, như một lời cảnh báo rõ ràng tới các quan chức cấp cao phương Tây.

Tỉnh Ninh Bình có 16% dân số theo đạo Thiên Chúa Giáo, trong đó Giáo phận Phát Diệm giữ vị trí quan trọng trong cộng đồng Công giáo Việt Nam. Tại các xã, thị trấn thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, lực lượng Công an chính quy vùng đồng bào có đạo đã vừa nỗ lực “gần dân, hiểu dân, sát dân” để triển khai các mô hình phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc.

Nguyễn Quốc Quân, còn gọi Quân “Idol”, khét tiếng là tay anh chị ở phố núi Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Trong thời gian dài, đối tượng này nổi lên với nhiều hoạt động làm ăn có dấu hiệu bất minh. Đặc biệt, Quân thường lên mạng xã hội đăng tải nhiều hình ảnh đe dọa, chửi bới người khác do chính y tổ chức, khiến dư luận bất bình. Quân “Idol” sau đó đã bị Cơ quan Công an bắt giữ, khởi tố với nhiều tội danh khác nhau.

Ngày 21/5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng về nguyên nhân và biện pháp xử lý khả năng thoát nước mặt cầu thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Liên quan đến vụ án đưa, nhận hối lộ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hoá), sáng 21/5, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã thi hành Lệnh khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam thêm 3 bị can có liên quan, gồm: Nguyễn Thế Hùng (SN 1979), nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn; Lê Huy Hoàng (SN 1986), Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn; Cao Xuân Hiệp (SN 1984), cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn.

Đánh giá sơ bộ cho thấy, tại khu vực xã Phong Vân (huyện Ba Vì), việc nạo vét, hút cát trái phép, không đúng kỹ thuật, hút cát sát bờ sông, thềm sông tạo ra các hố xói, vực sâu cục bộ gây biến đổi đột ngột địa hình lòng dẫn, thay đổi dòng chảy, làm suy kiệt mực nước ngầm và hậu quả là sụt lún, nứt đất.

Ra thăm vườn, người phụ nữ tá hỏa khi phát hiện 56 gốc với hơn 1.500 quả sầu riêng non chăm sóc bấy lâu đã bị kẻ gian chặt phá không thương tiếc. Quá sốc, người nông dân này đã khóc ngất tại khu vườn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文