Nhật Bản, Hàn Quốc có nên… tạo bất ngờ?
Nhà báo Đức Hoàng: Chào anh Trung. Mắt anh rất thâm. Nga gặp Hàn Quốc thì có thể bỏ được mà, còn giữ sức khỏe làm việc nữa chứ. Ở Trung Quốc mới có người chết vì xem cố đấy.
Nhà báo L.Trung: Nga là ĐT tôi yêu từ bé, còn Hàn Quốc là đại diện châu Á, phải xem chứ! Hoàng thấy Hàn Quốc có thể tạo ra bất ngờ không, nếu quy chiếu từ trận hòa với Nga?
Nhà báo Đức Hoàng: Tôi thấy bóng đá giống công nghệ một chút: Khi có nhiều vốn, có khả năng đầu tư, thì anh có thể san bằng các giá trị cựu trào. Việc bóng đá Nhật, Hàn Quốc hay là Mỹ vươn lên quá nhanh giống như Samsung, đẹp thật đấy, nhưng không có cá tính. Và khi Nokia "chết" thì ai cũng thấy tiếc. Bóng đá châu Á có thể gây bất ngờ, nhưng vẫn thiếu một phong cách, bản sắc. Trong mắt tôi, Đức,
Nhà báo L.Trung: Sinh lợi trong một thời điểm, một khoảnh khắc thì tại sao lại từ chối chứ?
Nhà báo Đức Hoàng: Vậy anh có ủng hộ Hàn Quốc và Nhật Bản tiến sâu ở giải năm nay không?
Nhà báo L.Trung: Tôi ủng hộ, vì thích bất ngờ, chứ không hẳn vì cùng dòng máu châu Á. Samsung giờ đang nhập nhèm, bị trộn lẫn giữa Apple và Sony. Nếu cái sự nhập nhèm ấy khiến họ thành công thì tại sao phải thay đổi? World Cup 4 năm mới có 1 lần, phải tận dụng, từ đó xây đắp phong cách sẽ dễ dàng hơn. Cụ thể là ở trận gặp Nga, Hàn Quốc đã chơi rất tốt (1-1), cũng có chút bản sắc và cá tính đấy chứ.
Các cầu thủ đội tuyển Hàn Quốc. |
Nhà báo Đức Hoàng: Đan Mạch, Hy Lạp, và Hàn Quốc làm được gì sau những thành công, những cú sốc trong khoảnh khắc? Di sản của những thành công chóng vánh gần như là không gì cả…
Nhà báo L.Trung: Tất cả những kẻ tạo nên bất ngờ, dù chóng vánh, nhất thời đều được "gạch chân" với nét bút đỏ. Từ đó họ cũng có ít nhiều "di sản" sau này, như việc liên tục có mặt ở các giải lớn. Còn Brazil, Đức, Argentina, Hà Lan... có bản sắc, có phong cách, nhưng họ chưa thể bứt qua thành công cũ, thậm chí có kẻ còn thất bại thảm hại.
Nhà báo Đức Hoàng: Anh chắc cũng đã đọc nhiều về bóng đá Đông Âu thời Chiến tranh lạnh. Nhiều quốc gia thậm chí lấy cầu thủ làm các thí nghiệm sinh học, hòng tạo ra những cầu thủ giỏi nhất. Tôi vẫn ủng hộ Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển những giá trị bền vững và lâu dài.
Nhà báo L.Trung: Có cả những chuyện nhà cầm quyền lấy súng đạn ra để mua vinh quang nữa kia. Nhưng ý nghĩa của mỗi sự việc khác nhau. Châu Á đang làm tất cả để khẳng định vị trí, làm cả cái việc nhặt rác trên khán đài khiến thế giới ngưỡng mộ (chuyện của các CĐV Nhật, sau trận Nhật - Bờ Biển Ngà). Và nếu không có thành công, làm sao có được sự thừa nhận, làm sao bồi đắp thành bản sắc?
Nhà báo Đức Hoàng: Đúng là bản chất khác nhau, nhưng tôi không thích cái cách người Nhật năm này thì thuê HLV Brazil, chưa thành công thì năm sau thuê... HLV Italia. Đó là sự gắng sức tìm kiếm vinh quang quá đà, không quan tâm đến nền tảng. Cuối cùng thì người Hàn, Nhật sẽ chơi theo phong cách nào đây?
Nhà báo L.Trung: Đó là hành trình. Mà hành trình thì có thể vấp ngã. Vấn đề là cứ đi tìm kiếm đi. Thực ra, bóng đá châu Á đang xây dựng nền tảng riêng. Mấy năm qua, cầu thủ châu Á ở Đức, Anh, Italia tăng chóng mặt.
Nhà báo Đức Hoàng: Tôi không phủ nhận là họ đang làm rất tốt. Nhưng chỉ vì những dấu ấn bước đầu đó mà ủng hộ họ đè bẹp các giá trị truyền thống của cả thế kỷ nay để thành công là chưa nên. Tôi mong Hàn Quốc trở thành một thế lực, nhưng là 20 năm nữa, bằng những bước tiến từ từ, cùng với một văn hóa bóng đá riêng...