Giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam năm 2018
Với những nhà tổ chức giải đấu, mong ước đưa VBA thành giải đấu thể thao hàng đầu Việt Nam đang có nhiều cơ hội thành hiện thực.
Giấc mơ sinh lời
Cách đây hơn 2 năm, khi chuẩn bị khai sinh VBA, những người có trách nhiệm đã phải đứng trước bài toán về lộ trình phát triển của giải đấu. Lúc đó, bóng rổ dù phát triển ở một số thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhưng sức hút của các trận đấu đỉnh cao, trong hệ thống thi đấu thành tích cao quốc gia lại thua kém các trận đấu của các vận động viên phong trào.
Đấy là nghịch lý khó lý giải, từng khiến bóng rổ Việt Nam mất hẳn vị thế trong làng thể thao Việt Nam. Việc cho ra đời một giải đấu mang tính thể thao – giải trí, có cách thức tổ chức khác hẳn nhiều giải đấu thể thao đỉnh cao trước đó tại Việt Nam, cũng mang tính “năm ăn, năm thua”.
VBA 2018 hứa hẹn thu hút đông đảo khán giả. |
Điều tiên quyết khi tổ chức giải đấu này là phải có nguồn lực tài chính dồi dào từ chính các ông bầu. Bởi đơn giản đây là cuộc chơi đầy tốn kém với hàng loạt chi phí từ lương, di chuyển, nơi ăn ở cho vận động viên, truyền thông, thuê nhà thi đấu…
Nếu không có “lực”, các ông bầu dễ hụt hơi trong chính cuộc chơi mà họ góp phần khai sinh. Và giải đấu có hay và hấp dẫn đến mấy cũng không thể lỗ triền miên mà phải có giai đoạn “thu đủ bù chi” và có lúc sẽ sinh lời, qua đó giúp nhà tổ chức thêm động lực duy trì giải.
Thực tế, VBA mùa giải đầu tiên đã gây tiếng vang với những đột phá trong cung cách tổ chức, đưa các cầu thủ bóng rổ đỉnh cao trong nước đến gần khán giả hơn và quan trọng nhất là bóng rổ tìm lại vị trí hàng đầu trong mối quan tâm của người hâm mộ.
Thành công ban đầu ấy đi kèm khoản kinh phí tổ chức đáng kể của nhà tổ chức và đương nhiên phần “thu” kém hẳn phần “chi”. Đến mùa giải thứ hai, tình hình đã khả quan hơn trong đó rõ nhất là kinh phí di chuyển của các đội đã có nhà tài trợ lo liệu.
Còn ở mùa giải thứ ba này, VBA đạt bước tiến mới khi lần đầu tiên bán được bản quyền truyền hình. Mức giá bản quyền truyền hình còn thấp nhưng cũng là đáng kể với một giải đấu bóng rổ ở Việt Nam. Thực tế, ngoài bóng đá, chưa môn thể thao nào ở Việt Nam bán được bản quyền truyền hình.
Vì vậy, đã có những lạc quan nhất định khi giải đấu đang có những bước đi đều đặn trong việc thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, khán giả. Con số 50.000 lượt khán giả ở mùa đầu tiên, 70.000 lượt khán giả ở mùa giải thứ hai rõ ràng đã khiến VBA dễ dàng tiếp cận các nhà tài trợ hơn.
Cho nên, dù nguồn thu mới bằng 30% chi phí tổ chức giải đấu, số phận các đội bóng vẫn phụ thuộc vào hầu bao của các ông bầu nhưng các nhà tổ chức vẫn mạnh dạn đặt mục tiêu sẽ có thể cân bằng thu – chi trong vòng 2-3 năm tới. Từ đó, nhà tổ chức có thể thực hiện tiếp mục tiêu đưa giải đấu sinh lời.
Vẫn phải vì sự phát triển của bóng rổ Việt
VBA cũng là một giải đấu “khác người” so với các giải đấu khác ở Việt Nam. Rõ nhất là quỹ lương của các đội tham dự được khống chế ở mức nhất định. Theo đó, Ban Tổ chức VBA áp mức lương tổng cho mỗi đội là 190 triệu đồng/tháng để bảo đảm sự cân bằng về lực lượng.
Theo đó, lương trung bình của một vận động viên nội trong đội hình chính vào khoảng 12 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm chi phí ăn, ở, đi lại... Ngoài ra, các cầu thủ nội và Việt kiều cũng được nhận nguồn thu nhập thứ hai trong thời gian không tập luyện và thi đấu ở VBA kèm một số điều kiện nhất định. Mức lương trung bình trên dù không nhằm nhò so với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nhưng lại là đáng kể so với mặt bằng lương chung của các cầu thủ bóng rổ Việt Nam.
Ngay như ở đội Hà Nội, nếu không tham dự VBA thì một cầu thủ cũng chỉ có thu nhập khoảng 7 triệu đồng/ tháng (tính cả tiền ăn và tiền công tập luyện). Chính vì vậy, họ được đơn vị chủ quản tạo điều kiện tham dự VBA để tích lũy kinh nghiệm cũng như có thêm thu nhập.
Còn những nhà tổ chức VBA cũng sẽ không lâm vào cảnh bị động khi áp mức lương trên. Một mặt, họ giúp các ông bầu có thể kiểm soát được việc chi tiêu trong một mùa bóng, mặt khác sẽ không có những đội quá mạnh hay quá yếu, từ đó tạo nên những trận cầu hấp dẫn, ngang tài ngang sức tại giải.
Thực tế, ở một số môn khác như bóng đá, bóng chuyền, khi không bị khống chế về mức lương trần, các ông bầu dễ dàng “hút” ngôi sao của các đội khác. Điều này khiến nhiều trận đấu trở nên chênh lệch, khó thu hút khán giả địa phương. Trong khi đó, sự góp mặt của khán giả là yếu tố sống còn để VBA được “tôn” lên trong mắt các doanh nghiệp, nhà tài trợ.
Vì thế, chỉ khi các trận đấu diễn ra ngang ngửa thì mới thu hút khán giả đến sân hay theo dõi qua các phương tiện truyền thông khác. Ngoài ra, Ban Tổ chức giải cũng quy định, mỗi đội tại VBA 2018 sẽ có từ 10-13 nội binh và tối thiểu là 3 vận động viên trẻ. Trong số này, ít nhất phải có 3 cầu thủ là người địa phương nơi đội bóng đóng quân. Đây là điều tiên quyết nhằm phát triển bóng rổ địa phương cũng như thu hút khán giả.
Như chia sẻ của bà Lê Thị Tuyết Nga, Giám đốc điều hành VBA 2018, thì những quy định trên cho thấy mong muốn phát triển bóng rổ trong nước khi đặc biệt ưu tiên vận động viên nội và vận động viên Việt kiều, những người chắc chắn gắn bó lâu dài và đóng góp cho với bóng rổ Việt Nam.
VBA đã có những tác động nhất định tới bóng rổ Việt Nam nhưng về lâu dài, bên cạnh mục tiêu sinh lời thì vẫn phải mang đến những điều tích cực cho bóng rổ Việt Nam, trong đó tạo nên một đội tuyển quốc gia đủ mạnh, có thể tranh chấp huy chương ở SEA Games và các giải đấu cấp độ Đông Nam Á, châu Á khác. Đấy sẽ là nền tảng để bóng rổ có chỗ đứng vững chắc trong làng thể thao Việt Nam.
Giải đấu có tối đa 12 vận động viên Việt kiều thi đấu Cùng với bóng đá, golf, quần vợt, bóng rổ là môn thể thao có nhiều vận động viên Việt kiều bậc nhất Việt Nam. VBA là giải đấu hiếm hoi kết nối cộng đồng người Việt ở nước ngoài và trong nước trong cùng một hoạt động. Tại VBA, mỗi đội bóng chỉ được thuê tối đa 1 vận động viên ngoại nhưng lại được thuê đến 2 vận động viên gốc Việt. Tại giải năm nay có 6 đội tham dự nên sẽ có tối đa 12 cầu thủ Việt kiều góp mặt. (Minh Khuê) |