Vận động viên tự trao huy chương, chuyện chỉ có ở Olympic

09:44 16/07/2021
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành tại Nhật Bản, Thế vận hội Tokyo đã phải thay đổi rất nhiều nghi thức so với các kỳ Olympic truyền thống. Một trong số đó là việc VĐV sẽ phải tự đeo huy chương cho mình thay vì được các quan chức Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) trao như trước kia.

Không bắt tay, không trao huy chương

Chỉ ít ngày trước khi Olympic Tokyo chính thức diễn ra, Chủ tịch IOC Thomas Bach đã phát đi thông điệp về một quy định mới thay đổi hoàn toàn nghi thức vốn có của các kỳ Thế vận hội. "Các quan chức IOC sẽ không trao huy chương cho VĐV nữa, họ phải tự đeo. Huy chương được đưa lên khay, và VĐV phải tự lấy cho mình", ông Bach nói.

Ngoài việc hủy bỏ nghi thức trao huy chương cho VĐV, sẽ không có bắt tay hay ôm nhau ăn mừng ở lễ trao huy chương Olympic. Bên cạnh đó, những người có mặt ở lễ trao huy chương cũng phải đeo khẩu trang lên nhận giải thưởng. Trong trường hợp có những VĐV thuộc cùng một quốc gia ở trên bục nhận huy chương, làm vậy thật khó phân biệt được họ.

Theo Chủ tịch IOC, quy định mới này được đưa ra nhằm ngăn chặn việc lây nhiễm COVID-19 thông qua tiếp xúc, dùng chung đồ vật. Huy chương sẽ được khử trùng, sau đó người bốc lên khay cũng phải đeo găng tay sát khuẩn nhằm đảm bảo tuyệt đối không có ai chạm vào huy chương cả. Lây nhiễm virus qua huy chương nghe có vẻ khó tin, nhưng lại là chuyện có thể xảy ra.

Bản thân IOC cũng thấy việc làm này khó khăn, thậm chí mang tính hình thức nhưng họ vẫn thực hiện. Việc này hoàn toàn trái ngược với các quy định "thoáng" mà UEFA áp dụng khi tổ chức vòng chung kết EURO 2021. Bất chấp số ca lây nhiễm tăng, ngày hội bóng đá hàng đầu châu Âu vẫn diễn ra như dự kiến. Các sân bóng, dù không lấp kín khán giả, vẫn có hàng vạn người đến xem. Họ sẵn sàng vào sân dù biết mình có thể bị nhiễm bệnh. Ngay cả khi quy định phòng dịch được nâng cao, vẫn có những kẽ hở tạo ra lây nhiễm.

Vịnh Tokyo (Nhật Bản).

Ở trận chung kết EURO giữa Anh và Italia, 6 vạn người đã đến sân Wembley, tương đương một phần ba sức chứa của thánh đường bóng đá này. Ở lễ trao giải, Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin cũng không ngần ngại bắt tay và trao huy chương cho các cầu thủ. Cuối cùng, không có ai thuộc 2 đội tuyển hay ban tổ chức giải đấu nhiễm bệnh. Nhưng Olympic không phải EURO, và Nhật Bản càng không phải châu Âu.

"Hủy bỏ, trì hoãn Olympic không thể khiến dịch bệnh giảm bớt nghiêm trọng", ông Bach từng nói vậy ít ngày trước. Tuyên bố đó suy cho cùng không sai, nhưng lại vô thức khiến dân chúng Nhật Bản bất bình. Đó là lý do ngay sau đó vị Chủ tịch IOC phải đến thăm nhiều địa điểm lịch sử tại Nhật Bản nhằm xoa dịu tình hình, nhưng mọi thứ có vẻ không khá hơn. Người dân Nhật không muốn Olympic.

Việc Tokyo hạ lệnh phong tỏa, đưa thành phố vào tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 cho thấy mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19 tại quốc gia này. Đại bộ phận người dân bản xứ cũng không đồng tình với việc tổ chức Olympic giữa thời điểm dịch bệnh. Chỉ có nỗ lực phi thường của IOC qua những cuộc họp với chính phủ Nhật Bản mới giúp Thế vận hội tiếp tục diễn ra, dù gần như sẽ không có khán giả đến sân.

Âm thanh giả, thi đấu thật

Theo ước tính của IOC, chỉ có khoảng 1% số địa điểm tổ chức các môn thi đấu tại Olympic Tokyo được phép đón khán giả đến theo dõi. Đây đều là các sân bóng, nhà thi đấu nằm ngoài khu vực thủ đô Tokyo nên không nằm trong diện phong tỏa, cấm khán giả đến sân. Ngành du lịch của Nhật Bản chịu thiệt hại không ít vì quy định này, nhưng họ vẫn phải làm để đảm bảo an toàn cho người dân.

Không còn những CĐV nhiệt thành cổ vũ trên khán đài nữa, vậy ai sẽ cổ vũ cho các vận động viên? Hiện IOC đang tính đến phương án phát âm thanh cổ vũ giả ở những nơi diễn ra sự kiện. Tương tự các sân bóng châu Âu ghi âm âm thanh cổ vũ rồi phát trên sân giữa các trận đấu, IOC sẽ học theo cách này để tạo không khí sôi động trong những ngày thi đấu Olympic.

Tuy nhiên không phải mọi âm thanh cổ vũ đều sẽ được sử dụng ở Olympic Tokyo. Ông Bach nhấn mạnh hiệu ứng cổ vũ được phát đi chính là âm thanh cổ vũ thu lại ở những kỳ Olympic trước đó. Dẫu sao không khí cổ vũ tại một kỳ Thế vận hội không thể giống như một trận đấu bóng đá hay bóng chuyền, và sẽ thật khó giải thích nếu như việc phát "nhầm" diễn ra trước truyền hình.

Một phương pháp khác được sử dụng để phỏng vấn các VĐV trong thời buổi giãn cách vì COVID-19 sẽ là tương tác trực tuyến. Thay vì đến tận nơi hỏi, phóng viên sẽ ngồi trong cabin trao đổi với VĐV qua màn hình. Gia đình, bạn bè và người thân của các VĐV cũng sẽ được tham gia chung vui cùng họ trên sóng truyền hình Olympic. Ước tính tín hiệu xem qua tivi sẽ chỉ chậm khoảng 6 giây so với nơi trực tiếp diễn ra sự kiện.

Hoãn lại 1 năm, tổ chức ở một thành phố được đặt vào tình trạng khẩn cấp, không có khán giả, nghi thức trao huy chương biến mất, phỏng vấn trực tuyến thay vì trực tiếp... Olympic Tokyo khác xa so với một kỳ Thế vận hội thuần túy trước kia. Đúng như lời ông Bach nói, việc để giải đấu diễn ra đã là nỗ lực phi thường của IOC và Chính phủ Nhật Bản. Nhưng có lẽ chính họ cũng không bao giờ muốn phải thực hiện điều này, và cũng không muốn một kỳ Olympic tương tự tái diễn.

Địa điểm tổ chức Olympic bị chê...

Tokyo vốn nổi tiếng là một trong những thành phố sạch và đẹp nhất thế giới. Vịnh Tokyo vì thế cũng được chọn làm nơi thi đấu những môn thể thao dưới nước ngoài trời như đua thuyền buồm, lướt sóng, bơi cự ly dài... Tuy nhiên một sự cố hy hữu đã diễn ra chỉ ít ngày trước khi Olympic Tokyo chính thức khởi tranh.

Người dân địa phương thông báo dọc bờ vịnh Tokyo những ngày qua rất mất vệ sinh, khi mùi hôi khó chịu liên tục bốc lên ở khu vực ven bờ. Chính quyền địa phương đã giải quyết bằng việc đổ hàng nghìn tấn cát xuống vịnh Tokyo nhưng mọi thứ không được cải thiện. Chỉ ít ngày sau khi đổ cát, mùi hôi tiếp tục bốc lên, gây hại đến khả năng thi đấu của các VĐV.

Nguyên nhân khiến vịnh Tokyo mất vệ sinh một phần bởi các sinh vật biển trôi dạt vào bờ và phân hủy sẽ phát tán đi các chất ô nhiễm. Mặt khác, vịnh Tokyo hoàn toàn không có cơ chế xử lý nước thải giống như nhiều nơi khác. Điều đó khiến cho tình hình ngày càng trầm trọng hơn.

An Khánh

Lễ hội vật cầu nước (hay vật cầu bùn) được tổ chức 4 năm 1 lần tại làng Vân (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) từ ngày 12-15/4 Âm lịch. Bộ Văn hoá Thể thao &Du lịch đã trao bằng công nhận lễ hội này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2022.

Vụ cháy xảy ra tại nhà cho thuê trọ cao 9 tầng, địa chỉ số 269 phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khu vực xảy ra cháy ở trong trục kỹ thuật điện thông tầng từ tầng 5 đến tầng 9 của công trình, nên đã phát sinh nhiều khói, khí độc hại.

Vào dịp nghỉ cuối tuần, dòng người đổ về TP Hải Phòng đông nườm nượp, du khách hào hứng vừa trải nghiệm “foodtour Hải Phòng”, vừa chụp ảnh “check in”, đặc biệt dưới sắc màu rực cháy của hoa phượng đỏ tháng 5.

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, thời gian qua, một số chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án không đúng tên đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định để thực hiện quảng cáo, rao bán bất động sản không đảm bảo quy định pháp luật.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo luật có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Trong chuyến công tác thu thập tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng truyền thống của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, tôi có dịp về thăm đồng chí Ngô Văn Núi – nguyên chiến sĩ Trung đoàn 600 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, một trong số những cán bộ chiến sĩ vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc giai đoạn kháng chiến chống Pháp cho đến khi Người qua đời. Ở tuổi 94, mặc dù sức khỏe không được tốt, đi lại khó khăn, nhưng người lính cận vệ năm xưa vẫn minh mẫn lạ thường khi kể về những kỷ niệm của ông với Bác Hồ trong suốt 15 năm được may mắn, vinh dự bảo vệ Người.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Trịnh Xuân An cho biết, thực chất, khoản 8, Điều 8 Luật hiện hành (Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đã cấm tuyệt đối: "cấm điều khiển ô tô, xe máy chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Việc này vừa có cơ sở pháp lý, vừa có cơ sở lý luận, khoa học.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文