3 thị trường xuất khẩu lao động được "khơi thông"

10:15 18/11/2021

Ba thị trường lớn gồm Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc đã chính thức mở cửa lại tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam từ tháng 11/2021 là thông tin đáng mừng với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và hàng chục nghìn lao động Việt Nam.

Từ đầu năm tới nay, theo con số của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 mà gần 40 nghìn lao động Việt Nam đã hoàn thành thủ tục không thể xuất cảnh. Các thị trường lớn này mở lại được kỳ vọng sẽ khơi thông dòng chảy cho lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc trong thời gian tới.

Sẵn sàng chờ xuất cảnh

Hoàn thành đào tạo kỹ năng và thủ tục, dự kiến sẽ xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc từ tháng 2/2021, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 mà đến nay anh Nguyễn Ngọc Hoàng (Thường Tín, Hà Nội) vẫn chưa thể xuất cảnh.  “Giữa tháng 2, mọi thứ đã xong, visa cũng đã có nhưng dịch COVID-19 bùng phát, lan nhanh, khiến nhiều nước phải tạm dừng tiếp nhận lao động nên tôi không bay được như dự kiến.

Cả một thời gian dài ngồi chờ, gia đình tôi, ai cũng rất nóng ruột. Để có tiền đi xuất khẩu lao động Nhật Bản, gia đình phải vay ngân hàng. Thế nhưng, dịch cứ diễn biến phức tạp kéo dài, không biết khi nào mới có thể đi được để có nguồn thu nhập chi trả các chi phí. Cũng may phía Nhật Bản đã tiếp nhận lại lao động, hy vọng tôi có thể được xuất cảnh sớm”, anh Hoàng chia sẻ.

Thị trường Nhật Bản mở cửa lại tiếp nhận lao động Việt Nam.

Đã được Cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản cấp COE (thẻ xác nhận tư cách lưu trú hợp pháp tại Nhật Bản), chị Nguyễn Cẩm Nhung (trú tại Thạch Thất, Hà Nội) cũng nghĩ rằng mình sẽ thuận lợi xuất cảnh từ đầu năm, nhưng do dịch diễn biến quá phức tạp mà chị cũng như gần 100 lao động của đơn hàng này suốt thời gian qua luôn thấp thỏm chờ đợi.

“Những người phải chọn con đường xuất khẩu lao động đa phần đều không dư dả, hầu hết phải đi vay mượn để có đủ chi phí và trang trải học hành. Cả năm ngồi chờ, mọi chi tiêu sinh hoạt, trả lãi hàng tháng cho khoản tiền vay mượn kia càng thêm áp lực. Tôi đang không biết mọi chuyện rồi sẽ đi về đâu thì nhận được thông tin Nhật Bản đã mở cửa lại tiếp nhận lao động, cả gia đình tôi ai cũng khấp khởi. Tôi cũng đang liên hệ với công ty về việc này, hy vọng việc xuất cảnh sẽ thuận buồm xuôi gió”, chị Nhung cho hay.

Trung bình mỗi năm đưa khoảng 700 lao động ra nước ngoài làm việc chủ yếu ở thị trường lớn như: Đài Loan, Nhật Bản, thế nhưng, 2 năm qua, Công ty cổ phần cung ứng nhân lực HMC đã phải “gồng mình” để vượt qua “cơn bão COVID-19”. Đơn hàng tồn chưa thể xuất cảnh từ đầu năm đến nay cũng hơn 100 lao động. Thông tin cả Nhật Bản và Đài Loan cùng mở cửa lại tiếp nhận lao động là tin không thể vui hơn.

Ông Đoàn Ngọc Sỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty HMC cho hay, khi hoàn thành chương trình đào tạo, đa số người lao động đi làm việc ngay tại các nước. Từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là từ khi dừng đường bay sang Nhật Bản, hoạt động gần như giảm 100%. “Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để điều chỉnh, chuẩn bị chu đáo các bước đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng... Hỗ trợ người lao động cập nhật thông tin, nâng cao sức khỏe phòng dịch. Người lao động cũng được dành nhiều thời gian cho học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, ôn luyện ngoại ngữ, tìm hiểu văn hóa và rèn luyện tác phong, kỹ năng làm việc của nước bạn nhằm nhanh chóng hòa nhập. Với những lao động đã đủ điều kiện, chúng tôi chuẩn bị đầy đủ hành trang, sẵn sàng chờ xuất cảnh sang Nhật Bản”, ông Sỹ cho biết.

Dự kiến, 15-20 nghìn lao động xuất cảnh tháng cuối năm

Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TBXH), đối với Nhật Bản từ 5/11/2021, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã chính thức thông báo nới lỏng nhập cảnh cho một số đối tượng thuộc diện ưu tiên trong chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ, trong đó có thực tập sinh và lao động Việt Nam. Hồ sơ đăng ký được tiếp nhận bắt đầu từ 10h sáng (giờ Nhật) ngày 8/11/2021. Sau khi nhập cảnh, công ty tiếp nhận và nghiệp đoàn quản lý có trách nhiệm quản lý các hoạt động đi lại và cách ly của thực tập sinh.

“Hiện, Chính phủ Nhật Bản tạm thời cho phép 3.500 người nhập cảnh 1 ngày, dự kiến cuối tháng 11 sẽ xem xét nâng lên 5.000 người/ngày. Các cơ quan chức năng Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục đưa ra hướng dẫn mới cho thực tập sinh nhập cảnh trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin truyền thông, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết.

Còn đối với thị trường Đài Loan, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, theo thông tin từ Ban quản lý lao động Việt Nam tại Đài Bắc, Đài Loan đã có thông báo về việc mở cửa trở lại tiếp nhận lao động nước ngoài trong tháng 11/2021 và dự kiến sẽ tạm thời tiếp nhận cho đến tháng 12/2021 phụ thuộc vào việc các nước cung ứng lao động đáp ứng các điều kiện phòng dịch mà Đài Loan đề nghị.

Trong khi đó, để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như để phù hợp với chính sách “sống chung với COVID-19, từng bước hồi phục cuộc sống bình thường”, Chính phủ Hàn Quốc sẽ áp dụng các chính sách nhằm tăng số lượng lao động nước ngoài nhập cảnh vào cuối tháng 11/2021. Phía Hàn Quốc đã dỡ bỏ hạn chế về số lượng lao động nhập cảnh hàng ngày, hàng tuần; đồng thời cho phép người lao động từ tất cả các quốc gia phái cử được nhập cảnh nếu đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch COVID-19 trong nước như đã tiêm vaccine trước khi xuất cảnh, có xét nghiệm PCR âm tính…

“Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có thông tin đến các doanh nghiệp tham gia đưa lao động ra nước ngoài làm việc về vấn đề này và cũng đã có doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp visa đến đại sứ quán nước tiếp nhận. Các doanh nghiệp hiện đang rất khẩn trương để giải quyết cho số lao động đang chờ bay. Chỉ tính riêng thị trường Nhật Bản, hiện có 55 nghìn lao động đang chờ bay. Trong đó có 7,6 nghìn lao động đã hết hạn visa, 28 nghìn người đã có tư cách lưu trú ở Nhật Bản rồi đang chờ xin visa (phía Nhật Bản cấp theo từng giai đoạn), còn 18 nghìn lao động đã trúng tuyển ở phía Việt Nam và đang học tập, đào tạo đợi thi đơn hàng bên Nhật. Chúng tôi kỳ vọng, từ nay đến cuối năm còn 1 tháng nữa sẽ đưa được 15-20 nghìn lao động ra nước ngoài làm việc”, bà Hà thông tin.

Phan Hoạt

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文