6 tháng cuối năm: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Dù tốc độ tăng trưởng tín dụng được đánh giá là cải thiện dần qua các tháng nhưng vẫn thấp. Có những tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng thấp hơn mức chung, thậm chí tăng trưởng âm.
Còn tổ chức tín dụng tăng trưởng âm
Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024, tổ chức ngày 19/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt đối với hệ thống ngân hàng, trong đó vấn đề tín dụng được đề cập tới nhiều. Theo yêu cầu của Thủ tướng, hết quý II/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 5-6%, cả năm đạt 15-16% theo mục tiêu đề ra. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 14/6, tín dụng tăng 3,79%.
Thống đốc Hồng cho biết thời gian qua, NHNN đã ban hành rất nhiều chỉ thị, quyết định, công văn để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. NHNN đã nâng quy mô gói tín dụng lâm sản thủy sản lên 30.000 tỷ đồng; đang đề xuất sửa đổi chương trình 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội theo hướng ưu đãi hơn. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng, doanh số tín dụng mà các TCTD đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn hơn doanh số của cùng kỳ 3 năm trước. Tuy nhiên, tại một số địa phương tăng trưởng tín dụng còn thấp; có những TCTD tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm.
Cụ thể, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin, đến nay vẫn còn 23 tỉnh tăng trưởng tín dụng âm, 29 tỉnh tăng trưởng không quá 2%. Đối với hệ thống TCTD, bên cạnh những ngân hàng tăng trưởng cao hơn 10% thì vẫn có những ngân hàng tín dụng âm hơn 4%. Điều này cho thấy về tổng thể cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ được cho là động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân.
Mặc dù ngành Ngân hàng nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhưng đến thời điểm này tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp. Do vậy, Thống đốc đề nghị các ngân hàng tập trung làm rõ nguyên nhân, đánh giá những lĩnh vực nào có tiềm năng để thúc đẩy tín dụng cũng như đề xuất giải pháp đảm bảo tăng trưởng tín dụng đúng, trúng, kiểm soát được rủi ro, tăng cường an toàn hệ thống.
Đáng chú ý, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết từ đầu năm đến nay, NHNN đã cấp toàn bộ room tín dụng cho các ngân hàng. Tuy vậy, với thực tế trong 6 tháng đầu năm, có ngân hàng tăng trưởng tín dụng nhanh song cũng có ngân hàng tăng trưởng tín dụng chậm, thậm chí tăng trưởng tín dụng âm. Vì vậy, Thống đốc đề nghị các ngân hàng bàn bạc tới câu chuyện điều phối room tín dụng nếu có vướng mắc, hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống.
Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay
Tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ yêu cầu NHNN sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát rủi ro nợ xấu, triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng.
NHNN phải làm việc ngay với các TCTD, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước để tiếp tục chỉ đạo tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm lãi suất cho vay; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, ưu tiên hạn mức tín dụng cho các TCTD hoạt động hiệu quả, nhất là cho nhà ở xã hội, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn …
Trên tinh thần đó, NHNN cho biết từ nay đến cuối năm, với những chỉ đạo quyết liệt hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, thị trường, phối hợp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm khả quan. Trong điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất tiếp tục được điều hành ổn định theo hướng từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế; điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Đặc biệt, NHNN tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động; tiếp tục chỉ đạo các TCTD công bố công khai lãi suất cho vay bình quân, chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn có tính mùa vụ cao đối với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực (lúa gạo, cà phê, thủy sản,…).
Đồng thời, rà soát để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế: lĩnh vực bất động sản, các dự án hạ tầng giao thông, các ngành như xi măng, sắt, thép, vật liệu xây dựng…
Triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội; chương trình cho vay 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Chính thức gia hạn Thông tư 02 về giãn nợ thêm 6 tháng
NHNN đã chính thức gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng nữa, tức là sẽ kéo dài đến hết hết năm 2024 thay vì kết thúc ngày 30/6.