Bán hàng online lấn át thương mại điện tử chính thống
- Những chiêu trò lừa đảo bán hàng online
- Người tiêu dùng Việt Nam chọn mua hàng online vì tiết kiệm thời gian
- Lo ngay ngáy khi mua hàng online
Trong 4 năm tới, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam được dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD. Dù được đánh giá là “mảnh đất” vô cùng màu mỡ, nhưng thị phần người bán hàng online tự phát với kiểu “3 không” đang bùng phát mạnh, trong khi các “ông lớn” đang dần bị thu hẹp, lặng lẽ rút khỏi thị trường...
Theo ông Phạm Thái Bình, Trưởng Bộ phận bán lẻ của chi nhánh Savills TP Hồ Chí Minh, trong tháng 3, thị trường TMĐT Việt Nam đón nhận thông tin về sự thâm nhập của Amazon - tên tuổi đình đám trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến toàn cầu.
Dù tham gia dưới hình thức, cấp độ nào của “ông trùm” này vẫn đang còn là một ẩn số, thì đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp (DN) trong nước nhìn lại sự phát triển của TMĐT tại thị trường nội địa. Với nhiều người tiêu dùng (NTD), mua sắm truyền thống hiện đang dần mờ nhạt do bị chi phối bởi kênh TMĐT nhờ vào sự phát triển của Internet và những công nghệ phụ trợ hiện đại.
Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay phần lớn vẫn là người bán hàng online tự do. Ảnh minh họa: CTV. |
Bên cạnh những trang mua sắm đang thể hiện rõ tính chuyên nghiệp như Lazada, Thegioididong, Sendo, Shopee, Tiki… do được đầu tư bài bản, TMĐT trong nước vẫn đang tồn tại các loại hình mua, bán qua mạng xã hội như Facebook, Zalo…
Chính kiểu “nhà nhà bán hàng, người người bán hàng” trên mạng này dù có quy mô nhỏ lẻ, nhưng cộng lại là con số vô cùng lớn. Hầu hết người tham gia bán hàng online vẫn tự do mua bán kiểu “3 không”: Không đăng ký kinh doanh, không phải chi trả mặt bằng và không nộp thuế.
Người bán hàng online tự do thực hiện kiểu “3 không” nên chi phí bỏ ra thấp, dẫn đến giá thành sản phẩm thấp, khiến việc bán hàng qua mạng xã hội được đón nhận số đông NTD. Trong khi đó, các trang mạng tên tuổi, đầu tư bài bản từ con người đến hệ thống vận hành lại đang gặp không ít khó khăn từ các gánh nặng chi phí liên quan.
Ông Bình nhìn nhận, chi phí marketing như tiếp thị, quảng cáo… giữ vai trò then chốt trong lĩnh vực TMĐT và chiếm tỷ lệ không hề nhỏ như nhiều người vẫn nghĩ. Ngân sách làm marketing trong 2 năm đầu của ngành TMĐT với thị trường nội địa đã xấp xỉ 2 triệu USD; hiệu quả mang tính “sống còn” của DN làm TMĐT sẽ được định đoạt sau khi chi hết số tiền này. Kết quả, hoạt động TMĐT trong nước đã chứng kiến không ít thương hiệu lặng lẽ rút lui khỏi thị trường trong thời gian qua, kể cả những “ông lớn”.
Bà Nguyễn Phương Thảo, Quản lý cấp cao các dự án kinh doanh hiệu quả của Nielsen Việt Nam nhận định: “Theo nghiên cứu hành vi tiêu dùng mua sắm đa kênh thì thấy rằng mức độ thâm nhập TMĐT của người dùng tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2017, tỷ lệ người dùng tham gia mua sắm trực tuyến những mặt hàng với tần suất nhiều. Mức tăng trưởng TMĐT 25% trong năm 2017 là con số đánh giá sát với thị trường. Với mức tăng trưởng như vậy, hy vọng những năm sau mức tăng sẽ còn cao hơn nữa”.
Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay phần lớn vẫn là người bán hàng online tự do. |
Theo khảo sát của Nielsen Việt Nam, có hơn 55% người tiêu dùng (NTD) thừa nhận đã và sẵn sàng mua sắm trực tuyến. NTD trong nước dành 3-4 giờ/ngày để lên mạng Internet. Như vậy, đây sẽ là cơ hội rất lớn của các DN kinh doanh TMĐT.
Theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, ngành TMĐT trong nước đang có mức tăng trưởng khoảng 25% và có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020. Trong 4 năm tới, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam được dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD.
Bên cạnh DN, các quỹ đầu tư và tập đoàn nước ngoài cũng tích cực mua cổ phần, bỏ tiền đầu tư cho các sàn và các trang TMĐT trong nước, khiến cho thị trường ngày càng sôi động. Tuy nhiên, dù tiềm năng phát triển là có thật, nhưng TMĐT tại Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít trở ngại. Bởi trong thời gian qua, khi bán hàng online dạng tự phát bùng phát mạnh mẽ thì một số đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội, lừa NTD.
Số liệu khảo sát được Savills cũng cho thấy, có trên 50% người mua sắm trong nước được khảo sát cho rằng, thích mua hàng ở nước ngoài do sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, bên cạnh dịch vụ, thanh toán, hậu mãi tốt...
Với thị trường vô cùng tiềm năng như vậy, để trụ vững trên “sân nhà”, ngay từ bây giờ các DN TMĐT cần giải quyết triệt để những khó khăn, tồn đọng. Đặc biệt là lấy lại niềm tin của NTD bằng sản phẩm chất lượng, giá cả ổn định và thực hiện tốt chế độ hậu mãi để không còn là rào cản ngán ngại của NTD.