Bitcoin tăng giá do đầu cơ
- Chủ động quản lý bitcoin, tránh các tác động xấu
- Máy đào bitcoin ồ ạt về TP Hồ Chí Minh
- Bong bóng Bitcoin chuẩn bị vỡ?
Tại buổi tọa đàm, ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico cho rằng giá của bitcoin không dựa vào bất kỳ điều gì, không ai bảo lãnh. “Chẳng hạn như đi trên đường, tốc độ giới hạn là 100km/h, thì khi đi 80km/h có thể biết là sắp tới giới hạn rồi, sắp phạm luật rồi. Nhưng bitcoin thì không có quy tắc nào, nó có thể lên đến hàng triệu USD nhưng cũng có thể sập ngay tối nay”, ông Đức nghi ngại.
Thực ra việc tăng giá “không có quy tắc” của bitcoin thì ai cũng nhìn thấy và nhiều định chế tài chính cũng đã đưa ra cảnh báo này. Bloomberg mới đây đã liệt kê một loạt các lý do khiến bitcoin lao dốc như rủi ro bị hack, sàn giao dịch bỗng dưng biến mất hay sự kiểm soát của giới chức. Tuy nhiên, có một lý do gọi là "chẳng có lý do gì" khiến đồng bitcoin tăng giá. Thế nhưng, số người lao vào bitcoin càng ngày càng tăng theo cấp số nhân. Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, bitcoin hấp dẫn chính là sự tăng giá mạnh thời gian qua, sự kỳ vọng giá thời gian tới và còn bởi sự “lơ mơ” của người tiêu dùng.
“Cơn sốt” bitcoin hiện nay cũng giống như thị trường chứng khoán cách đây 11 năm, song tiền ảo khó hơn chứng khoán rất nhiều, mọi người càng hiểu lơ mơ, càng lao vào và vì vậy giá còn có thể tiếp tục tăng. Tuy vậy, luật sư Đức cũng cảnh báo, tiền ảo sẽ không bao giờ được coi là tiền. Cho đến nay, tiền ảo tăng giá là do có tiền thật rót vào, một khi tiền thật dừng rót vào, tiền ảo sẽ sập.
Đồng quan điểm ông Nguyễn Duy Hưng- Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng ví bitcoin như một cục than nóng, người cuối cùng cầm cục than nóng ấy sẽ là người chết. Khi nó sập sẽ gắn đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ông Hưng cũng dẫn số liệu thống kê từ các công ty môi giới, số lượng người mở tài khoản đầu tư bitcoin tăng nhanh, kèm theo đó là sự tăng giá của tiền điện tử này đến 4 lần chỉ trong vòng 3 tháng.
Đầu tư bitcoin không phải mạo hiểm mà là vô cùng nguy hiểm. |
“Tốc độ kiếm tiền do đồng tiền này tăng giá nhanh hấp dẫn những người đầu cơ”. Theo ông Hưng, có 2 lý do khiến cho đồng tiền ảo tăng giá mạnh như vũ bão: thứ nhất nó là một công cụ mang tính đầu cơ, thứ hai nó có thể là công cụ chuyển tiền bất hợp pháp bởi tính ẩn danh của công nghệ này.
Đáng chú ý, không phải chỉ các chuyên gia lên tiếng “phản biện”, mà ngay cả chính những “người trong cuộc” như ông Dominik Weil và ông Nguyễn Việt Bách - hai đại diện trẻ đến từ Bitcoinvn cũng thừa nhận ứng dụng hiện nay của bitcoin chủ yếu được mọi người nhìn nhận dưới góc độ đầu cơ nhiều hơn. "Đa số mọi người đổ xô vào bitcoin chỉ với mục đích này, còn việc mua để sử dụng chúng tôi thấy không nhiều. Họ mua chờ khi giá lên để bán".Còn ông Dominik Weil chia sẻ “Đứng dưới góc độ cung cấp sản phẩm, đa số mọi người đổ xô vào thị trường chỉ để sinh lời, nói trắng ra là đầu cơ. Họ chỉ muốn mua, để lên giá thì bán”
Vậy, nguy cơ nào chờ đợi những nhà đầu tư đang nhắm măt lao vào bitcoin? Liệu bong bóng giá có sớm vỡ gây ra hệ lụy khủng hoảng kinh tế toàn cầu như cảnh báo? Ông Nguyễn Việt Bách cho rằng trong 1-2 năm nữa có thể đồng tiền ảo này vẫn sẽ tăng, thậm chí lên mức 50.000 – 100.000 USD.
Nhưng về lâu dài có thể sẽ không thể tiếp tục xu hướng tăng, do sự xuất hiện của nhiều đồng tiền ảo khác, và bản thân bitcoin cũng phân hóa ra nhiều đồng tiền ảo khác nhau. Ông Trần Hữu Đức - thành viên Ban quản trị CLB Fintech Vietnam thì cho rằng thị trường bitcoin hiện nay đang bị thao túng quá lớn nên rất khó dự đoán. Trước đây, đa phần chỉ có những người không chuyên và bán chuyên đầu tư bitcoin, nhưng thời gian gần đây rất nhiều định chế tài chính đã tham gia nên rất khó đoán định. Giá bitcoin lên hay xuống phụ thuộc hoàn toàn vào lực của thị trường.
“Nhưng rủi ro sẽ là rất lớn. Nếu mua bitcoin rồi giá trị của nó đi xuống hoặc sàn đầu tư sập, rủi ro đó sẽ không được bảo vệ. Đầu tư bitcoin không phải mạo hiểm mà là vô cùng nguy hiểm”, Luật sư Trương Thanh Đức khuyến cáo và nhấn mạnh rằng khi bitcoin chưa được ngân hàng trung ương công nhận nó sẽ tiềm ẩn một số rủi ro và chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Hưng thì cho rằng quyết định giữ tài sản và chấp nhận mức độ rủi ro là quyết định của mỗi cá nhân, nhà nước không thể can thiệp, song để kiềm chế rủi ro, mỗi cá nhân cần kiềm chế lòng tham.