Bỏ điều kiện với khí, tại sao không bỏ với xăng dầu?
- Bộ Tài chính đã làm gì với thuế bình quân gia quyền xăng dầu?
- Thuế bình quân gia quyền xăng dầu thiếu minh bạch?
- Xăng giảm giá nhẹ, quỹ bình ổn xăng dầu phải ... "bù lỗ"
Tại đây, Bộ Công Thương đã mang đến một lộ trình rõ ràng hơn để hiện thực hóa tuyên bố, nhưng nhiều đại biểu lại băn khoăn về tiêu chí bãi bỏ điều kiện của bộ, khi ngành này đột phá, ngành kia lại không.
Đã từng nhiều lần khẳng định cắt giảm điều kiện kinh doanh không phải để làm màu, không phải một cuộc “phiêu lưu chính trị”, tại cuộc họp này, ông Trần Tuấn Anh một lần nữa khẳng định: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách mà Bộ này sẽ tiếp tục làm quyết liệt trong thời gian tới.
Tuy vậy, bên cạnh việc cắt giảm, ông Trần Tuấn Anh cũng nhắc đến một sự cố gần đây như rò rỉ amonic tại TP Hồ Chí Minh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe người dân, hay việc pha dung môi thành xăng “giả” để kinh doanh, và đặt dấu hỏi: Tuy đó là vấn đề đơn lẻ, nhưng đặt ra vấn đề về điều kiện kinh doanh cụ thể với lĩnh vực này, phương án xử lý các sự cố hóa chất, quản lí hóa chất đã thực hiện được hay chưa? Nếu tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu lực quản lí của nhà nước thì vai trò của địa phương như thế nào? Chúng ta xem xét đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, nhưng cái gì cần tăng cường vẫn phải tăng cường, chứ không phải cắt bỏ hết.
Xăng dầu là ngành vẫn bị giữ điều kiện kinh doanh rất cao và nhiều chuyên gia thắc mắc về điều này. |
Về lộ trình hiện thực hóa tuyên bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Bộ Công Thương đang cố gắng hoàn thành dự thảo Nghị định sửa nhiều nghị định, hi vọng có thể trình Chính phủ chậm nhất trong ngày 30-10. Tuy vậy, nhiều ý kiến băn khoăn về lộ trình gấp gáp này.
Đại diện Bộ Tư pháp bên cạnh hoan nghênh động thái của Bộ Công Thương cũng chia sẻ: Có nhiều quy định trước đây khi thẩm định, Bộ Tư pháp đã kiến nghị bỏ, nhưng không được chấp nhận, có thể do thời điểm lịch sử. Nhưng nếu chỉ bỏ điều kiện mà vẫn còn giấy phép thì rõ ràng vẫn là tiền kiểm chưa phải hậu kiểm. Trong khi hiện nay, Bộ Công Thương chưa đả động đến việc bỏ giấy phép hay giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nào, nên cần xem xét bãi bỏ ở một chừng mực nào đó.
Về Nghị định mà Bộ Công Thương dự định trình, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng: Nhìn thì tưởng bãi bỏ là đơn giản, song nếu không cân nhắc kĩ, đánh giá tác động thì sẽ có những tác động chưa lường hết, nhất là liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh thì nên dành thời gian thích đáng lấy ý kiến các đối tượng tác động.
Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, không nên áp dụng thủ tục rút gọn với nghị định này mà làm theo đúng thủ tục để đầu năm sau trình Thủ tướng thông qua, chứ không đến nỗi gấp gáp trong năm nay.
“Khí đã bỏ nhiều điều kiện về quy mô, hệ thống phân phối, nhưng riêng xăng dầu thì vẫn duy trì. Bộ Công Thương có lập luận thế nào chúng tôi chưa nắm được, nhưng sửa khí mà không đánh giá việc tiếp tục duy trì với xăng dầu thì chưa thỏa đáng” – ông này bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng – Phó phòng Xây dựng pháp luật – Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chia sẻ nhiều băn khoăn tương tự: “Trên thực tế, điều kiện với phân phối khí, rượu có đột phá mạnh mẽ, nhưng phân phối xăng dầu vẫn được giữ nguyên. Không hiểu sao lại thế? Các quy định liên quan đến quy mô được bỏ ở một số ngành nhưng vẫn giữ một số ngành khác. Cắt giảm thiếu đồng bộ thế này có thể khiến quan điểm và nguyên tắc rà soát thiếu thống nhất, nguy cơ bỏ sót điều kiện kinh doanh chưa phù hợp” – bà Hồng nêu quan điểm.
Bày tỏ “hoan nghênh các ý kiến phản biện”, ông Trần Tuấn Anh cho biết sẽ tiếp tục lắng nghe chứ không áp đặt ý kiến một chiều của bộ, và cũng không thực hiện rập khuôn máy móc theo ý kiến phản biện. “Có rất nhiều lĩnh vực chúng cũng có các yêu cầu. Có thể cách hiểu của chúng ta chưa hoàn toàn thống nhất”.
Lý giải về điều kiện với xăng dầu, Bộ trưởng Công Thương cho biết: Đây là lĩnh vực nhạy cảm, ngành hàng này có đặc thù riêng là nguyên liệu quan trọng đảm bảo huyết mạnh nền kinh tế. Nghị định 83 đang được điều hành đạt kết quả tích cực. Dù có một số vấn đề cần nghiên cứu về cơ chế giá, phân phối, đầu mối, nhưng chúng tôi sẽ tiếp thu, nghiên cứu để có điều chỉnh cần thiết vào thời điểm thích hợp”.
Tại buổi làm việc này, ông Trần Tuấn Anh cũng đề nghị: “Đừng nhìn vào các con số, mà nhìn vào thực tế. Bãi bỏ 675, 700, thậm chí 1.000 điều kiện - con số đó chẳng nói lên điều gì cả. Quan trọng nhất là việc cắt giảm ấy có đi vào thực chất hay không, có tạo điều kiện thuận lợi cũng như gỡ khó cho doanh nghiệp hay không. Cắt giảm phải là thực chất chứ không phải đưa các con số ra cho đẹp”.