Buôn lậu xăng dầu trên biển ngày càng phức tạp và nghiêm trọng
Vào lúc 8h30 ngày 24-4, tại tọa độ 802900N-10505800E vùng biển phía Tây Tây Nam, cách huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gần 30 hải lý, Biên đội I/19, Hải đoàn 18- Bộ đội Biên phòng vừa tiến hành bắt giữ tàu TG 94997 TS vận chuyển khoảng 80.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc. Qua kiểm tra hành chính đối với tàu TG 94997 TS, thuyền trưởng Đoàn Văn Hải, sinh năm 1967, quê quán TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang không xuất trình được giấy tờ theo quy định
Hay vào hồi 5h15 ngày 3-4 tại vùng biển Bạch Long Vỹ, Hải Phòng, tổ công tác Đoàn trinh sát số 1 kiểm tra tàu dầu biển kiểm soát NĐ 95222. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 5 thuyền viên; tàu đang vận chuyển gần 200.000 lít dầu DO, thuyền trưởng không xuất trình được giấy tờ chứng nhận nguồn gốc hàng hóa, không có kế hoạch ứng cứu sự cố tràn dầu.
Hay vào lúc 3h10 ngày 13-4, tại tọa độ 20o 08 775N- 106o 38 956E thuộc vùng biển Thái Bình, Đoàn Đặc nhiệm miền Bắc (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) chủ trì, phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình phát hiện, kiểm tra tàu Thịnh Phát 06 - BKS: ĐN 2984, do ông Ninh Quang Huỳnh, SN 1969, trú tại thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định làm thuyền trưởng cùng 7 thuyền viên, đang vận chuyển 500m3 dầu DO, không có giấy tờ hợp lệ.
Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật (Bộ Tư lệnh Cảnh Sát biển Việt Nam) Trần Văn Nam cho biết, tình hình tội phạm, vi phạm trên biển và trên các địa bàn liên quan diễn biến phức tạp. Trong đó, mặt hàng xăng, dầu nổi lên tình trạng buôn lậu xăng, dầu vào nội địa Việt Nam để tiêu thụ. Đơn cử như các đối tượng mua xăng, dầu của tàu nước ngoài với giá rẻ không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hoá. Việc mua bán dầu thường diễn ra ở tại khu vực giáp ranh giữa Việt Nam và nước ngoài.
Tình hình buôn lậu xăng dầu trên biển đang diễn ra theo chiều hướng phức tạp và mức độ ngày càng nghiêm trọng. |
Khi bị phát hiện, các đối tượng nhanh chóng có động chạy ra khỏi vùng biển Việt Nam. Vào lúc 20h00 ngày 14-4, tại khu vực cách Đông Nam Lý Sơn khoảng 18 hải lý, lực lượng gồm tàu CSB 2014/BTL Vùng Cảnh sát biển 2 phối hợp với Cục CO3/Bộ Công an và Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi phát hiện và bắt quả tang 2 tàu Pioneer Spirit (quốc tịch Hàn Quốc) và tàu QNg 0350 có hành vi sang mạn dầu trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, tàu Pioneer Spirit còn khoảng 1.923.094 lít xăng A95, đã bơm khoảng 344.328 lít xăng A95 cho tàu QNg 0350; toàn bộ số xăng A95 trên không có hóa đơn chứng từ hợp pháp.
Theo ông Trần Văn Nam, buôn lậu xăng, dầu trên biển diễn biến phức tạp và gia tăng không kể giá xăng dầu trong nước tăng hay giảm. Số lượng rất là lớn, hầu hết các vụ bắt giữ đều trị giá tiền tỷ.
“Các đối tượng mua xăng dầu của các tàu nước ngoài với giá rẻ chỉ bằng khoảng 2/3 giá bán lẻ ở trong nước. Những vụ việc do Cảnh sát biển bắt giữ hầu hết là ở các vùng biển xa đất liền, từ 100-150 hải lý. Các khu vực sang mạn xăng, dầu thường diễn ra ở khu vực giáp ranh ở vùng biển Tây Nam, giáp ranh giữa Việt Nam - Malaysia; Việt Nam- Indonesia; Việt Nam – Thái Lan. Tàu được cho phép các dịch vụ hậu cần nghề cá như thực phẩm, xăng dầu, nước ngọt cho tàu cá, nhưng đến vùng giáp ranh thì mua xăng, dầu để buôn lậu. Bên cạnh đó là những đầu nậu ở trên đất liền thì ra các vùng biển giáp ranh đó mua xăng, dầu của các tàu nước ngoài, vận chuyển vào đất liền tiêu thụ, gây thất thoát ngân sách rất lớn”.
Cũng theo ông Nam, khó khăn trong công tác đấu tranh chống buôn lậu trên biển của lực lượng Cảnh sát biển là vùng biển rộng (trên 1 triệu km vuông), 200 hải lý đặc quyền kinh tế. Trong nhiều vụ việc, lực lượng Cảnh sát biển thực hiện quyền tài phán quốc gia, bắt giữ tàu nước ngoài, tàu Việt Nam vi phạm ở những vùng biển xa, cách đất liền từ 150 đến 170 hải lý.
Bên cạnh đó, các đối tượng buôn lậu thường vận chuyển số lượng hàng lớn, trị giá lớn và luôn có sự cảnh giác, trang bị các khí tài quan sát, dụng cụ nghe nhìn từ xa để phát hiện lực lượng chức năng (trên 10km). Do vậy, ở vùng biển giáp ranh, các đối tượng rất dễ tẩu thoát hàng hóa sang các vùng biển nước ngoài. Mặt khác, trong công tác đấu tranh chống buôn lậu trên biển, lực lượng Cảnh sát biển phải đối mặt với tình hình thời tiết khắc nghiệt, sóng to, gió lớn, biển động làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ, cũng như công tác tuần tra, kiểm soát, cũng như dẫn giải phương tiện vi phạm từ những vùng biển xa vào đất liền.
Các đối tượng buôn lậu trên biển thường manh động, sử dụng vũ khí nóng để chống đối quyết liệt, không hợp tác với lực lượng làm nhiệm vụ...