CPI tháng 5 tăng cao nhất trong 6 năm
Nguyên nhân dẫn đến mức tăng cao như vậy là do trong tháng có tới 9 trong số 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ của giỏ hàng tính CPI tăng giá, trong đó nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 1,72%, chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 8-5-2018 và thời điểm 23-5-2018 (tác động làm CPI chung tăng 0,16%).
Cùng với đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng tăng tới 0,88%, đứng thứ 2 về mức độ tăng mà nguyên nhân chủ yếu do nhóm thực phẩm tăng 1,2% vì giá thịt lợn hơi tăng mạnh 5,85%. Do đây là nhóm hàng chiếm tỷ trong lớn nhất trong giỏ hàng tính CPI nên mức tăng của nhóm hàng ăn đã đẩy CPI chung tăng 0,25%.
Đứng thứ 3 vầ mức độ tăng là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, tăng 0,34%, do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao. Các nhóm còn lại chỉ tăng khá thấp, từ 0,02% đến 0,1%, riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,14%; trong khi nhóm giáo dục không đổi.
Với mức tăng của tháng 5 như vậy, tính chung 5 tháng đầu năm CPI tăng 1,61%; còn so với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 3,86%. CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2018 tăng 3,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Cũng theo công bố của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 5-2018 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Không nằm trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ tính CPI, trong tháng 5-2018 chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ đều giảm so với tháng trước. Cụ thể, chỉ số giá vàng tháng 5-2018 giảm 0,75% so với tháng trước; tăng 2,89% so với tháng 12-2017 và tăng 4,72% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5-2018 giảm 0,06% so với tháng trước; tăng 0,26% so với tháng 12-2017 và tăng 0,26% so với cùng kỳ năm 2017.