Để sản phẩm thời trang Việt trụ được trên “sân nhà”:

Cần đầu tư nghiên cứu thị trường, nắm bắt xu hướng tiêu dùng

08:15 19/02/2020
Thời trang Việt đứng ở đâu tại thị trường nội địa và cần làm gì để trụ vững trên “sân nhà”?, đó là điều đang được nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm.


Thời gian gần đây, người tiêu dùng (NTD) đã chứng kiến cuộc “đổ bộ” mạnh mẽ của hàng loạt nhãn hàng thời trang từ các nước vào thị trường Việt Nam như: Zara, H&M, OVS, SOWON, Uniqlo,… Trước Tết Nguyên đán vừa qua, cảnh khách hàng “rồng rắn” xếp hàng chờ tới lượt mua sắm vào ngày khai trương thương hiệu thời trang hàng đầu Nhật Bản Uniqlo (tại đường Đồng Khởi, quận 1, TP Hồ Chí Minh) cho thấy sức hút ngày càng mạnh mẽ của thời trang ngoại với giới trẻ Việt.

Thời trang Việt đứng ở đâu tại thị trường nội địa và cần làm gì để trụ vững trên “sân nhà”?, đó là điều đang được nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm.

Mặc dù giá cả các sản phẩm thời trang ngoại nhập khá đắt so với mặt bằng chung trên thị trường hàng may mặc, nhưng theo ghi nhận của PV Báo CAND, các cửa hàng kinh doanh sản phẩm ngoại nhập lúc nào cũng đông khách.

Đông đảo khách hàng trẻ mua sắm hàng thời trang ngoại nhập.

Vào cuối tuần và các ngày lễ, lượng khách tấp nập, lũ lượt ra vào, thậm chí có lúc chen lấn nhau để chọn các mẫu sản phẩm mới. Hầu như mỗi khách khi ra về đều ưng ý vì đã chọn được một vài món đồ; có khách tính tiền giỏ đồ cả chục món với hóa đơn lên đến cả chục triệu đồng.

Đang mua sắm tại Parkson (quận 1), chị Trang cho biết trước đây, muốn mua hàng hiệu, chị phải đặt mua từ nước ngoài, và rất khó mới tìm đươc cách chuyển về Việt Nam. “Giờ, hàng hiệu có mặt tại Việt Nam rồi thì đó là mơ ước của NTD nói chung thích mua sắm hàng hiệu”, chị Trang nói.

Nhiều người cho rằng, họ chuộng các nhãn hàng thời trang ngoại này do sản phẩm mang thương hiệu quốc tế, cả thế giới tin dùng về chất lượng nguyên liệu an toàn, đường may mũi chỉ sắc sảo, mẫu mã, kiểu dáng thiết kế lạ, độc đáo có nét riêng biệt.

Đặc biệt, quần áo dễ… mix (phối hợp) với nhau. Tuy nhiên, lượng khách mua sắm thời trang ngoại phần lớn là nhóm khách hàng trẻ, trung niên và thuộc phân khúc khách có thu nhập từ khá trở lên. Số ít khách hàng bình dân đến xem vì tò mò là chính, và nếu có mua thì họ cũng chỉ mua một, hai sản phẩm quần áo có giá dưới 1 triệu đồng/món.

Theo số liệu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tốc độ tăng trưởng dệt may nội địa khá cao, khoảng 20%/năm. Thị trường nội địa có quy mô 4,5 tỷ USD/năm, tương đương 40 triệu bộ quần áo. Trung bình mỗi năm người Việt chi khoảng 100.000 tỉ đồng cho quần áo. Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho biết hiện có hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài có mặt tại Việt Nam, chiếm hơn 60% thị phần từ bình dân đến cao cấp.

Thực tế cho thấy, trong khi thị trường Việt Nam được các nhãn hiệu nước ngoài đánh giá rất tiềm năng thì khá nhiều DN trong nước lại chật vật trong chiến lược tồn tại, phát triển.Đã có nhiều cuộc mua bán, sáp nhập của các thương hiệu thời trang Việt như: Elise, NEM, Vascara,… hay sự thu hẹp của một số hãng thời trang Việt từng thu hút giới trẻ trong nước ưa chuộng như: Blue Exchange, Ninomaxx, Sea Collection, Ivy Moda… đã phần nào cho thấy sự yếu thế của thời trang Việt. Thậm chí, một số nhãn hàng như Foci, M.Y.M,… cũng “biến mất” dần trên thị trường thời trang Việt.

Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh khá lạc quan khi nói về sự cạnh tranh giữa thời trang nội – ngoại. Theo ông Hồng, dù hiện chưa có thống kê con số cụ thể nhưng thực tế chỉ có một bộ phận khách hàng ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... chuộng hàng ngoại và sẵn sàng chi tiền mua sắm, đối tượng khách hàng đó chủ yếu vẫn là thành phần trung lưu trở lên. Đa phần NTD còn lại, đặc biệt là NTD các vùng nông thôn đều vẫn mua sắm quần áo có mức giá rẻ, mẫu mã phù hợp với họ.

“Chỉ khoảng 30% NTD Việt Nam chuộng thời trang ngoại, 70% NTD vẫn mua thời trang được sản xuất trong nước nên thị phần cho các thương hiệu thời trang Việt còn khá lớn. Trước sự đầu tư của nhiều thương hiệu thời trang ngoại vào Việt Nam thì các DN may mặc Việt sẽ cạnh tranh khó hơn chứ không thua”, ông Hồng khẳng định.

Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty CP May thêu Minh Long Hưng cho hay, khó khăn lớn nhất của DN may mặc Việt là nguồn vốn, năng lực tài chính không đủ mạnh để đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại hơn; đội ngũ thiết kế tay nghề cao; nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng để nắm bắt kịp thời gu thời trang của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng, từ đó có chiến lược sản xuất, quảng bá, phân phối sản phẩm hiệu quả.

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ các hãng thời trang ngoại chiếm ưu thế, thu hút khách hàng là do họ chịu đầu tư nghiên cứu kỹ thị trường Việt Nam, nắm bắt đúng tâm lý NTD Việt là chuộng hàng hiệu ở phân khúc bình dân. Trong khi đó, tại thị trường nội địa, các DN Việt yếu khâu thiết kế nên nhiều sản phẩm làm ra chưa đạt được độ tinh xảo, đội ngũ công nhân có tay nghề cao phần lớn gia công cho hàng ngoại.

Các DN trong nước vừa cạnh tranh với hàng ngoại nhập lại vừa chống chọi với nạn hàng giả, hàng nhái... tràn lan. Các thương hiệu thời trang Việt vốn đã vững mạnh và có chỗ đứng trên thị trường trong nước lẫn xuất khẩu không bị tác động nhiều bởi “làn sóng” thời trang ngoại nhập, nhưng các công ty, tổ hợp sản xuất nhỏ thì đang bị nhiều áp lực.

Ông Phạm Xuân Hồng cho rằng, thị phần cho DN may mặc Việt vẫn còn lớn và còn nhiều cơ hội, với điều kiện DN phải thay đổi để bắt kịp xu thế mới. Vì vậy, để tăng sức cạnh tranh với thời trang ngoại, các DN may mặc Việt Nam phải đầu tư nghiên cứu thị trường, nắm bắt xu hướng tiêu dùng và đón đầu phong cách thời trang của khách hàng Việt ở tất cả các phân khúc bình dân - trung - cao cấp và đối tượng nam, nữ, giới trẻ, trung niên,… để sản xuất sản phẩmcó mẫu mã, kiểu dáng phù hợp.

Ngoài ra, chất lượng sản phẩm phải tốt và giá phải cạnh tranh, bởi phần lớn NTD Việt Nam có xu hướng thay đổi, sẵn sàng đón nhận sản phẩm mới miễn là chất lượng tốt và giá phù hợp.

T.Hà - N. Cẩm

Trong 11 tháng đầu năm 2024, số ca chết não hiến tạng ở Việt Nam tăng gấp đôi năm 2023. Kể từ ca hiến tạng từ người cho chết não đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam vào năm 2008, đây là năm đạt kỷ lục cao nhất về số người chết não hiến tạng.

Chiều 15/11, Công an huyện Thăng Bình (Quảng Nam) cho biết, đã chuyển hồ sơ cùng 2 đối tượng Hồ Xuân Tâm (SN 1998) và Bùi Vinh Quang (SN 1993, cùng trú xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình) đến Phòng ANĐT Công an tỉnh Quảng Nam để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi tàng trữ tiền giả.

Với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an và Cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.

Trong lúc nam thanh niên cầm lái xe máy chở người cha ruột ôm hai bình rượu rắn đi giao cho khách hàng thì bị phát hiện. Khám xét nơi ở của đối tượng, cơ quan điều tra thu giữ thêm nhiều tang vật có liên quan, nhưng phải 4 tháng sau đó, khi có kết luận giám định từ cơ quan chức năng mới khởi tố vụ án và bị can.

Ngày 14/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Vũ Đình Kiên - Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên Nam về tội “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”

Ngày 15/11, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, quá trình đấu tranh mở rộng chuyên án “Tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng” liên quan đến đối tượng Shen Chia Chi (SN 1980, quốc tịch Đài Loan; tạm trú TP Hà Nội) mà Báo CAND đã đưa tin, đến nay cơ quan này đã khởi tố thêm 11 bị can.

Cựu Giám đốc và thuộc cấp Công ty 878 đã lập khống hồ sơ một công trình ở TP Hồ Chí Minh với số tiền gần 32 tỷ đồng và lập khống hồ sơ đối với công trình ở tỉnh Quảng Ngãi với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cựu Giám đốc Công ty 878 còn sử dụng 15 hóa đơn giá trị gia tăng không hợp pháp (hóa đơn khống) đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền thuế hơn 7,6 tỷ đồng…

Trước những vụ TNGT thương tâm mà các nạn nhân rơi vào “điểm mù” của xe tải, xe đầu kéo, các đội, trạm thuộc Phòng CSGT, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tuyên truyền vận động chủ doanh nghiệp vận tải, tài xế của các phương tiện lắp đặt camera quan sát để hạn chế những tai nạn đáng tiếc…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文