Cảnh giác hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt xuất khẩu sang Mỹ
- Cuộc thương chiến Mỹ - Trung từ một góc nhìn khác
- Thương chiến Mỹ - Trung, toàn cầu dịch chuyển
- Giải mã cuộc thương chiến Mỹ – Trung
Ngày 24-10, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP. Hồ Chí Minh (CIIS) tổ chức Hội thảo "Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Triển vọng và rủi ro với doanh nghiệp xuất nhập khẩu (DNXNK) Việt Nam”, thu hút hơn 200 đại biểu tham gia là đại diện đến từ các cơ quan Nhà nước, các Hiệp hội DN, các DN và luật sư, chuyên gia...
Sau những tháng đầu năm âm ỉ, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc nổ ra hồi đầu tháng 7, khi Mỹ áp thêm mức thuế 25% với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đến tháng 8, thêm 16 tỷ USD chịu thuế suất 25% và tháng 9 thêm 200 tỷ USD hàng hóa chịu thuế suất 10%, và theo tuyên bố của Tổng thống Mỹ, mức thuế sẽ tăng lên 25% vào 1-1-2019.
Đến nay, tổng giá trị hàng hóa chịu thuế trừng phạt đã chiếm gần 50% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng từ Trung Quốc vào Mỹ. Tương tự, cứ mỗi lần Mỹ áp thuế hàng hóa của Trung Quốc, Trung Quốc cũng “trả đũa” ngay sau đó đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc.
Mới đây nhất, khi phía Mỹ tuyên bố áp thuế thêm 200 tỷ USD hàng hóa chịu thuế suất 10%, và sẽ tăng mức thuế lên 25% vào 1-1-2019, Trung Quốc đáp trả bằng cách hủy đàm phán và tuyên bố áp thuế 25% các mặt hàng trị giá 60 tỷ USD.
“Như vậy cả 2 bên đều căng. Trước đó là tranh chấp thông thường, nay đẩy lên thành chiến tranh thương mại. Chính vì diễn biến nhanh như vậy, nên thị trường Việt Nam đã bị tác động đáng kể. Việt Nam là nước nhập siêu từ Trung Quốc, chủ yếu từ nguyên liệu. Việt Nam cũng là 1 trong 5 nước xuất siêu sang Mỹ và chính sách của Mỹ là làm sao giảm nhập siêu. Đây là vấn đề khá nhạy cảm trong chính sách ngoại thương của ta. Đây là tranh chấp thuơng mại cực kỳ phức tạp, các DN cần chủ động để tránh bớt tranh chấp, bớt rủi ro, tìm cơ hội hợp tác phát triển trong điều kiện như hiện nay”, TS. Trần Du Lịch - Thành viên Tổ Tư vấn Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch VIAC nhận định.
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo để nghe các diễn giả chia sẻ về những tác động của DN Việt từ chiến tranh thương mại Mỹ- Trung “leo thang”. |
Trước tình hình trên, mặt hàng nào của Việt Nam sẽ bị tác động từ cuộc chiến này? Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam giải thích: Khi Mỹ áp thêm thuế lên hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, thì những sản phẩm tiêu dùng của Trung Quốc xuất sang Mỹ đã phải chịu mức thuế 10% và cuối năm nay mức thuế tăng lên 25%.
Những mặt sẽ tác động rất nhiều đến Việt Nam đó là nông sản, thực phẩm chế biến, cụ thể là các sản phẩm tôm; đồ gỗ nội thất; các sản phẩm da, va ly, túi xách, là những mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ với kim ngạch khá lớn.
Đây cũng là những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế, cũng đang xuất khẩu vào Mỹ với số lượng lớn, nên sẽ là cơ hội cho DN Việt Nam. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, DN Việt Nam sản xuất sản phẩm cung ứng cho thị trường nội địa mà những sản phẩm tương đồng với sản phẩm Trung Quốc không xuất nhiều sang Hoa Kỳ, mà phải xuất sang các nước châu Á trong đó có Việt Nam thì áp lực cạnh tranh sẽ rất lớn.
Tương tự, những mặt hàng mà Trung Quốc không xuất khẩu được vào Mỹ do thuế cao như valy, túi xách, nông sản chế biến... thì sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường trong nước.
“Với đợt áp thuế 200 tỷ USD này, những mặt hàng của Trung Quốc như nhựa, cao su, hóa chất, xuất sang Mỹ cũng chịu thuế. Đây là những sản phẩm mà Việt Nam không xuất nhiều sang Mỹ mà chúng ta lại chịu sức ép cạnh tranh rất nhiều từ hàng nhập khẩu Trung Quốc và sắp tới tác động tiêu cực cạnh tranh từ Trung Quốc sẽ còn lớn hơn nữa.
Và một rủi ro ngay trước mắt chúng ta, là khi chiến tranh thương mại “leo thang” thì động cơ để mà Trung Quốc sang Việt Nam dưới dạng chuyển tải, dán nhãn thành hàng Việt Nam sau đó xuất sang Mỹ là rất lớn.
Chúng ta đã chứng kiến những sản phẩm khác đã xảy ra năm ngoái khi phía cơ quan thương mại Mỹ kết luận đó là hàng chuyển tải, tức là hàng Trung Quốc nhưng dán nhãn Việt Nam mặc dù có một công đoạn sơ chế nhưng không thỏa mãn quy định về xuất xứ hàng hóa.
Kết quả chúng ta phải chịu mức thuế trừng phạt lên tới 450%. Đây là rủi ro rất lớn, không chỉ nguy cơ bị Mỹ áp thuế đối với hàng chuyển tải mà cái cớ để Mỹ có thể đưa Việt Nam vào tầm ngắm trong chiến lược bảo hộ thương mại”, ông Thành thông tin.
Các chuyên gia cho rằng, việc áp thuế của Mỹ vào các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc rơi vào một số mặt hàng mà Việt Nam đang có lợi thế. Tuy nhiên, vấn đề đặt là chúng ta không chỉ cạnh tranh với Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác, họ cũng tương đồng, cũng giành cơ hội để tăng thị phần họ lên tại thị trường Mỹ.
“Vậy vấn đề đặt ra là là cơ hội đã có, nhưng DN có bắt được cơ hội hay không mới là quan trọng. Muốn vậy, tôi nghĩ DN phải nâng cao chất lượng sản phẩm, giá thành cạnh tranh, giảm chi phí, đặc biệt quan trọng nhất là phải kiểm soát đừng để rơi vào tình trạng mượn đường để chuyển sản phẩm từ Trung Quốc mà đã từng xảy ra ở những dạng khác nhau. Chính Phủ phải tăng cường quản lý một cách chặt chẽ. Phải tự mình quản lý, đừng để người ta tới kiểm tra, rồi cảnh báo”, TS. Trần Du Lịch khẳng định.
PGS TS Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết: Khi Mỹ áp thuế 200 tỷ USD vào hàng hóa của Trung Quốc, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cho Viện Nghiên cứu phát triển thành phố đánh giá ngay tác động của cuộc chiến “leo thang” này đối với DN, đối với từng mặt hàng cụ thể, nhất là 7 nhóm ngành sản phẩm chủ lực và 9 ngành dịch vụ trọng yếu của thành phố.
“Chúng tôi phối hợp với Sở Công thương, Hải quan lấy list hàng trong 200 tỷ USD để xem tại địa bàn TP Hồ Chí Minh có bao nhiêu để đánh giá. Ngoài ra, xem lưu lượng hàng qua hải quan tăng hoặc giảm, để xem có việc “né” thuế từ Trung Quốc vào Việt Nam, lấy nguồn gốc xuất xứ Việt Nam xuất sang Mỹ hay không. Năm ngoái Việt Nam xuất siêu sang Mỹ gần 34 tỷ USD, đến tháng 9-2018, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ 20 tỷ USD. Nếu gia tăng, xuất siêu hơn nữa thì Mỹ đặt vấn đề là tranh chấp thương mại Việt Nam? Vậy nên chúng ta chuẩn bị kịch bản xấu nhất và các DN cũng phải chủ động”, ông Trình cho biết.