Cơ hội thuận lợi để lãi suất cho vay giảm, “thúc” tín dụng
- Giảm lãi suất cho vay về 5%/năm: Nhiệm vụ khó khăn
- Có cơ sở để giảm lãi suất cho vay
- Lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm
Tuy nhiên, để lãi suất có thể giảm bền vững, các ngân hàng cũng cần tăng hiệu quả hoạt động để giảm NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên), kiểm soát và xử lí nợ xấu hiệu quả, ngoài ra yếu tố lạm phát cũng cần quan sát thận trọng trong bối cảnh lạm phát các tháng cuối năm được dự báo có nhiều diễn biến khó lường...
Thị trường tiền tệ tháng 8 và những tuần đầu tháng 9 đang xảy ra một hiện tượng hiếm có, đó là việc lãi suất liên ngân hàng giảm về mức thấp kỷ lục. Việc giảm lãi suất này không chỉ xảy ra với kỳ hạn qua đêm, mà nhiều kỳ hạn phổ biến của thị trường này cũng ghi nhận mức kỷ lục.
Điều này chắc chắn cho thấy, nhu cầu vay mượn trong hệ thống đang ở mức rất thấp. Đồng thời cũng dễ hiểu khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất tích cực sử dụng công cụ tín phiếu để dung hòa lượng tiền dư thừa trong hệ thống ngân hàng, với mức lãi suất cũng thấp kỷ lục.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thanh khoản hệ thống liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần trong tuần qua lần lượt ở mức 0,69%; 0,83% và 1,06%, tăng nhẹ so với mức thấp kỷ lục trong lịch sử là 0,57%; 0,61% và 0,79% của tuần trước.
Lãi suất đang chịu sức ép từ lạm phát. |
Ở một diễn biến khác, lãi suất của kênh tín phiếu kỳ hạn 14 ngày được phát hành trong tuần qua cũng đã ở mức rất thấp, 0,5%/năm, gần bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, điều này cho thấy nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng thương mại qua kênh tín phiếu đang ở mức thấp.
Các dấu hiệu trên đều cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dồi dào, với nguyên nhân chủ yếu là do NHNN bơm một lượng tiền lớn qua nghiệp vụ mua ngoại tệ từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, tính đến cuối tuần qua, khối lượng huy động trái phiếu Chính phủ đã đạt 98,96% so với kế hoạch đề ra. Như vậy là áp lực phát hành trái phiếu Chính phủ không còn lớn cho thấy khả năng nguồn vốn dư thừa nằm ở các ngân hàng thương mại bị hút về qua kênh này là không cao.
“Có thể thấy nếu không có biến động lớn, thanh khoản hệ thống ngân hàng nhiều khả năng vẫn sẽ được duy trì ở trạng thái dồi dào từ nay đến hết năm. Đây là một yếu tố tích cực, hỗ trợ giảm lãi suất huy động, từ đó giúp các ngân hàng có điều kiện tiết giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp”, BVSC nhận định.
Tuy nhiên, để lãi suất có thể giảm bền vững, BVSC góp ý bên cạnh việc thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, các ngân hàng cũng cần tăng hiệu quả hoạt động để giảm NIM, kiểm soát và xử lí nợ xấu hiệu quả, ngoài ra yếu tố lạm phát cũng cần quan sát thận trọng trong bối cảnh lạm phát các tháng cuối năm được dự báo có nhiều diễn biến khó lường
Từ phía cơ quan quản lý, NHNN thống kê hiện lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. NHNN cho rằng, lãi suất cho vay như trên của Việt Nam “vẫn ở mức tương đối hợp lý so với nhiều nước trong khu vực”. Nhận định này được đặt trong tương quan cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam so với bên ngoài.
Theo số liệu công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) về lãi suất cho vay của một số nước trong khu vực, lãi suất cho vay (lending interest rate) của Myanmar ở mức 13%/năm, Indonesia là 12,7%/năm, Ấn Độ là 10,3%/năm, Thái Lan là 6,6%/năm, Philippines là 5,5%/năm, Singapore là 5,4%/năm; nhiều nước đang phát triển khác tại châu Á và châu Phi có lãi suất cho vay từ 15-17%/năm trong năm 2015…
Dù đã tương đối hợp lý, cùng sức ép lên mặt bằng lãi suất đang thể hiện ở xu hướng lạm phát tăng cao hơn những năm trước, nhưng trong báo cáo công bố tuần trước, NHNN cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.