Còn “xin - cho” thì không hiệp định thương mại nào “cứu” nổi

08:03 27/11/2016
Việc ông Donald Trump – người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ lập tức từ bỏ TPP khi nhậm chức khiến viễn cảnh có một Hiệp định Thương mại tự do mẫu mực kiểu mới mà Việt Nam là một phần quan trọng không trở thành sự thực. Vậy Việt Nam nên ứng phó thế nào nếu TPP mất đi?

Chuyên mục Trò chuyện chủ nhật của Báo Công an nhân dân tuần này đã có cuộc trao đổi với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan – lãnh đạo cấp cao Việt Nam đầu tiên đặt chân vào Nhà Trắng, để đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA). Với tầm nhìn của một người đã chứng kiến quá trình hội nhập của Việt Nam, ông đã có những kiến giải về hiện tượng này.            

PV: Thưa ông, viễn cảnh không có TPP có ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tới không?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Trước hết, phải nói TPP là một mắt xích quan trọng của quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu. Với việc ông Trump đã chính thức tuyên bố sẽ rút khỏi TPP, quá trình tự do hóa toàn cầu ấy chịu một sức ép không nhỏ.

Tình hình sẽ diễn biến ra sao thì chúng ta phải chờ đợi. Mỹ sẽ rút khỏi TPP theo tuyên bố của ông Trump, nhưng quy trình diễn ra như thế nào vẫn còn rất nhiều dấu hỏi, như những quy định của nội luật Mỹ, hay những phản ứng của các thế lực khác nhau trong lòng nước Mỹ cũng chưa thể nói trước.

Bất luận thế nào, chắc chắn 2017 sẽ chưa có TPP, và nếu giả dụ có trong tương lai, nó cũng sẽ khác TPP đã ký. Việt Nam, trước tình hình bất định như vậy, cần theo dõi rất kỹ lưỡng chiều hướng và chủ động có những bước đi để đối mặt.

Một số người nói có hay không có TPP cũng không vấn đề gì. Nếu nói như vậy, ta sẽ đặt câu hỏi: Vậy thì anh vào TPP làm gì, cố công đàm phán bao nhiêu năm trời, thậm chí có rất nhiều kỳ vọng, nhiều dự đoán lạc quan. Có người còn nói không có thì càng tốt, là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế. Cách nói như thế không chuẩn xác.

Theo tôi, nên đặt vấn đề thế này: TPP là một mắt xích quan trọng trong quá trình nước ta hội nhập với thế giới. Bây giờ nó không có nữa, hay nó thay đổi đi, thì ta phải tính toán, thích nghi với tình hình đó.

Từ khi ta tham gia WTO, ta đã dùng các thỏa thuận về tự do hóa mậu dịch để mở rộng thị trường, có thêm đầu tư, đồng thời cũng dùng nó để thúc đẩy quá trình đổi mới ở trong nước, cả về thể chế lẫn cơ cấu kinh tế. Quá trình đó sẽ tiếp tục với việc ta hội nhập quốc tế và tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) khác nhau, nhưng nó sẽ phải điều chỉnh trong trường hợp không có TPP. Cách tiếp cận như vậy, tôi nghĩ, sẽ thỏa đáng hơn.

PV: Nhiều người đã chờ đợi những cam kết trong TPP như là một cú hích lớn để đổi mới thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế. Nếu không có TPP, ông có lo ngại quá trình cải cách của Việt Nam sẽ chậm hơn không?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Tôi nghĩ chậm hay nhanh là do ta. Tất nhiên FTA là những đòn bẩy bổ sung. Nếu có, nó sẽ tạo nên một sức ép vô hình để chúng ta thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Có điều, bản thân tình hình nội tại của chúng ta đang đòi hỏi đổi mới thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, thì ta hãy chủ động, tích cực làm những việc mà chúng ta đã định làm, dù có các FTA hay không.

Hơn nữa, không có TPP vẫn còn có các FTA khác, trong đó đáng chú ý nhất là FTA với liên minh châu Âu (EVFTA). Nhưng, tôi nhấn mạnh lại, là bất luận thế nào, thì 2 việc lớn đó vẫn là đòi hỏi rất bức bách của nội tại nền kinh tế chứ không phải chỉ từ bên ngoài, không phải tất cả các DN đều tham gia FTA. Tuyệt đại đa số các DN làm ăn đều nhìn vào thị trường nội địa, nên người ta đòi hỏi phải có đổi mới thể chế để làm ăn được dễ dàng.

Tôi có cảm nhận trong thời điểm hiện nay, nội tại ta đã tích cực, chủ động hơn trong đổi mới thể chế, cũng làm khá nhiều việc, đưa ra rất nhiều ý tưởng.

Nhưng tôi cũng nhấn mạnh, ta có “truyền thống” là ý tưởng không ít; chủ trương, nghị quyết cũng rất nhiều, nhưng thực hiện còn là một vấn đề. Thế thì chuyện ấy là do mình hết chứ có ai áp đặt đâu. Cuối cùng ta vẫn là ta thôi. Nếu không đổi mới các DNNN, không xóa bỏ những rắc rối trong thủ tục, nếu còn có cơ chế xin – cho, thì chẳng có FTA nào cứu được đâu.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

PV: Có rất nhiều kỳ vọng khác nhau về TPP. Theo ông, đâu là lợi ích cốt lõi của Việt Nam nếu TPP trở thành sự thật: sức ép để cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế hay mở rộng thị trường hay thu hút đầu tư?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Cái chủ yếu là mở rộng thị trường. Tự do hóa thương mại chẳng qua là một thỏa thuận để dỡ bỏ rào cản để làm ăn buôn bán, mở rộng thị trường.

Kỳ vọng lớn của chúng ta khi đàm phán TPP là mở rộng thị trường, đặc biệt dệt may là cái đầu tiên chúng ta có thể hưởng lợi. Đi liền với cái đó, như tôi đã nói, nó tác động đổi mới thể chế, nhưng cái đó chỉ là cái  “hàng hai” thôi. Cái “hàng hai” này ta chủ động được. Còn thị trường, nếu không có Mỹ, ta phải tìm kiếm thị trường khác.

Nhưng tôi không nghĩ là có một thị trường nào dễ dàng thay thế thị trường Mỹ. Tôi là người đi đàm phán, ký kết BTA với Mỹ, tôi hiểu đây là thị trường lớn nhất thế giới, không chỉ Việt Nam mà các nước đều trông vào, kể cả Nhật Bản, Trung Quốc. Nếu xu hướng bảo hộ mậu dịch của Mỹ tăng lên, kể cả việc xóa bỏ TPP và nhiều biện pháp khác nữa, sẽ ảnh hưởng đến khả năng xâm nhập thị trường Mỹ.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, nên phải chăm chú theo dõi để thích nghi, chứ không nên nói một cách dễ dàng là không có thị trường Mỹ ta đi tìm một thị trường khác. Nếu cách tiếp cận như vậy là nguy hiểm.

PV: Ông có cho rằng, nhiều DN nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam với những cam kết tỷ đô để “đón” TPP sẽ rút lui không? Nếu có, điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tới?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Đấy là một hệ quả chúng ta cần tính đến. Theo kinh nghiệm, cao trào đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã dâng lên sau khi chúng ta gia nhập WTO, rồi nó lại lắng xuống.

Khi chúng ta đàm phán, nhất là khi kết thúc đàm phán TPP, thì lại thấy một cao trào mới, một làn sóng mới gia tăng đầu tư vào Việt Nam, thực chất để đón đầu những FTA, nhất là TPP. Bây giờ TPP không còn nữa, hoặc nó chậm lại, hoặc thay đổi, thì làn sóng ấy chắc chắn bị ảnh hưởng.

Tôi đã thấy quý IV manh nha có dấu hiệu như vậy. Mà FDI chiếm một thị phần rất quan trọng trong kinh tế nước ta, nhất là xuất khẩu (khoảng 70%), nên nhiều hay ít chắc chắn sẽ có ảnh hưởng. Đầu ra của chúng ta là xuất khẩu cũng ảnh hưởng, đầu vào là thu hút vốn FDI cũng sẽ ảnh hưởng, không thể coi thường là không có TPP càng tốt.

PV: Theo ông, liệu ảnh hưởng đó có lớn đến mức chúng ta phải tính toán lại các kế hoạch tăng trưởng trong giai đoạn tới không?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Nhiều hay ít phải tính toán cụ thể, không thể theo cảm tính. Nhưng phải nhận thức rõ là sẽ ảnh hưởng. Nói không ảnh hưởng thì quá nhẹ dạ.

Ảnh hưởng thế nào thì phải tính toán khoa học. Không nên võ đoán. Hơn nữa, nó còn phụ thuộc vào chính sách thương mại cụ thể của chính quyền ông Trump, chứ không chỉ riêng TPP. Ví dụ hàng rào thuế quan (ngoài phạm vi thỏa thuận TPP) họ có dâng lên không, thậm chí so với BTA Việt Nam đã ký. Tất cả cái đó vẫn là một câu hỏi.

Tôi nghĩ, các cơ quan có trách nhiệm cần tính toán những kịch bản khác nhau thành những con số cụ thể để có những biện pháp thích nghi với cái mới.

PV: Một số quan điểm cho rằng: Ông Trump - với quan điểm chống tự do hóa thương mại sẽ nâng thuế với hàng hóa Trung Quốc, có khả năng hàng hóa đó sẽ dồn vào “vùng trũng” như Việt Nam – nơi không có các rào cản kỹ thuật đáng kể. Ông có lo ngại hiện tượng đó không?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Một hiện tượng rất đáng chú ý là phía Trung Quốc gần đây nhấn mạnh rất nhiều đến 2 thể chế là RCEP và Khu vực mậu dịch tự do châu Á – Thái Bình Dương, chứng tỏ phía Trung Quốc đã có dấu hiệu tận dụng tình hình mới để mở rộng thị trường của mình.

Bản thân Việt Nam cũng đã tham gia đàm phán cả 2 "thể chế" này, dù Khu vực mậu dịch tự do châu Á – Thái Bình Dương mới chỉ là ý tưởng. Đấy cũng là những hình thức hợp tác quốc tế mà chúng ta cũng sẽ phải tính toán đến. 

Việt Nam với tư cách thành viên ASEAN ta cũng tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc từ 2011, chứ không phải mới mẻ. Còn hàng Trung Quốc có vào Việt Nam hay không, thì ai cũng mong muốn bán hàng, mua hay không là ở người mua.

Tóm lại, ý tưởng của tôi vẫn là việc của ta do ta quyết định. Mặc cho bên ngoài biến động thế nào, cuối cùng cũng là ta thôi. Nói như vậy không có nghĩa là mặc kệ bên ngoài, mà phải rất chăm chú biến động để thích nghi với nó. Bão chẳng hạn, làm sao mà cưỡng lại hiện tượng thiên nhiên đó? Nhưng chuẩn bị chống bão thì phải rất kỹ càng, chuẩn bị càng tốt thì thiệt hại càng hạn chế.

PV: Ông có nghĩ đến khả năng TPP phải đàm phán lại không, và nếu điều đó xảy ra, theo ông, Việt Nam có nên tham gia một vòng đàm phán mới?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Đấy là một khả năng. Tôi không thích ngồi võ đoán, tôi cũng không ở cương vị nói thay, đại diện cho ai cả. Nhưng tôi nghĩ chúng ta đã đàm phán việc này rồi, nếu bây giờ các nước tham gia thấy cần bàn lại, không lý gì ta không tham gia việc bàn lại ấy. Ta ký rồi, là thành viên rồi, cái mà ta ký họ sửa lại thì ta cũng phải có ý kiến chứ. Hơn thế nữa, tôi nghĩ ngay từ bây giờ phải chủ động chuẩn bị phương án ấy. Đây là suy nghĩ riêng của tôi thôi. Còn cụ thể như thế nào do Đảng và Nhà nước quyết định.

PV: Một số diễn giả chia sẻ rằng họ được mời đi nói về TPP rất nhiều, vì DN hoang mang. Theo ông, giả thuyết nếu mất TPP chính quyền và DN trong thời điểm hiện nay nên làm gì?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Khi đàm phán TPP cũng nhiều ý kiến trái chiều, tôi cảm nhận khác hẳn hồi WTO. Sau khi đàm phán xong WTO, chúng ta hào hứng như là hôm sau thức dậy, nước mình trở thành con rồng, con hổ.

Còn TPP, người thì nghĩ rằng hôm sau sẽ bừng sáng, người thì nghĩ rằng hôm sau sẽ sập tối. Bây giờ bỗng nhiên nói là TPP không có, người lo sợ cái sập tối thì mừng, người nghĩ bừng sáng lại buồn.

Vấn đề cơ bản là nhận thức, hiểu biết. Giải thích của những người có trách nhiệm và giải thích của cơ quan truyền thông chưa thấu đáo, nhận thức chưa thật khách quan, chuẩn xác. Vấn đề cơ bản bây giờ là phải giải thích, là có nhận thức cho đúng. Đúng ở đây là phải nhận thức được thế giới là một cái gì đó đang biến động rất lớn.

Cuộc khủng hoảng 2008, rồi những biến động bây giờ, như hiện tượng Trump, không phải nhiều người dự đoán được. Thế giới có 2 xu hướng mới là xu hướng dân túy và chủ nghĩa dân tộc đang phát triển rất mạnh.

Vài ba năm nữa là thời gian thế giới “xóc lại”, sẽ có nhiều biến động, nhiều bất định. Phải thích nghi với một thế giới đang biến động. Nếu trang bị cho mọi người cách suy nghĩ ấy, thì người ta sẽ tự xử lý được những tình huống.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Vũ Hân (thực hiện)

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文